Một trạm thu phí trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: VEC Theo dự thảo thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến nhằm thay thế thông tư số 49/2016/TT-BGTVT về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, trạm thu phí hiện nay sẽ được gọi là "trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ". Gọi trạm thu phí lâu nay không chính xác Dự thảo quy định "trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ" là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo một thành viên tổ soạn thảo thông tư, Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã đổi tên phí sử dụng đường bộ thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Vì vậy, giá dịch vụ sử dụng đường bộ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật giá. Năm 2016, Bộ GTVT đã ban hành thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đã gọi là "giá dịch vụ sử dụng đường bộ". Tuy nhiên, việc một số trạm BOT viết tắt "trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ" thành "trạm thu giá" đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về cách hiểu. Cách gọi là trạm thu phí như cũ đã được trả lại, nhưng cách gọi này không đúng tinh thần Luật giá. Do đó, trong quá trình soạn thảo thông tư lần này, Bộ GTVT đưa ra tên gọi "trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ" để lấy ý kiến của các bộ ngành, tổ chức, người dân để có tên gọi phù hợp, đúng văn bản quy phạm pháp luật. Xác định vị trí đặt trạm trước khi phê duyệt dự án Dự thảo quy định vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của Nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư. Đối với các trạm theo hình thức thu hở (thu vé lượt), vị trí trạm phải được công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm. Đối với quốc lộ, trạm thu tiền phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hiệp hội vận tải ôtô tỉnh, thành phố nơi đặt trạm (nếu có). Trạm thu tiền phải sao lưu định kỳ dữ liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Dữ liệu của hệ thống quản lý thu bao gồm: các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm. Dự thảo thông tư vẫn quy định trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ (trừ những trường hợp ngừng thu khi có quyết định của cấp có thẩm quyền). Năm 2016, Bộ GTVT ban hành thông tư 35/2016/TT-BGTVT, viện dẫn Luật phí và lệ phí để đổi tên "phí sử dụng đường bộ" thành "giá dịch vụ sử dụng đường bộ". Từ đó, các trạm thu phí đều đổi tên thành “trạm thu giá” thay vì sử dụng đầy đủ cụm từ "trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ", gây ý kiến trái chiều trong dư luận. Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4-6-2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết "tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉnh sửa tên trạm thu phí thành một tên khác phù hợp". Trước ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Không việc gì phải nghiên cứu hay trình gì nữa, cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn, “trạm thu phí” là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết". Đến ngày 10-7-2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư dự án BOT yêu cầu đổi lại tên "trạm thu giá" thành "trạm thu phí" trước ngày 20-7-2018. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .