Chiều 8-8, BS Nguyễn Tĩnh Bình, Trưởng Khoa sản (BV đa khoa tỉnh Gia Lai), cho biết sau khi chuyển xuống Khoa hồi sức - tích cực chống độc điều trị, sức khỏe của bệnh nhân bị truyền nhầm nhóm máu là chị Blonh (SN 1973, trú làng Kon Sơ Nglok, xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa) đã ổn định, tỉnh táo, không còn tụt huyết áp. Lãnh đạo bệnh viện trao đổi thông tin với báo chí. Theo BS Bình, chị Blonh nhập viện lúc 15 giờ 37 phút ngày 2-8 trong tình trạng rong huyết, thiếu máu do bệnh lý u xơ tử cung. Bệnh nhân bị bệnh đã ba tháng nhưng không được điều trị kịp thời khiến chảy máu nhiều, lượng hồng cầu giảm (còn khoảng 2,3 triệu hồng cầu). Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ chỉ định phương án mổ, cắt tử cung để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do bệnh nhân thiếu máu nên trước lúc mổ phải tiến hành truyền máu, khi đủ điều kiện sẽ mổ và từ ngày 2-8, bệnh nhân đã được truyền 2 đơn vị máu. Đến 16 giờ ngày 6-8-2019, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mang nhóm máu B nhưng bị truyền nhầm nhóm máu A và đến 22 giờ cùng ngày, bệnh nhân có triệu chứng choáng, tụt huyết áp phải chuyển xuống Khoa hồi sức - tích cực chống độc. Chị Blonh đã hồi phục sức khỏe. “Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân không còn choáng, không sốc, huyết áp ổn định và được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt. Nguyên nhân bị truyền nhầm nhóm máu là do nữ hộ sinh truyền nhầm máu cho bệnh nhân có bệnh lý tương tự nằm cạnh đó” - BS Bình nói. Theo giải thích của BS Bình, ca truyền nhầm nhóm máu trên là do hai nữ hộ sinh Phạm Nguyễn Thanh Phi và Hà Thị Ni phụ trách truyền máu cho bệnh nhân T. (SN 1973, trú xã Tân Sơn, TP Pleiku), người này có bệnh lý tương tự chị Blonh. Trong đó, nữ hộ sinh Ni tiến hành thử máu trước cho chị T., còn nữ hộ sinh Phi thực hiện truyền máu. Do hai bệnh nhân có cùng bệnh lý, nằm cạnh nhau nên đã gây nhầm lẫn cho các nữ hộ sinh. Lúc này, túi máu nhóm A chỉ định truyền cho bệnh nhân T. nhưng lại bị truyền nhầm cho chị Blonh. Tuy nhiên, sự việc nhầm lẫn được phát hiện ngay lập tức và ngừng truyền máu nên không xảy ra sự cố đáng tiếc. Bước đầu bệnh viện đã tiến hành niêm phong túi máu bị truyền nhầm để xác định lượng máu đã truyền và xác định mức độ sai sót. Theo BS Bình, túi máu 250 ml vẫn còn gần như nguyên vẹn. Nếu truyền nhầm vài giọt cũng gây nên hiện tượng tăng máu, gây sốc, nặng sẽ suy gan, suy thận. Về quy trình truyền máu luôn được thực hiện nghiêm theo “3 tra, 5 đối” nên rất khó có sai sót, trước lúc tiêm phải thử máu trên lăng kính giữa người nhận và máu được truyền, nếu không xảy ra ngưng kết mới được. Còn theo BS Nguyễn Tấn Phúc, Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Gia Lai, bệnh viện sẽ thành lập hội đồng đánh giá sự việc để có hướng xử lý tùy theo mức độ, đồng thời phân tích để tránh sai lầm về sau. "Trước mắt, bệnh viện sẽ tập trung theo dõi và chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Việc truyền nhầm máu là điều cực kỳ hiếm khi xảy ra” - BS Phúc nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .