Hạn hán khiến nhiều kênh rạch ở Cà Mau cạn trơ đáy - Ảnh: TIẾN TRÌNH Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết hiện tại toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, trên 900 vị trí sụp, lún ven kênh rạch và gần 22km đường giao thông. Trong đó có các công trình quy mô lớn như tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, tuyến đường trên đê Biển Tây. Một số cống ngăn mặn vùng ngọt tỉnh Cà Mau bị xói mòn, rò rỉ đáy. Trên 20.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Bơm nước mặn vào ngăn sụt lún? Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã khiến mực nước trên hệ thống kênh tại tỉnh Cà Mau chỉ còn từ 0,5 - 1m. Các kênh mương nội đồng đã khô cạn. Tình trạng này khiến đời sống người dân ở nhiều nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Sử cho hay Cà Mau đang cân nhắc công bố tình huống khẩn cấp do thiên tai để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - cho rằng luật chưa quy định tình huống thiên tai do hạn hán, mà chỉ quy định thiên tai sụp lún do mưa lũ, dòng chảy. Ông Trần Tân Văn - viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam - cũng cho rằng mùa khô khi mực nước hạ thấp xuống thì sạt lở xảy ra là bình thường, trên cả nước đã có nhiều vụ xảy ra như thế. Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng Cà Mau có thể công bố tình huống thiên tai do hạn hán cấp độ 2. Để từ đó tạo khung hành lang pháp lý giúp lãnh đạo tỉnh có những quyết sách ứng phó tình trạng hạn hán hiện nay, cấp bách hàng đầu vẫn là tình trạng sụp lún, sạt lở đang diễn ra khắp nơi ở vùng ngọt hóa trong tỉnh. Một giải pháp được lãnh đạo tỉnh nhắc tới là có thể sẽ đưa nước mặn vào các con sông ở vùng ngọt hóa, vốn đang khô cạn, để tăng áp lực nước lên các bờ kênh với hi vọng làm giảm thiểu nguy sơ sụp lún, sạt lở. Căn cứ để ông Sử đưa ra giải pháp này là các địa phương vùng mặn đang có nước không diễn ra tình trạng sụp lún. Gần nhất, khi cống ngăn mặn Trùm Thuật bị rò rỉ, nước mặn xâm nhập vào kênh thủy lợi thì các tuyến kênh này đã không còn diễn ra sụp lún. Ông Trần Triều Tiên - chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời - cho biết trước Tết Nguyên đán, xã Khánh Hải bị sụp lún 164 điểm, ảnh hưởng 181 hộ. Khi cống Trùm Thuật gặp sự cố, nước mặn vào thì không còn sụp lún nữa. Hiện tại mực nước kênh thấp hơn mặt lộ hơn 1,5m. Với độ cao này khả năng xâm nhập mặn lên đồng đất không thể xảy ra. Ông Tiên cho rằng do nước mặn tràn vào đã tạo ra phản áp lớn nhất trong điều kiện có thể, nhưng cũng không tạo nên tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng mùa vụ. Theo ông Trần Anh Tuấn - phó cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), đặc điểm của vùng ĐBSCL là "dưới kênh trên lộ", khi dưới kênh khô cạn thì bao nhiêu hàng hóa chuyển lên lộ, làm gia tăng áp lực lên các tuyến lộ. "Nếu cho nước mặn vào mà không ảnh hưởng gì đến trồng trọt thì cũng nên tính đến" - ông Tuấn nhận xét và cho rằng việc khắc phục sụp lún là giải pháp cấp bách, không thể chần chừ. Phải tính chuyện dẫn nước Mekong về Cà Mau Theo ông Trần Anh Tuấn, về lâu dài người dân Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung phải tính tới giải pháp "sống chung với hạn". "Không thể nào để người dân sống trên sông nước lại không có nước uống" - ông Tuấn nói. PGS.TS Trần Bá Hoằng - viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - cho rằng tần suất diễn ra hạn - mặn nhanh, vấn đề phải làm ngay lúc này là hỗ trợ người dân tích trữ nước sinh hoạt. Theo ông Hoằng, về lâu dài phải chuyển nước ngọt của Mekong về Cà Mau và coi đây là giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, giải pháp này cần kinh phí lớn và việc nguồn nước từ sông Hậu có đủ để cung ứng cho vùng hay không cũng là chuyện phải tính toán. "Sống chung với hạn" không chỉ là quản lý hợp lý nguồn nước mặt, nước ngầm mà theo các chuyên gia còn phải tạo ra các hồ, bể chứa phù hợp với quy mô dân cư, đặc điểm, tình hình địa phương. TS Đặng Kiều Nhân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - cho rằng Cà Mau cần chú ý việc giữ các ô thủy lợi quy mô vài trăm hecta để trữ nước nhằm chủ động trong mùa khô. Ông Lê Văn Sử thừa nhận một trong những vấn đề đang gây lo lắng đối với chính quyền và người dân trong tỉnh là tình trạng sụp lún vẫn chưa dừng lại, khi đang xuất hiện nhiều vết nứt mới. Ông Sử cho biết sẽ đưa các vấn đề cấp bách như tuyên bố tình huống thiên tai, đưa nước mặn vào các tuyến kênh, rạch đang khô hạn để hi vọng ngăn chặn tình trạng sụp lún, sẽ được lãnh đạo tỉnh quyết định trong thời gian sớm nhất. Phải có chiến lược về cây trồng, vật nuôi Vấn đề cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi ở vùng hạn - mặn, TS Đặng Kiều Nhân nhắc lại nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL đề cao việc thích nghi với biến đổi khí hậu. Mô hình trồng lúa xen canh với nuôi tôm đã được nghiên cứu từ lâu, mà Cà Mau là địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình này. Ông Nhân cho rằng mô hình lúa - tôm là phù hợp cho phát triển lâu dài ở vùng bán đảo Cà Mau. Ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT - cũng đồng quan điểm phát triển mô mình canh tác lúa - tôm nhưng phải có quy hoạch tổng thể, phải có chiến lược mang tính dài hơi, phải tạo ra những giống lúa ngắn ngày phù hợp với diễn biến khí hậu tại địa phương. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .