Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Và, chỉ khi có sự vào cuộc thực sự của toàn xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục mới thành công. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh như vậy trong chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại nhân dịp năm học mới 2019 - 2020. Đổi mới với giáo dục là một quá trình Năm học 2018 - 2019 là năm thứ 5 ngành Giáo dục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW. Đổi mới giáo dục là một quá trình dài, kết quả hôm nay phải là nỗ lực của một giai đoạn trước đó hoặc những nỗ lực hôm nay phải cần thêm một thời gian nữa mới có kết quả. Vì vậy, kết quả của một năm học không chỉ tính riêng cho năm học đó, mà phải là tích gộp của nhiều năm học. Nói điều này khi thông tin về thành tựu căn bản nhất trong năm học 2018 - 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lấy ví dụ, năm học 2018 - 2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành khi Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới chính thức được ban hành. Để có được một chương trình tổng thể, 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục bài bản là quá trình xây dựng rất thận trọng trong nhiều năm trước đó. Chương trình GDPT mới bắt đầu triển khai từ năm học 2020 - 2021 với hình thức cuốn chiếu (bắt đầu từ lớp 1) và sẽ hoàn thành bước triển khai cuối cùng vào năm học 2024 - 2025. Từ nay đến đó, ngành Giáo dục còn rất nhiều việc phải làm qua từng năm học để mỗi bước triển khai đảm bảo thành công vững chắc. Năm học vừa qua, theo Bộ trưởng, cũng đánh dấu nỗ lực của ngành Giáo dục trong công tác pháp chế khi 2 dự thảo Luật do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao, đó là Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Hàng chục nghị định do Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành và rất nhiều thông tư được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung trong năm qua đã cho thấy quyết tâm gỡ các “nút thắt” từ cơ chế chính sách tạo điều kiện cho giáo dục phát triển. Cùng với đó, tự chủ ĐH được mở rộng, có thêm những bước tiến mới với việc mở rộng quyền tự chủ cho 3 trường ĐH đã làm tốt giai đoạn thí điểm trước đó. Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH lọt vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, đó là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh; 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trò chuyện cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên tại Trường Mầm non Sơn Hà (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng Học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế, khu vực tiếp tục giành thành tích ấn tượng. Có những thành tích lần đầu tiên chúng ta đạt được như: Điểm tuyệt đối phần thi thực hành tại Oympic Hóa học quốc tế; thí sinh nữ có điểm số cao nhất tại Olympic Vật lý quốc tế. Đó là những thành tích rất đáng tự hào của học sinh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải nói đến việc tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Kết quả kỳ thi đã phản ánh trung thực, khách quan kiến thức của học sinh; đồng thời bảo đảm sự tin cậy, phân hóa tốt, làm cơ sở cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ, cung cấp thông tin cho việc đánh giá chất lượng giáo dục mỗi địa phương. Kết quả của kỳ thi không chỉ là sự nỗ lực của toàn ngành mà còn là của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục cũng còn không ít vấn đề cần giải quyết rốt ráo. Đó là thực trạng thiếu trường lớp, thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương; tình trạng bạo lực học đường, an toàn trường học xảy ra ở một số cơ sở giáo dục; bệnh thành tích; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức; thực hiện tự chủ ĐH còn lúng túng, một số cơ sở giáo dục ĐH sai phạm, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động… Giải quyết những tồn tại này sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới của ngành Giáo dục. Nỗ lực để sẵn sàng triển khai Chương trình GDPT mới Chia sẻ về những công việc được chú trọng để chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Xác định đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai Chương trình GDPT mới, thời gian qua, ngành Giáo dục tập trung chuẩn hóa đội ngũ, theo đó bồi dưỡng (theo chuẩn nghề nghiệp) giáo viên, CBQL với 4 nhóm đối tượng: Giáo viên trường phổ thông, giảng viên các trường sư phạm, hiệu trưởng trường phổ thông và CBQL cấp sở, phòng. Đến nay, đã có hơn 1.400 giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt được bồi dưỡng về Chương trình GDPT mới. Theo kế hoạch, trước khi vào năm học 2020 - 2021, tất cả giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng các trường tiểu học sẽ được bồi dưỡng về Chương trình GDPT mới và các chuyên đề/modul cốt lõi của chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Chương trình bồi dưỡng không chỉ giúp cán bộ, giáo viên hiểu đầy đủ, cặn kẽ về nội dung, nguyên lý, yêu cầu cần đạt của chương trình mới, mà còn giúp nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ GD&ĐT ban hành mới đây. Các nội dung bồi dưỡng được thiết kế theo dạng học liệu online và được đăng tải trên mạng để các học viên tự tham khảo, cùng nhau chia sẻ, phát triển và tự học trước khi bồi dưỡng tập trung. Hình thức bồi dưỡng này phù hợp với điều kiện làm việc của giáo viên, CBQL giáo dục, rất hiệu quả và sẽ khắc phục được nhiều hạn chế của cách thức bồi dưỡng trước đây. Đón em vào trường Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới cũng được Bộ GD&ĐT tích cực thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, rất cần sự vào cuộc chủ động, tích cực của các địa phương. Về chuẩn bị SGK cho Chương trình GDPT mới, Bộ trưởng cho biết: Từ cuối năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Năm học 2020 - 2021 sẽ áp dụng chương trình mới với lớp 1 nên trước hết Bộ ưu tiên chuẩn bị SGK cho khối học này. “Từ ngày 1/8/2019, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 làm việc tập trung với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan để chọn ra những bộ sách chất lượng, trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng. Dự kiến đầu tháng 10/2019, kết quả thẩm định SGK sẽ được công bố. Bộ GD&ĐT cũng đang dự thảo Thông tư lựa chọn SGK của các địa phương” – Bộ trưởng cho hay. Từng bước sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH Bộ trưởng lưu ý: Việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH là yêu cầu cấp thiết, là đòi hỏi không thể chậm trễ của xã hội, song không vì thế mà làm nóng vội. Sẽ tính toán để có những bước đi chắc chắn, đảm bảo mục đích cao nhất của việc quy hoạch, sắp xếp là nâng cao chất lượng đào tạo chứ không phải để giảm bớt số lượng trường theo cách máy móc, cơ học, từng bước đưa chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam nâng lên ngang tầm khu vực và thế giới. Với giáo dục ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi: Trong một giai đoạn nhất định, việc tăng số lượng trường ĐH là để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, hệ quả của việc tăng trưởng “nóng” thể hiện qua chất lượng đào tạo cũng như sự thiếu cân bằng giữa cung và cầu trong đào tạo. Một số trường ĐH yếu kém về điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực quản lý nên chất lượng thấp, để xảy ra sai phạm. Đây là thực trạng “có danh mà không có thực”. Vấn đề này đặt ra yêu cầu là phải quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống GD-ĐT theo hướng tinh gọn và hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với sử dụng. Để triển khai được nhiệm vụ quan trọng này, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đặt hàng một số nhà khoa học, nhóm nghiên cứu để có được những nghiên cứu căn cơ, bài bản, khoa học, có đánh giá tác động sâu sắc và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở những nghiên cứu đó, Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm, từng bước tinh gọn mạng lưới đào tạo giáo viên, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng, gắn trách nhiệm trực tiếp của các trường sư phạm với các địa phương. Bộ GD&ĐT cũng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH và Đề án rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học tới. Năm học 2019 - 2020 sẽ là năm học “nước rút” chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Còn nhiều việc phải làm để bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm cơ sở vật chất trường lớp triển khai chương trình mới. Đây là điều trăn trở nhưng phải quyết tâm làm bằng được. Đồng thời, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV (dạy người) phải đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tôi hiểu rằng, đây là thách thức rất lớn nhưng phải vượt qua, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong năm học này. Tôi mong rằng, thầy cô giáo, CBQL giáo dục tiếp tục tâm huyết với nghề; giữ vững đạo đức nhà giáo; tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để thích ứng với yêu cầu đổi mới của ngành. Tôi cũng mong, mỗi bậc phụ huynh, mỗi địa phương và toàn xã hội sẽ đồng hành và chung tay với sự nghiệp đổi mới GD-ĐT. Chỉ khi có sự vào cuộc thực sự của toàn xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục mới thành công. Chúc cho các em học sinh có một năm học khỏe mạnh, an toàn với nhiều niềm vui và có thêm những thành tích mới trong học tập và rèn luyện. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .