Nhân viên y tế khử trùng bên trong bệnh viện phòng chống COVID-19 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, phó trưởng tiểu ban điều trị, bệnh nhân mắc COVID-19 số 437 đang trong tình trạng nguy kịch, được sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo). Bệnh nhân số 437 là nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân tiền sử mắc suy thận mãn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 27-7. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tại khoa hồi sức tích cực - chống độc. Các chuyên gia hàng đầu liên tục hội chẩn, hỗ trợ trực tiếp Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân này. Tính đến ngày 30-7, Việt Nam có thêm một số ca bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện Đà Nẵng, đặc biệt là các bệnh nhân tiên lượng rất nặng: bệnh nhân 416, 418, 428, 431, 436, 437, 438; một số bệnh nhân tiên lượng nặng lên như bệnh nhân 429, 426, 427, 430, 422, 433... Đa phần trong số đó là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm. PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở y tế tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế. "Cuộc chiến phòng chống COVID-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức. Do đó trước tiên, chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để có người điều trị cho bệnh nhân. Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19 vì căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và rất nặng", ông lưu ý. Chiều 30-7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với TP Đà Nẵng trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19... Bộ Y tế nhận định tình hình dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng phức tạp, ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa toàn bộ). Ngay từ đầu, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất quyết liệt, bộ đã cử ngay 3 đoàn công tác đến Đà Nẵng là các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị, giám sát dịch tễ và xét nghiệm. Hằng ngày các êkip này đều báo cáo, trao đổi và hội chẩn về chuyên môn, đặc biệt là trong công tác điều trị bệnh nhân nặng nhằm nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế cử thêm đội công tác tinh nhuệ do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - vào hỗ trợ Đà Nẵng. Hiện có khoảng 30 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai là các chuyên gia có kinh nghiệm đang giúp Đà Nẵng về hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm. Viện Pasteur TP.HCM cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều. Hiện năng lực xét nghiệm tại thành phố này đã lên hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/ngày Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO đã được Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng "chi viện" cho địa phương này thêm nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch. Bộ Y tế sẽ có văn bản quy định các trường hợp (từ Đà Nẵng về và có biểu hiện bệnh) đến cơ sở y tế (có khả năng xét nghiệm) để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, cùng với hỗ trợ về nhân lực, vật lực, xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ BV Đà Nẵng ra điều trị ở BV Trung ương Huế nhằm "chia lửa" cho Đà Nẵng. Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế sắp xếp phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng. Hiện đã có một số bệnh nhân COVID-19 nặng, kèm bệnh lý nền như ung thư, tim mạch, suy thận mạn... đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế. 4 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương ra viện Sáng 31-7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương công bố khỏi bệnh cho 4 bệnh nhân. Những người này sẽ được cách ly theo dõi 14 ngày theo quy định. Như vậy đến nay Việt Nam đã có 373 trường hợp khỏi bệnh, ra viện. Thêm 45 ca COVID-19, Việt Nam 509 ca TTO - Bộ Y tế sáng 31-7 công bố ghi nhận ca COVID-19 mới, trong đó có 33 ca ở Bệnh viện Đà Nẵng, 2 tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Như vậy tính từ ngày 25-7 đến nay, số ca bệnh liên quan Đà Nẵng đợt này là 93 ca. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .