Bộ Công Thương nói về đóng dấu mật với giá điện, xăng Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4-5, báo chí đặt câu hỏi căn cứ nào Bộ Công thương muốn đưa thông tin phương án điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện vào diện Mật, khi đây là những mặt hàng thiết yếu, người dân và doanh nghiệp cần biết để giám sát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh? Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng đây là dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài liệu bí mật nhà nước của ngành công thương, trong đó phía Bộ Công thương đưa ra một số danh mục trong đó có hai mặt hàng là xăng dầu và điện. “Chúng ta lưu ý đây là phương án để tính toán, trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố một cách chính thức” – ông Hải nói. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: ZING Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện giá bán xăng đã thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phục vụ cho tiêu dùng của người dân. Biến động của việc điều chỉnh giá xăng dầu tác động tới công tác kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, rất dễ tác động đến lạm phát kỳ vọng trong nhân dân. Tương tự như vậy, giá điện cũng là mặt hàng do nhà nước thống nhất quản lý, có tác động, ảnh hưởng lớn đến điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước, có tác động không nhỏ đến chỉ tiêu lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, và cũng như xăng dầu, có ảnh hưởng đến lạm phát kỳ vọng… “Vì vậy, Bộ Công thương đề xuất đưa điều hành giá xăng dầu và điện vào danh mục bí mật của ngành công thương” – ông Hải cho hay. Về căn cứ, Thứ trưởng Bộ Công thương dẫn chứng khoản 5 Điều 2 Quyết định 106/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước thuộc tuyệt mật, tối mật trong ngành công thương. Trong đó đề rõ “văn bản của ngành công thương gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xin ý kiến chỉ đạo về chính sách hàng hoá và giá cả một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố”. Ngoài ra còn căn cứ vào khoản 23 Điều 1 Thông tư 1534/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành công thương, trong đó quy định rõ các loại chỉ số tổng hợp về giá cả và phương án chỉ đạo về giá, điều chỉnh giá chưa công bố. “Tôi nhấn mạnh là chữ “chưa công bố”, còn công bố rồi thì chúng ta đưa một cách công khai” – ông Hải tiếp lời. Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng văn bản ban hành ra là không mật nhưng trong quá trình soạn thảo và chuẩn bị văn bản đó thì được quản lý theo nguyên tắc như văn bản mật. Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình trao đổi giữa các cơ quan, để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong xây dựng chính sách thì phải mật, đó là cách quản lý nội bộ. “Không phải văn bản ban hành không mật thì trong quá trình soạn thảo cũng không mật”, người phát ngôn Chính phủ nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .