Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng bị siết chặt thì phát hành trái phiếu là lựa chọn dễ thở hơn đối với các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS). Đây là kênh huy động vốn mà DN phải mang tên tuổi, thương hiệu và uy tín ra đặt cược. Nếu chiếm được niềm tin của nhà đầu tư thì xem như khả năng huy động vốn thành công khá cao. “Ông lớn” đua nhau phát hành trái phiếu Thị trường gần đây chứng kiến nhiều DN lớn phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tập đoàn Novaland vào cuối năm 2018 có quyết định phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu DN. Công ty sẽ sử dụng tài sản của DN và bên thứ ba là quyền tài sản của Công ty Cổ phần Phát triển Đất Việt phát sinh từ dự án chung cư 100 Cô Giang, quận 1, TP.HCM để đảm bảo cho các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu. Một “ông lớn” khác là TTC Land cũng phát hành riêng lẻ tối đa 470 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo lãnh. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ dùng để tăng quy mô hoạt động tài chính, thực hiện đầu tư vào các chương trình, dự án của công ty. Tập đoàn Vingroup cũng vừa công bố báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng. Theo đó, từ ngày 2 đến hết 25-3, Vingroup chào bán 10 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng, tổng giá trị là 1.000 tỉ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của Vingroup. Thời hạn trái phiếu là hai năm, kỳ hạn trả lãi sáu tháng/lần. Kết thúc thời hạn chào bán, toàn bộ số trái phiếu trên đã được bán hết cho 14 tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, nhiều công ty BĐS khác cũng đã và đang phát hành trái phiếu với mục đích huy động nguồn vốn đầu tư vào các dự án mới. Thị trường sôi động khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản mạnh dạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Ảnh: QUANG HUY Trước đó, ngày 4-12-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu DN có hiệu lực từ ngày 1-2-2019. Nghị định cho phép DN phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoạt động hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN. DN phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Các chuyên gia cho rằng với hành lang pháp lý là Nghị định 163, Luật Chứng khoán, Luật DN, Luật Các tổ chức tín dụng và nhu cầu vốn ngày càng tăng của cộng đồng DN, chắc chắn thị trường phát hành trái phiếu sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới. Cần sử dụng đúng mục đích Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trái phiếu DN là loại chứng khoán có kỳ hạn từ một năm trở lên do DN phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của DN đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Phát hành trái phiếu DN là một phương thức huy động vốn đối với DN hội đủ điều kiện và có phương án đầu tư, kinh doanh khả thi, góp phần làm đa dạng hóa các nguồn vốn và giảm bớt dần sự lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ông Châu cho hay hiệp hội đã có văn bản khuyến nghị các DN BĐS quan tâm phương thức này và phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của các bên. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng phát hành trái phiếu có lợi hơn đi vay vì chi phí thấp hơn nhưng vay tiền được lâu hơn, chỉ trả lãi định kỳ (sáu tháng hoặc một năm) và trả gốc khi đến hạn. Hơn nữa, trái phiếu là giấy tờ có giá, có thể bán trên thị trường chứng khoán hoặc thị trường thứ cấp nên có tính thanh khoản tốt hơn. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý phát hành trái phiếu chỉ áp dụng cho những DN có khả năng tài chính tốt, có thị trường ổn định và tỉ lệ sinh lời cao. Việc phát hành cổ phiếu có phần khó khăn hơn bởi phần lớn là DN nhỏ lẻ, vốn chủ sở hữu thấp. Nhà đầu tư nên “soi” kỹ doanh nghiệp Ông Đức Tiến, một nhà đầu tư BĐS, cho biết ở thời điểm năm 2011, khi lãi suất ngân hàng cao hơn 20%/năm, nhiều DN cũng phát hành trái phiếu với lãi suất cao để huy động vốn. Tuy nhiên, thời điểm đó ít DN thành công vì BĐS đang đóng băng, khó giao dịch nên nhà đầu tư sợ rủi ro. Hiện nay thị trường đang sôi động, nhiều DN có năng lực nên thu hút nhà đầu tư nhảy vào mua trái phiếu. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn phải cẩn trọng, trái phiếu được phát hành với lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Đặc biệt, việc giám sát các DN phát hành trái phiếu sử dụng vốn huy động có đúng mục tiêu và hiệu quả ra sao vẫn còn khá lỏng lẻo. Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nên “soi” kỹ DN đó, đặc biệt là trị giá tài sản đảm bảo phải lớn hơn nhiều so với tổng giá trị phát hành trái phiếu của DN. Nên chọn những DN uy tín, có thương hiệu, minh bạch tài chính, kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .