7 nhóm giải pháp gỡ khó trước dịch COVID-19 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trong ứng phó với dịch COVID-19. Chỉ thị nêu rõ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả quan trọng. Giảm thủ tục, thuế, phí; đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và nhân dân tập trung thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 trước bối cảnh dịch bệnh này đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia. Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế…, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung vào các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trước hết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, Thủ tướng giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ... Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng đó là sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người dân. Song song đó, Thủ tướng yêu cầu giảm phí, lệ phí cũng như các thủ tục hành chính… nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên, vật liệu đầu vào. Qua đó, bộ cần đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất, dự báo nhu cầu của thị trường, đảm bảo việc phân phối, lưu thông hàng hóa trên thị trường. Song song đó, Bộ Công Thương cần có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới. Ngoài ra, bộ phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế. Thủ tướng cũng giao Bộ VH-TT&DL đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, các chương trình kích cầu. Cùng đó là tăng cường truyền thông, quảng bá các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, phát triển mạnh du lịch nội địa; triển khai, cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử… Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất trong việc ứng phó với dịch COVID-19. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tơ lụa Bảo Lộc. Ảnh: HTD Giải ngân vốn, sớm hoàn thành các dự án quan trọng Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3. Theo Thủ tướng, phải tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 3. Bộ phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Cùng với đó là khẩn trương hoàn thành thủ tục, thúc đẩy thực hiện các dự án quan trọng như dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp như tình hình lao động, việc làm, động viên tinh thần người lao động. Bên cạnh đó có phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài. Đẩy mạnh thông tin truyền thông Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp về phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch. Cùng đó là tăng cường truyền thông các chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .