Ai xứng đáng làm đại biểu của dân? Chỉ thị định rõ cuộc bầu cử cơ quan dân cử ở cả bốn cấp, từ Quốc hội, đến HĐND tỉnh, huyện, xã được đồng loạt tiến hành vào Chủ nhật, 23-5-2021. “Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN” - Chỉ thị nhấn mạnh. Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội, vậy nên, với sự kiện chính trị quan trọng này, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng phải lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự - bản chất là chuẩn bị nhân sự để giới thiệu cho cử tri bầu. Theo đó, phải bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Chỉ thị yêu cầu cấp ủy các cấp kiên quyết không giới thiệu ứng cử với những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách. Chỉ thị không đề cập tới tỷ lệ “phấn đấu” này, nhưng kỳ họp Quốc hội vừa bế mạc tuần trước đã thông qua sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên "ít nhất 40%", tăng 5% so với luật hiện hành. Cũng kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã bầu ra Hội đồng Bầu cử quốc gia, và như thường lệ do Chủ tịch Quốc hội làm người đứng đầu. Liên quan đến Chỉ thị này, trước đó, giữa tháng 5, cùng với việc thảo luận về phương hướng công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII, Hội nghị Trung ương 12 đã đồng thời thảo luận đề án bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ tới. Đây là cách làm mới so với Trung ương các khóa trước, thường giao nội dung này cho Bộ Chính trị quyết định. Gắn kết thảo luận đề án bầu cử đại biểu cơ quan dân cử, với đề án về phương hướng công tác nhân sự của Đảng chính là một cách để thúc đẩy gắn kết kết quả nhân sự đại hội đảng các cấp với công tác giới thiệu người ra bầu cử vào cơ quan quyền lực nhà nước, để thực hiện nhuần nhuyễn, hiệu quả cơ chế “đảng cử, dân bầu”. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .