Công ty Thiết kế web

Biểu giá điện còn 5 bậc, tiền điện có tăng?

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi truonghuong, 29/2/20.

  1. truonghuong

    truonghuong Active Member

    [​IMG]


    Người dân đóng tiền điện tại một điểm thu ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN


    Hóa đơn tiền điện của người dân sử dụng ở mức dưới 700kWh sẽ không thay đổi, nhưng với những hộ sử dụng nhiều điện hơn sẽ phải trả thêm nhiều tiền.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương - cho biết việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.

    Theo nghị quyết của Chính phủ, trong tháng 3-2020 Bộ Công thương phải xây dựng, đưa ra biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới nên hiện bộ đang lấy ý kiến để tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

    Theo đó, Bộ Công thương đưa ra bốn phương án gồm: phương án 1 điện đồng giá, bằng với mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh; phương án 2 gồm ba bậc trong đó giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 400 kWh, bậc 3 từ 401 kWh trở lên; phương án 3 gồm 4 bậc với giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 300 kWh, bậc 3 từ 301 - 600 kWh, bậc 4 từ 601 kWh trở lên.

    Riêng phương án 4 gồm 5 bậc, nhưng có hai kịch bản. Thứ nhất là giá điện bậc 1 (0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 - 200 kWh, bậc 3 từ 201 - 400 kWh, bậc 4 từ 401 - 700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

    Với kịch bản thứ 2, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi nhưng gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

    [​IMG]


    Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân, chỉ điều chỉnh cơ cấu phù hợp thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng.

    Ông NGUYỄN ANH TUẤN (cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương)


    Đề xuất chọn phương án 5 bậc

    * Nhiều ý kiến cho rằng cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng hiện nay là không phù hợp, vậy tại sao Bộ Công thương vẫn tiếp tục đề xuất áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các bậc?

    - Hiện phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được, trong khi nguồn năng lượng tái tạo còn hạn chế, nên cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

    Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Giá điện của các bậc tăng dần, hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn.

    Số liệu thu thập giá điện sinh hoạt các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào cho thấy tỉ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất khoảng từ 1,65 - 3 lần. Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị vẫn tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện theo các bậc với giá điện tăng dần với cải tiến về khoảng cách giữa các bậc và giá điện cho từng bậc phù hợp với thực tiễn sử dụng điện của người dân.

    * Vậy trong các phương án nêu trên, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ nên lựa chọn theo phương án nào cho phù hợp?

    - Bộ Công thương kiến nghị lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1 để áp dụng. Lý do, phương án này có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý, đảm bảo toàn bộ số hộ sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới. Vì vậy tác động khi áp dụng kịch bản này là nhỏ hơn so với kịch bản 2.

    Đồng thời, mức chênh lệch giữa bậc thang cuối và bậc thang đầu là phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích các hộ có mức sử dụng điện lớn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Mức tác động đến các hộ có mức sử dụng trên 700 kWh giữa của kịch bản 1 so với kịch bản 2 là không lớn và các hộ sử dụng điện dưới 700 kWh có tiền điện phải trả theo kịch bản 1 là thấp hơn.

    Trong khi đó, nếu lựa chọn các phương án 1 bậc, 3 bậc hay 4 bậc thì chi phí sử dụng điện của khách hàng dùng dưới 300 kWh phải trả cao hơn. Điều này tạo gánh nặng cho phần lớn khách hàng sử dụng điện vì khoảng hơn 87% (tương ứng 21 triệu hộ) dùng dưới 300 kWh sẽ phải trả tiền điện cao hơn.

    [​IMG]


    Công nhân Công ty Điện lực Gò Vấp thay điện kế đo xa tại một nhà dân trên đường Phạm Huy Thông, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


    Vẫn hỗ trợ hộ nghèo và diện chính sách

    * Theo phương án Bộ Công thương đề xuất, các đối tượng nào sẽ bị tác động và đối tượng nào hưởng lợi? Với các hộ nghèo, hộ chính sách thì có được giữ nguyên chính sách hay không?

    - Phương án Bộ Công thương đề xuất đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc. Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

    Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng không thay đổi so với hiện hành. Cụ thể, 1,8 triệu hộ nghèo và hộ chính sách sử dụng dưới 50 kWh vẫn được Nhà nước hỗ trợ với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng.

    Mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ như tại Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần, Thái Lan là 1,65 lần.

    Tuy nhiên, với nguyên tắc dùng nhiều điện trả nhiều tiền, với phương án này tiền điện các hộ sử dụng từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,7% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng, tương ứng khoảng 1,1% tổng số tiền điện phải trả.

    * Tại sao Bộ Công thương lại lấy mốc 700 kWh làm căn cứ để điều chỉnh biểu giá điện mà không phải ở mốc khác, vì tỉ lệ người dùng hộ này rất thấp?

    - Việc lựa chọn mức sử dụng 700 kWh làm căn cứ điều chỉnh biểu giá điện là dựa trên cơ sở khảo sát mức độ sử dụng điện của khách hàng. Mặc dù mức 700 kWh chỉ chiếm tỉ lệ 1,7% khách hàng nhưng mức sử dụng điện sinh hoạt của họ chiếm khá cao với trên 10% tổng lượng điện.

    Do đó, cần xây dựng cơ cấu biểu giá làm sao để khuyến khích sử dụng điện hiệu quả. Càng dùng nhiều thì phải trả tiền điện nhiều hơn.

    * Một vấn đề người dân quan tâm là việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có làm tăng giá điện hay không?

    - Tôi khẳng định việc điều chỉnh, thay đổi biểu giá bán lẻ điện lần này không phải tăng giá điện. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân, chỉ điều chỉnh cơ cấu phù hợp thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng.

    Việc điều chỉnh này cũng giúp đảm bảo khách hàng dùng điện dễ dàng theo dõi tính toán sản lượng điện, mức tăng vào mùa nắng nóng không đột biến.

    * Một nội dung không nằm trong đề án này nhưng cũng được người dân quan tâm là bao giờ thì Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi biểu giá điện cho hộ sản xuất, nhằm đảm bảo các khách hàng tiêu thụ điện lớn như sản xuất sắt thép, ximăng... phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh việc bù chéo giá điện?

    - Hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang tập trung nghiên cứu cơ cấu biểu giá điện cho hộ sinh hoạt. Còn với hộ sản xuất kinh doanh chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cơ chế chính sách, nhằm tạo điều kiện cho hộ sản xuất phát triển, đồng thời khuyến khích những khách hàng sử dụng nhiều điện như sản xuất thép, ximăng chuyển đổi công nghệ hiện đại để tiết kiệm và hiệu quả hơn.

    Theo đó sẽ nghiên cứu cơ cấu biểu giá, với giá cố định và giá biến đổi, để doanh nghiệp sử dụng nhiều điện thì phải xây đường dây, trạm biến áp to hơn, chi phí cao hơn thì họ sẽ phải tiết kiệm điện hơn. Tôi khẳng định chủ trương không tăng giá điện cho sản xuất mà yêu cầu họ tiết kiệm nên đặt ra yêu cầu cao hơn với những đơn vị sử dụng nhiều như sắt thép, ximăng...

    [​IMG]


    Nguồn: Bộ Công thương


    Ông NGUYỄN TIẾN THỎA (chủ tịch Hội Thẩm định giá VN): Nên khuyến khích tiết kiệm điện

    [​IMG]


    Việc sửa đổi biểu giá điện phải trên căn cứ giá điện không chỉ là chi phí mà còn là vấn đề "khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện", nên cần có tỉ lệ khuyến khích tiết kiệm điện khi mà điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận.

    Đối với điện sản xuất, nhiều năm qua chúng ta bố trí giá điện giờ thấp điểm luôn luôn thấp để khuyến khích chuyển đổi quy trình sản xuất kinh doanh, bố trí ca kíp tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm, giờ bình thường, hạn chế sử dụng điện nhiều vào giờ cao điểm. Quan điểm này vẫn cần thiết, nhưng không nên bán dưới giá thành.

    Bán bằng giá thành thì mức giá vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá giờ bình thường và giờ cao điểm. Như vậy tính chất khuyến khích vẫn còn, giá bán lại bù đắp được chi phí sản xuất, không bù chéo trong nội bộ cấp điện áp và thời gian sử dụng điện.

    Đồng thời tạo được sức ép để doanh nghiệp sử dụng điện hiệu quả và không bao cấp trong điều kiện các ngành sản xuất kinh doanh đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường và giá đầu ra của sản phẩm theo cơ chế giá thị trường.

    Ông BÙI XUÂN HỒI (bộ môn kinh tế năng lượng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội): 5 bậc thang phù hợp với đặc điểm tiêu dùng

    [​IMG]


    Phương án 5 bậc thang phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá: hộ tiêu dùng sử dụng từ 101 - 200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay; phương án 5 bậc thang sản lượng tiêu thụ cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình. Phương án này không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, có mức giảm nhẹ.

    Tuy nhiên, cần xác định chỉ tiêu biểu giá bán lẻ điện bình quân một cách rõ ràng hơn nhằm đảm bảo doanh thu ngành điện, đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh và đặc biệt là các nhiệm vụ phát triển hệ thống điện khi lượng cầu vẫn tăng trưởng rất lớn như hiện nay là từ 10-12%.

    Trong giai đoạn sắp tới với lộ trình cải tổ ngành điện cần tiếp tục nghiên cứu dài hạn hơn các biểu giá mà nền tảng phải là biểu giá 2 thành phần cho các đối tượng khách hàng, tiến tới thay thế biểu giá 1 thành phần cho các hộ tiêu dùng theo lộ trình phù hợp.

    Ông TRẦN ĐÌNH LONG (phó chủ tịch Hội Điện lực VN): Dùng nhiều phải trả tiền nhiều!

    [​IMG]


    Việc gộp các bậc trong biểu giá điện với 5 bậc là hợp lý vì chênh lệch 2 bậc trong biểu giá 6 bậc cũ không quá nhiều. Đồng thời, việc lựa chọn phương án nhiều bậc (5 bậc thay vì 3 hay 4 bậc) cũng đảm bảo được ý đồ của biểu giá bậc thang: dùng càng nhiều giá càng cao.

    Tuy nhiên, cần phải cải tiến biểu giá bởi hiện nay, mức độ chênh lệch của bậc cao nhất và thấp nhất là chưa đủ mạnh để người sử dụng cảm nhận được "sức nóng" của dùng điện nhiều, từ đó có ý thức tiết kiệm.


    Giảm còn 5 bậc thang, không ảnh hưởng nhiều đến người dân

    Ông Phạm Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN - cho rằng việc giảm biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc như đề xuất của Bộ Công thương sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Theo ông Ngãi, đây là việc thay đổi hợp lý vì với bậc thang mới thì đơn giá cho 1 kWh là 1.549 đồng, tương đương với mức giá cũ.

    Ví dụ, một hộ dân xài 50 kWh/tháng thì số tiền phải trả cho bậc thang cũ là 77.450 đồng, khi áp vào bậc thang mới giá tiền vẫn vậy. Thậm chí số tiền điện đối với khách hàng xài từ 51 - 100 kWh/tháng còn giảm đi khi áp vào bậc thang mới (giảm từ 157.450 đồng xuống còn 154.900 đồng/hộ/tháng).

    Còn đối với người dân xài kịch khung lên đến 700 kWh/tháng thì số tiền phải trả cũng sẽ giảm đi chứ không tăng. Riêng với người dân xài từ 701 kWh/tháng trở lên thì số tiền chênh lệch sẽ không quá cao, không ảnh hưởng nhiều. Với người dân có mức lương trung bình hoặc khá thì có thể chịu được.

    Ông Hữu Nghị - người dân tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết nhà ông có hai hộ xài điện, một hộ xài khoảng 300 kWh/tháng và một hộ xài khoảng 400 kWh/tháng. Ông Nghị nhẩm tính với việc áp giá theo bậc thang mới xuống còn 5 bậc thì số tiền ông phải trả sẽ giảm được vài chục ngàn đồng chứ không tăng.

    Vì vậy ông Nghị cho biết sẽ ủng hộ phương án này thay vì giảm xuống còn 3 hay 4 bậc thang. Ông Nghị cũng cho rằng nếu xài ít điện mà tiền điện ít đi sẽ khuyến khích người dân tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.

    LÊ PHAN


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này