Vợ chồng ông Dixong (mặc áo bệnh nhân/áo đen) và các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tối 13-4, trước khi ông bà ra viện và về nước - Ảnh: BVCC Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh nhân 28 tên Dixong John Garth, 74 tuổi, cùng vợ đến Việt Nam du lịch ngày 2-3. Bệnh nhân đi cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân 17, bệnh nhân 21 và rất nhiều bệnh nhân người Anh mắc COVID-19 sau này được phát hiện ở Việt Nam. Sau khi đến Hà Nội, vợ chồng ông Dixong đã đi du lịch Hạ Long và sau ca bệnh số 17, tất cả những người đi cùng chuyến bay VN0054 hôm đó đều được tìm để xét nghiệm. Ngày 6-3, bệnh nhân được cách ly theo dõi tại Quảng Ninh. Ngày 13-3, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, cả hai vợ chồng được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Đến ngày 22-3, khó thở tăng lên, ông Dixong được hỗ trợ thở oxy. Ngày 27-3, bệnh chuyển biến xấu, suy hô hấp nặng, không đáp ứng với thở oxy phải chuyển khoa hồi sức tích cực để đặt nội khí quản và thở máy. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, và đến ngày 5-4 bệnh có chuyển biến tốt, bỏ được máy thở, chuyển thở oxy qua mặt nạ. Ngày 8-4, bệnh nhân tự thở tốt, ngưng được trợ thở oxy. Ngày 13-4, xét nghiệm âm tính lần 4, toàn trạng ổn định, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện. Vợ ông Dixong, vốn là 1 điều dưỡng, cũng nhiễm COVID-19 và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nhưng tình trạng bệnh nhẹ hơn, đã được công bố khỏi bệnh từ trước. Đêm nay, hai ông bà sẽ rời Việt Nam trên chuyến bay do Chính phủ Anh tổ chức để đưa các công dân Anh đang ở Việt Nam về nước. Trước khi rời Việt Nam, hai ông bà đã kể lại câu chuyện xúc động. "Chúng tôi rất yêu nhau và chưa bao giờ xa nhau quá 24 giờ, bệnh tật đã làm chúng tôi có những ngày vừa qua không được ở gần nhau, tôi không muốn điều đó. Cảm ơn các bác sĩ Việt Nam, nếu ở nơi khác, chắc chúng tôi sẽ không còn sống. Thật may mắn chúng tôi được điều trị ở Việt Nam" - vợ ông Dixong nói, mắt hoe đỏ. Vợ chồng ông Dixong trước khi ra viện - Ảnh: BVCC Ông Dixong là 1 trong 6 bệnh nhân COVID-19 phải thở máy và là 1 trong 6 bệnh nhân nặng nhất cho đến nay. Ông có tiền sử u lympho 10 năm và là bệnh nhân nặng đầu tiên trong 6 bệnh nhân nặng nhất được về nhà. Ông cũng là bệnh nhân số 146 khỏi bệnh và ra viện trong vụ dịch này ở Việt Nam. Riêng viên phi công người Anh, bệnh nhân 91, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết bệnh nhân có dấu hiệu bệnh lý là chống lại thuốc chống đông máu. Bệnh viện đang phải nhập thuốc phù hợp từ nước ngoài, hiện bệnh nhân đang sử dụng loại thuốc theo đường uống và cũng có dấu hiệu đáp ứng thuốc. Trả lời câu hỏi liệu bệnh nhân có cơ hội nào hay không, ông Sơn nói "có cơ hội". Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .