Hơn hai tháng qua, thế giới bàng hoàng vì dịch bệnh COVID-19 cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Nhờ khoanh vùng và cách ly theo dõi những người có nguy cơ nhiễm bệnh, Việt Nam đã dự báo và khống chế con số người nhiễm bệnh ổn định. Thành công này, ngoài sự đồng lòng của hệ thống chính trị, không thể không kể đến sự đóng góp miệt mài, thầm lặng của những nhân viên y tế làm công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS-BS Lê Mạnh Hùng (ảnh), Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), người có thâm niên 30 năm công tác trong ngành nhiễm về công việc của người bác sĩ chuyên khoa nhiễm. Bác sĩ ngành nhiễm: Gắn bó là lựa chọn . Phóng viên: Người ta thường có câu “nghề chọn người” hay “người chọn nghề” để chỉ cơ duyên gắn bó với một ngành nghề nào đó, trong ngành nhiễm thì ý nào mới đúng, thưa bác sĩ? TS-BS Lê Mạnh Hùng + TS-BS Lê Mạnh Hùng: Thời của tôi, sinh viên ra trường được phân công chỗ nào thì về làm chỗ đó, không có sự lựa chọn. Nhưng khi làm một thời gian, trải nghiệm và hiểu được các gian khó, nguy hiểm của ngành nhiễm mà người bác sĩ vẫn quyết tâm gắn bó, theo đuổi, đối với tôi đó mới là sự lựa chọn. Tôi đã từng chứng kiến không ít đồng nghiệp trẻ từ bỏ vì bị người nhà gây áp lực hoặc chính họ lo âu khi đối diện với những loại dịch, bệnh nguy hiểm (nhiễm HIV/AIDS, tả, não mô cầu, cúm H5N1, viêm gan siêu vi,…). Ngành y là ngành chịu nhiều vất vả, cực khổ, trong đó chuyên ngành nhiễm là nguy hiểm nhất vì các nhân viên y tế phải chấp nhận đối đầu với những hiểm nguy hiện hữu hoặc chưa lộ diện và đôi khi phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng của mình. Khi một dịch bệnh mới bùng phát, khi mà người ta chưa biết hoặc chưa hiểu rõ tác nhân gây bệnh, đặc điểm bệnh và chưa có các biện pháp điều trị, ngăn chặn, dự phòng hiệu quả thì có người đã hy sinh rồi. Chẳng hạn như dịch SARS năm 2003 tại Hà Nội, đã có 65 người bị nhiễm bệnh và quá nửa là các y, bác sĩ; cướp đi tính mạng của sáu nhân viên y tế, trong đó có hai bác sĩ người nước ngoài. Khi thế giới chưa kịp đặt tên cho virus gây dịch COVID-19 thì có những bác sĩ đã đánh đổi tính mạng của mình như ở Vũ Hán (Trung Quốc). . Giá trị nhân văn của ngành y là cứu người, đối với chuyên ngành nhiễm, giá trị này rõ nét ra sao, thưa bác sĩ? + Khi mắc bệnh nhiễm nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân đôi khi rất mong manh, cứu được là thấy kết quả liền, còn xử trí không đúng, không kịp thời, có thể tử vong trong thời gian ngắn. Việc giữ lại được mạng sống và giảm thiểu tối đa di chứng cho từng ca bệnh nhiễm nặng không chỉ có ý nghĩa đối với bác sĩ và bệnh nhân mà còn góp phần trấn an tư tưởng người dân, bớt đi căng thẳng, lo âu về dịch bệnh. Bệnh nhân Việt kiều chào từ biệt các y, bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới trước khi xuất viện. Ảnh: h.lan Chấp nhận dấn thân . Công tác trong ngành nhiễm, điều gì khiến người bác sĩ lo ngại nhất? + Ngành nhiễm gồm có bệnh nhiễm trùng và bệnh truyền nhiễm. Các bệnh truyền nhiễm khi lây lan nhanh, nhiều tại một địa phương, nhiều địa phương trong cả nước hoặc nhiều quốc gia tạo ra các trận dịch, đại dịch. Dịch bệnh có thể lặp lại mỗi năm hoặc theo chu kỳ như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, cúm, thủy đậu,…; hoặc xuất hiện ban đầu với một số ca lẻ tẻ như bạch hầu, não mô cầu, thương hàn,… nếu không khống chế kịp thời sẽ lây lan thành dịch; hoặc là các bệnh dịch từ các tác nhân đã biết, sau một thời gian ngủ im nay do có điều kiện thuận lợi trỗi dậy gây dịch như tả, sởi,… Nhưng đáng lo nhất là loại dịch bệnh mới nổi do virus gây ra như SARS, MERS-CoV, Ebola, cúm A H5N1, gần đây nhất là COVID-19 do virus SARS-CoV-2 vì khả năng lây lan của các virus này rất nhanh và chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Nhân viên y tế ngành nhiễm sẽ là những người tiếp xúc sớm nhất, gần nhất, nhiều nhất với người bệnh nên nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu thiếu cảnh giác, thiếu phòng ngừa hiệu quả. . Bác sĩ ngành nhiễm thường được ví như những “siêu anh hùng” khi không ngại đụng chạm, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh, bác sĩ nghĩ sao về điều này? + Đối với tôi, các nhân viên y tế không phải không lo ngại bị lây nhiễm, mà do các anh chị em đã xác định được trách nhiệm của người thầy thuốc chuyên ngành nhiễm đối với người bệnh và cộng đồng, hiểu rõ đường lây của mỗi tác nhân gây bệnh. Đồng thời có biện pháp chủ động phòng tránh và được trang bị bảo hộ theo đường lây nên tự tin mỗi khi đối phó với dịch bệnh nguy hiểm. Tại BV Bệnh nhiệt đới, do thường xuyên đối phó với dịch bệnh nên đội ngũ nhân viên y tế của BV có khả năng, kinh nghiệm, bản lĩnh, kỹ năng và tâm lý vững vàng để chống dịch. Trải qua nhiều vụ dịch bệnh nguy hiểm với các tác nhân gây bệnh có đường lây khác nhau, các thầy thuốc BV Bệnh nhiệt đới không chỉ góp phần khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời, bảo đảm an toàn cho cư dân TP và các tỉnh phía Nam mà còn tránh cho bản thân bị nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Khi đã chọn theo chuyên ngành nhiễm, người thầy thuốc chấp nhận dấn thân, phục vụ cho sự an toàn của người bệnh, của cộng đồng trước các dịch, bệnh nguy hiểm chứ không để được xem là anh hùng. . Xin cám ơn ông. Hạnh phúc với nghề đã chọn, nghiệp đã dấn thân Tôi mong Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới nhanh chóng khống chế và đẩy lùi được dịch COVID-19 để mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường, để mọi người dân bớt đi cảm giác bất an, lo âu trong cuộc sống. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi thân chúc tất cả quý đồng nghiệp có nhiều sức khỏe, luôn an vui và hạnh phúc với cái nghề mình đã chọn, cái nghiệp mình đã dấn thân. Về phía người dân, khi đối diện với dịch bệnh nguy hiểm, việc quan tâm, cảnh giác thực hiện các biện pháp phòng tránh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, mọi người cần thận trọng trong tiếp nhận thông tin, tốt nhất nên xem, tìm hiểu dịch bệnh từ các kênh truyền thông chính thống, trên các trang web của bộ, sở Y tế, các bệnh viện để trang bị cho mình các kiến thức đúng, đủ và làm theo các hướng dẫn của ngành y tế, có thái độ và hành động phù hợp để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. TS-BS LÊ MẠNH HÙNG Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .