Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi tại buổi đối thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH Buổi đối thoại do Ban tuyên giáo Thành ủy cùng Đài truyền hình TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM tổ chức. Trao đổi tại buổi đối thoại, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng giáo dục văn hóa dân tộc phải được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Có ngân sách "cứng" cho văn hóa Nhấn mạnh vấn đề này, ông Nhân cho rằng đào tạo văn hóa hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống liên quan mật thiết đến năng khiếu của mỗi người. Do vậy muốn phát hiện tài năng phải đào tạo từ sớm, khi các em còn nhỏ để có điều kiện nuôi dưỡng tài năng. Từ phân tích trên, người đứng đầu Thành ủy TP đề nghị TP.HCM nghiên cứu xây dựng trường phổ thông năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật. Vào học những trường này, các em có năng khiếu các môn nghệ thuật, văn hóa sẽ vẫn học văn hóa bình thường nhưng chương trình học được điều chỉnh để dành 1/3 thời gian đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Ông Nhân cũng nhấn mạnh trường phổ thông này sẽ không nhiều học sinh và sẽ phải nhận kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách. Tất cả nghệ sĩ đang biểu diễn có thể trở thành giáo viên thỉnh giảng của trường. Quá trình học, nếu em nào có tài năng sẽ được tuyển lựa vào các đơn vị biểu diễn, hoạt động văn hóa. "Các nước họ đều làm thế. Ở Nga, để phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống múa balê họ khuyến khích và có trường năng khiếu riêng để các em có thể vào học từ lúc 5-6 tuổi", ông Nhân nói. Cũng trong phần trao đổi, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Nếu coi phát huy văn hóa là nền tảng thì phải dành định mức đầu tư ngân sách cố định cho văn hóa. Bởi đầu tư văn hóa là đầu tư lâu dài, mang hiệu quả cao, tránh suy thoái văn hóa dân tộc. Đề nghị HĐND tìm giải pháp để có cơ cấu ngân sách cứng cho ngành văn hóa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động biểu diễn". Ông Nhân cũng đề xuất phải có các cuộc thi về các bộ môn nghệ thuật truyền thống để nghệ sĩ được bộc lộ, ghi nhận. Thế hệ 0x hiểu biết hạn hẹp về nghệ thuật truyền thống Nhạc sĩ Trần Long Ẩn trao đổi tại buổi đối thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH Tại buổi gặp gỡ, nhiều văn, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống tiếp tục băn khoăn khi một số bộ môn nghệ thuật truyền thống không có đất diễn, tìm "đỏ mắt" không ra người kế cận, cũng như những vướng mắc trong chính sách, tài chính để bảo vệ, phát huy những bộ môn này. Nhận định về thực trạng đời sống văn hóa của giới trẻ hiện nay, nhạc sĩ Trần Long Ẩn - chủ tịch Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật TP.HCM - cho rằng khi những thể loại âm nhạc như Âu Mỹ, EDM, các trang mạng xã hội Facebook, YouTube và các game show truyền hình bùng nổ thì sự hiểu biết của giới trẻ 0x (những bạn trẻ sinh ra trong những năm 2000 - NV) về âm nhạc dân tộc càng trở nên hạn hẹp. Chính vì vậy, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho rằng là thế hệ trẻ - những khán giả tương lai, cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa dân tộc Việt Nam. Muốn vậy, cần tổ chức những cuộc thi văn hóa nghệ thuật hằng năm chuyên nghiệp, định kỳ, phổ biến cho công chúng về nhạc cụ dân tộc. Cùng chung tâm trạng, nghệ sĩ ưu tú Hữu Danh chia sẻ, trong điều kiện khó khăn, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM vẫn duy trì được một năm hơn 140 suất diễn, bởi thay vì bán vé biểu diễn ở rạp, các nghệ sĩ ký hợp đồng biểu diễn ở các đình, chùa, miếu và một số trường học. Tuy nhiên, ông Danh cũng bày tỏ khó khăn khi nhiều năm lại đây, việc tuyển sinh người trẻ theo bộ môn hát bội rất khó. Bộ môn tìm không ra người kế tiếp đi hát bội. Mặt khác, cơ chế tuyển biên chế các bộ môn văn hóa, nghệ thuật hiện khó khăn khi đòi hỏi người dự tuyển phải có bằng cấp nên không có phụ huynh nào cho con em theo học. Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh chia sẻ vấn đề lớn nhất của các bộ môn nghệ thuật truyền thống là đất diễn, một sân chơi xứng tầm để nghệ sĩ thể hiện được những tinh hoa của bộ môn đó. Tuy nhiên, thời gian qua không có nhiều chương trình, cuộc thi dành cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Hoặc có những cuộc thi, chương trình chuyên nghiệp thì không phải ai cũng được tham gia. Cơ hội sáng tạo nghề cho những nghệ sĩ trẻ rất hạn chế. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .