Số lượng xe phát triển vượt khả năng chịu đựng của hạ tầng là một trong những nguyên nhân cần hạn chế xe cá nhân - Ảnh: QUANG KHẢI Thông tin trên được Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (TDSI - thuộc Bộ Giao thông vận tải) công bố tại hội nghị phản biện dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP ngày 1-3. Theo TDSI, kết quả trên do đơn vị này phối hợp với UBND các phường, xã, tổ dân phố trên địa bàn TP và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tổng hợp từ 35.000 phiếu khảo sát. Trong đó, có 30.000 phiếu khảo sát đối với hộ gia đình, cá nhân tại 19 quận huyện gồm: quận 1 đến quận 12; các quận: Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức và Bình Tân. Nội dung phiếu khảo sát đề cập đến các thông tin về: nghề nghiệp, thu nhập, thời gian đi học, đi làm, hộ gia đình; quan điểm và ý kiến về việc sử dụng xe công cộng và các giải pháp hạn chế xe cá nhân (hạn chế ô tô con, xe máy). 5.000 phiếu khảo sát khác được tiến hành đối với hành khách đi lại tại 9 đầu mối giao thông là các bến xe như: Miền Đông, MiềnTây; An Sương, Củ Chi, Quận 8, bến xe buýt công viên 23 tháng 9… Trong tổng số 35.000 phiếu thực hiện trong năm 2017 cho thấy tỉ lệ người dân sở hữu xe gắn máy tăng 1,14 lần so với năm 2002, nhưng tỉ lệ sở hữu ô tô tăng lên 2 lần. Cụ thể, trong 1.000 người dân có 523 người sở hữu xe máy, 16 người có ô tô. Kết quả khảo sát cho thấy có 62,56% ý kiến cho rằng cần hạn chế ô tô con, xe máy. Trong đó có 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý có điều kiện khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại và 37,44% không đồng ý. Chi tiết hơn, TDSI công bố tỉ lệ người được khảo sát chọn thời gian, khu vực hạn chế như sau: - 88,20% ý kiến cho rằng nên hạn chế ô tô và 83,41% hạn chế xe máy vào giờ cao điểm. - 60,72% hạn chế ô tô và 47,46% hạn chế xe máy vào khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, đa số người dân được khảo sát cũng ủng hộ một số giải pháp được đưa ra nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường như: - 80,28% đồng tình điều chỉnh sắp xếp giờ học, giờ làm việc lệch ca. - 85,35% đồng tình ứng ụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông như: thu phí tự động, xử phạt, tổ chức giao thông… - 62,76% đồng tình tăng dần mức thu phí trông giữ ô tô, xe máy theo thời gian tại khu vực trung tâm - 68,46% đồng tình cần thu phí môi trường đối với các loại phương tiện theo quy định. Bên cạnh các giải pháp trên, TDSI đưa ra tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 phải đáp ứng khả năng chuyên chở gần 37% (hiện 10-13%), phát triển khoảng 11 tuyến metro, BRT cùng nhiều tuyến buýt đường sông; xe đạp công cộng... Tổng kinh phí thực hiện đề án này tới 375.410 tỉ đồng. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .