Số bệnh nhân tai nạn giao thông do rượu bia phải nhập viện cấp cứu ở Hà Nội giảm gần 50% từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực. Tai nạn giao thông do rượu, bia giảm 50% Một điều dưỡng trực tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ một tuần nay, số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông (TNGT) do uống rượu bia đã giảm hẳn. Hai ngày gần đây hầu như không có ca nào. Tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội) sáng 8-1, PV cũng ghi nhận không có bệnh nhân nào nhập viện do TNGT. Theo BS Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Thanh Nhàn, từ ngày 1-1, lượng bệnh nhân nhập viện do rượu bia giảm nhiều. Một bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: HÀ PHƯỢNG “Trước kia, nếu một ngày bình thường BV cấp cứu 100-130 bệnh nhân thì 30% trong số đó liên quan đến rượu bia. Tuy nhiên, gần đây mỗi ngày chỉ còn 60 -70 bệnh nhân nhập viện, ca liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%” - BS Hùng cho hay. Cũng theo BS Hùng, trước đây BV thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân đa chấn thương do TNGT có uống rượu bia. Số đông là thanh niên tham gia giao thông trong đêm muộn và dịp cận tết. Còn tại TP.HCM, sau hơn một tuần lễ áp dụng Nghị định 100, số bệnh nhân nhập viện do ẩu đả,TNGT có sử dụng rượu bia dù vẫn còn nhưng nhìn chung có giảm. Tại BV Thống Nhất, theo BS Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, từ ngày 1-1 đến nay, số người nhập viện do bị tai nạn va quẹt ngoài đường sau khi uống rượu bia giảm, mà chủ yếu do các lỗi bất cẩn khi tham gia giao thông. BS Ánh nhận định việc nâng cao mức xử phạt người uống rượu bia khi tham gia giao thông không chỉ làm giảm số vụ TNGT mà kể cả các tai nạn sinh hoạt, bị tai biến mạch máu não (do huyết áp tăng cao)... sau uống rượu bia cũng sẽ giảm đáng kể. Tại BV quận 11, điều khá bất ngờ là từ ngày 1 đến 8-1, trong số 31 bệnh nhân bị TNGT, chỉ có 15 người sử dụng rượu bia (tức chưa đến 50%). Cùng với đó, số người bị tai nạn do đánh nhau khi sử dụng rượu bia cũng giảm đáng kể. Giảm sức ép cho bệnh viện BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Thanh Nhàn, cho biết trước khi có Nghị định 100, lượng bệnh nhân nhập viện do rượu bia khá đông. Nhiều ca, nhất là ngộ độc rượu, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được kịp thời xử lý. “Các tua trực những ngày qua cho thấy số ca vào viện cấp cứu do có liên quan đến bia rượu giảm đáng kể. Tuần qua, khoa không tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu nào. Cũng vì vậy mà áp lực cho các bác sĩ giảm hẳn”. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn giao thông do uống bia rượu từ tuyến dưới chuyển lên. Ảnh: HOÀNG LAN “Dịp cuối năm không nên sử dụng rượu bia, đặc biệt là loại rượu bia không có nguồn gốc rõ ràng. Mong rằng với việc thực thi nghiêm Nghị định 100, người dân hạn chế rượu bia, hạn chế rủi ro không đáng có" - BS Dẫn cho biết. Theo BS Lê Nguyễn Hoàng, phụ trách khoa Cấp cứu BV quận 11, nếu như trong các tháng 10, 11 và 12-2019, số vụ tai nạn do đánh nhau nhập viện lần lượt từ 35, 38, 28 vụ, chủ yếu do sử dụng rượu bia thì trong tám ngày đầu tiên của năm 2020, con số này là sáu ca. Cũng theo BS Hoàng, đây là tín hiệu vui vì trước đây mỗi dịp lễ, tết, BV thường phải căng mình để xử trí cấp cứu do tai nạn liên quan đến rượu bia. Thống kê sơ bộ từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy trong hai ngày 1 và 2-1, số người tử vong do TNGT là 37 (trung bình 18 người/ngày). Trong khi đó, con số trung bình của năm 2019 là gần 21 người/ngày. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .