Một người đàn ông được thả khỏi nơi giam giữ với chiếc còng điện tử ở mắt cá chân tại thành phố New York, sau khi ông này viết đơn xin tị nạn. Việc gắn còng điện tử giám sát cũng được xem là hình thức tù tại gia - Ảnh: VOX/GETTY IMAGES Tôi cho rằng đề xuất này là thiếu khả thi, thiếu thực tế. Điều kiện của chúng ta chưa thích hợp để làm việc này, mà việc cần làm bây giờ là cần làm cho thật tốt, đảm bảo nghiêm minh, hoàn thiện các hình thức tù như cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo Ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng Tù tại gia đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và mang lại một số kết quả tốt như: giảm chi phí xây dựng nhà tù, giảm tải kinh phí cho ngân sách nhà nước... Vậy có nên áp dụng hình thức tù này ở nước ta? * Ông Lê Thanh Vân - ĐBQH tỉnh Cà Mau: Quá mới, cần nghiên cứu kỹ Tù tại gia là vấn đề không mới trên thế giới và đã được áp dụng ở một số nước. Các nước áp dụng hình thức này đã có một nền tảng đầy đủ như tâm lý xã hội, quan niệm và chuẩn mực đạo đức, quan hệ cá nhân... Nhưng với Việt Nam là câu chuyện rất mới nên cần nghiên cứu thận trọng, trong đó phải đánh giá tác động của vấn đề này lên xã hội. Đặc biệt là những tác động về mặt đạo đức, tâm lý xã hội, như đặt trong mối quan hệ thành viên với người phạm tội trong gia đình. Chẳng hạn người cha là phạm nhân bị giam trong lồng sắt thì ảnh hưởng gì tới các con đang đến tuổi hình thành nhân cách? Ngược lại, tình cảm người cha, người mẹ hằng ngày nhìn con cái giam cầm trong chính không gian gia đình nhà mình thì như thế nào? * Ông Phan Thái Bình - ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Khó đảm bảo sự nghiêm minh Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay chưa thể áp dụng được. Bởi vì điều kiện gia đình của mỗi người trên địa bàn của chúng ta còn quá khác nhau, điều kiện giam giữ hiện nay cũng làm gì đã có nền tảng cơ sở vật chất - xã hội để áp dụng được? Tù tại gia thì phải có phương án chăm sóc như thế nào, mà điều này chúng ta hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị, chưa có cơ chế. Mặt khác, người Việt chúng ta nói chung còn nặng về tình nghĩa, thật khó đảm bảo thượng tôn pháp luật tuyệt đối khi mà ngay trong khuôn viên gia đình mà người cha, người mẹ có thể để con cái của mình ở tách biệt trong khu vực giam giữ. Nếu không đảm bảo việc pháp luật về cải tạo giam giữ được thi hành đúng thì làm sao có sự nghiêm minh trong việc chịu án. Đó là điều rất khó. * Ông Dương Trung Quốc - ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Không cẩn thận sẽ trở thành chỗ để chạy án, tiêu cực Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng đề xuất này là một ý tưởng cần suy nghĩ thêm và có lộ trình. Cái mà tôi lo nhất là tính thượng tôn pháp luật trong việc này kể cả về phía gia đình người có án lẫn chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp. Chúng ta phải coi cái này có thể áp dụng cho những đối tượng nào, những tù nhân mang tội danh gì, độ tuổi bao nhiêu, sức khỏe như thế nào. Nếu không cẩn thận thì rất dễ nảy sinh tiêu cực, trở thành kẽ hở để chạy án, tiêu cực. Muốn đảm bảo sự nghiêm minh thì phải gắn trách nhiệm của nhiều bên, từ gia đình, cơ quan thi hành pháp luật lẫn chính quyền địa phương vào trong đó. * Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh - Giảng viên ĐH Luật TP.HCM: Lưu ý điều kiện và hiệu quả cải tạo Hình thức tù tại gia ở một số quốc gia trên thế giới áp dụng là cải tạo tại nhà, cho đeo vòng định vị. Người tù vẫn được sinh hoạt bình thường, nhưng chỉ hạn chế việc tự do đi lại trong phạm vi cụ thể. Đây là một hình thức cải tạo tiến bộ, là một xu hướng để chúng ta nghiên cứu, nhưng để thực hiện được cần có cơ sở hạ tầng, điều kiện hoàn chỉnh kèm theo. Việc áp dụng hình thức tù tại gia như trên ở điều kiện của Việt Nam như hiện nay là rất khó. Hơn nữa, để áp dụng hình thức tù tại gia như trên thì chỉ áp dụng đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng, người chưa thành niên (cần tình cảm gia đình tác động để giúp họ cải tạo tốt), phạm tội lần đầu, phạm tội vô ý hoặc do thiếu hiểu biết... với hình phạt tù từ khoảng dưới 3 hoặc 6 tháng. Còn với những tội nghiêm trọng, gây bức xúc như cướp của, giết người, xâm hại tình dục, tham ô... cần phải cách ly khỏi xã hội. * Bà Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft: Tính giáo dục đặt không đúng chỗ Hình thức tù tại gia là một hình phạt mà tính giáo dục được đặt không đúng chỗ. Với một học sinh thì được phép thử và sai, giáo viên nhà trường sẽ khiển trách và chỉ ra cái sai đó. Nhưng nếu một người trưởng thành, đã có ý thức thì sai phải bị luật pháp trừng phạt. Tù tại gia không cách ly khỏi cộng đồng, người vi phạm không có cảm giác bị trừng phạt nên không có tính giáo dục. Nếu nói áp dụng hình thức tù tại gia với người phạm những tội ít nghiêm trọng như vô ý mà gây ra thương tích là rất vô lý, còn cố ý gây thương tích là cực kỳ vô lý vì đã cố ý lần một thì chắc chắn sẽ có nhiều lần nữa cố ý. Mà phần lớn những người bị ở tù khi hết án phạt họ sợ bị quay lại tù, sợ bị khổ, bị cách ly cộng đồng nên sẽ thay đổi suy nghĩ, hành động. Tù tại gia tâm lý sẽ ỷ lại vì dù gì cũng sẽ là... tù nhà. Vì thế, tôi cho rằng tù tại gia có tính giáo dục không đúng chỗ. * PGS.TS Ngô Minh Oanh - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Có mang tính giáo dục và nhân văn Về hình thức thì người phạm tội sẽ có môi trường thân thiết hơn, gia đình có thể cảm hóa được. Nếu người vi phạm nhẹ cũng bị xử phạt và bắt giam trong những trại giam nói chung thì sẽ dễ bị ảnh hưởng, lây nhiễm tính bất hảo của những phạm nhân tội nghiêm trọng khi tiếp xúc. Đặc biệt, tù tại gia đã là hòa nhập rồi nên không phải chấp hành xong án phạt, ra tù rồi tái hòa nhập cộng đồng. Tôi nghĩ nó có mang tính giáo dục và nhân văn. Tuy nhiên, nếu thông qua thì cần xem xét thêm biện pháp chế tài của gia đình, chính quyền địa phương. Cần sự thay đổi quyết liệt trong giáo dục vì người vi phạm tuy bị phạt nhưng vẫn sống trong môi trường mình từng bị vi phạm nên khó có thể nhận thức để thay đổi, mà sẽ là "lờn thuốc". "Tù tại gia" ở nước ngoài như thế nào? Theo từ điển bách khoa Britannica, giam giữ tại nhà (house arrest) chỉ việc một người bị quản thúc ngay tại chính ngôi nhà của họ. Hình thức giam giữ tại nhà được các hệ thống tư pháp trên thế giới áp dụng và thường liên quan tới những yêu cầu khác nhau, theo từng nơi. Có nhiều dạng thức giam giữ tại nhà khác nhau, tùy theo mức độ nghiêm khắc của hình phạt mà tòa yêu cầu với mỗi án phạt. Về đại thể, việc giam giữ tại nhà gắn với việc một người phạm tội bị buộc phải có mặt tại nhà họ trong những khoảng thời gian cụ thể, thường là buổi tối. Trong một số trường hợp khác, người phạm tội bị bắt phải ở nhà hầu hết thời gian trong ngày, trừ một số trường hợp ngoại lệ như khi được đi học, đi làm, tới các cơ sở tôn giáo, chăm sóc điều trị y tế hoặc mua lương thực. Trong mọi hình thức giam giữ tại nhà, dạng thức nghiêm khắc nhất là người phạm tội buộc ở nhà toàn thời gian trong ngày, ngoại trừ một số ngoại lệ hiếm hoi như chữa bệnh hay tham gia chương trình cải huấn theo lệnh của tòa. Việc giám sát phạm nhân sẽ được hỗ trợ bằng các thiết bị theo dõi điện tử gắn ngay trên mắt cá chân của họ. Mọi dạng thức giam giữ tại nhà có thể áp dụng gần như ở mọi giai đoạn tố tụng hình sự. Cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng hình thức này cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, giam giữ tại nhà có thể hữu ích khi được sử dụng như một dạng quản thúc nghi phạm trước ngày ra tòa với những bị cáo không có khả năng tự bảo lãnh tại ngoại. Mục đích ban đầu của giam giữ tại nhà trước xử án là để đảm bảo các bị cáo có mặt tại phiên tòa xét xử, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và giảm bớt tình trạng giam giữ quá tải trong các nhà tù và dành chỗ trong tù cho những bị cáo nguy hiểm nhất và cũng kém tin cậy nhất. D.KIM THOA Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .