Camera đã phải là biện pháp quản lý, giám sát hữu hiệu nhất trường, lớp học? Nhu cầu từ thực tế Anh Nguyễn Xuân Phú - có con đang học tại Trường MN Sơn Ca – khu đô thị Định Công (Hà Nội), cho biết: Nhà trường có trang bị camera trong lớp học, hành lang, nhà vệ sinh. Gia đình luôn gửi niềm tin vào nhà trường, giáo viên nên không yêu cầu kết nối camera giám sát. Tuy nhiên, khi có sự việc đáng tiếc xảy ra tại một số địa phương, gia đình đã đề nghị kết nối camera nhà trường để quan tâm hơn tới an toàn của con ở lớp. Theo anh Phú, việc kết nối chỉ “là vấn đề thủ tục”, giúp gia đình yên tâm hơn còn về cơ bản vợ chồng anh vẫn tin tưởng vào nhà trường và trông đợi vào chữ “Tâm” của cô giáo. Anh Phú nói: “Nếu các cô không coi trẻ như con mình, không làm việc bằng tình yêu thương của người mẹ thứ hai ở lớp học thì cũng chẳng thiếu cách để đối phó. Camera không thể soi hết mọi ngóc ngách trong trường lớp. Vì vậy, tăng cường kiểm tra giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đạo đức nhà giáo mới là việc cần tiến hành chặt chẽ và thường xuyên”. Cô Lê Thị Thơm – Hiệu trưởng Trường MN Ngôi sao mới New Starkids – quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Trước đây, nhu cầu kết nối camera giám sát trường lớp học của PHHS không “nóng” như hiện nay. Thậm chí, có PHHS luôn gửi trọn niềm tin vào GV và nhà trường nên không yêu cầu kết nối camera giám sát. Tuy nhiên, nhu cầu này tăng mạnh sau vụ mất an toàn với HS Trường Gateway và một số sự vụ khác. Có PHHS còn đề nghị nhà trường chia sẻ hình ảnh camera với cả người thân của trẻ như ông, bà, cô, bác… để cùng bố mẹ tăng cường giám sát an toàn. Nhận thấy, đây là nỗi lo chính đáng của các gia đình khi có con ở độ tuổi còn nhỏ, mặt khác càng nhiều “cặp mắt” cùng nhà trường giám sát, sự an toàn của trẻ càng cao… nên nhà trường đã đáp ứng nguyện vọng này đầy đủ. Ảnh minh họa/ INT Hạn chế lòng tin Việc lắp đặt camera trường học mang đến nhiều lợi ích mà ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít CBQL, GV chưa đồng thuận với việc triển khai lắp đặt camera trong lớp học. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Để đảm bảo an ninh, an toàn cho 2.000 HS và 37 lớp học, nhà trường lắp đặt camera ở một số vị trí quan trọng như: Hành lang lớp học, sân trường, ngoài cổng trường, bếp ăn. Tuy nhiên, không lắp camera trong từng lớp học. Theo cô Ngọc, việc lắp đặt camera trong lớp học sẽ thuận tiện cho CBQL nhưng nhà trường không lắp bởi tin tưởng vào tính tự giác, tình yêu nghề, yêu trẻ của đội ngũ GV. Lắp đặt cameratrong lớp vô tình tạo ra sự cách biệt giữa người quản lý và người bị quản lý, giữa BGH và GV; sự mất niềm tin giữa BGH và GV. Điều cơ bản nhất ở đây là nhà trường muốn tạo ra tâm lý thoải mái cho mỗi GV trong quá trình dạy học. Giáo viên cần có “khoảng trời riêng” để thầy và trò cùng phát huy sự sáng tạo, tình yêu nghề… Camera giám sát hành lang, sân trường giúp BGH có thể can thiệp, xử lý ngay nếu HS cãi vã, gây gổ đánh nhau. Còn camera ngoài cổng trường sẽ cho biết ai đón HS, HS đi về phía nào; đối tượng khả nghi nào hoạt động ngoài cổng trường. Camera trong bếp ăn sẽ giúp BGH, trực ban quan sát chặt chẽ đội ngũ cấp dưỡng có thực hiện đúng quy trình VSATTP? Còn camera lớp học sẽ khiến GV áp lực tâm lý, mất tự tin… và có khi còn đối phó, hình thức. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc bày tỏ: HS tiểu học chưa lớn hẳn nhưng cũng không còn nhỏ; được giáo dục kĩ năng cơ bản… sẽ không khó khăn để phản ánh những cảm nhận về thầy cô, nhà trường, những mong muốn với cha mẹ, gia đình. Mặt khác, nhà trường luôn dân chủ trong tiếp nhận thông tin phản ánh (qua hộp thư góp ý, địa chỉ email hoặc phản ánh trực tiếp…) từ gia đình, HS để xử lý, rút kinh nghiệm. Như vậy, việc đặt camera giám sát lớp học chưa thực sự cần thiết. Cũng có rất nhiều GV thẳng thắn bày tỏ: Không ngại việc đặt camera giám sát lớp học bởi họ tự tin với chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên cảm giác luôn bị “soi”, có người theo dõi từ đằng sau; nghi ngờ khả năng chuyên môn, tư cách đạo đức… ít nhiều tạo ra tâm lý không thoải mái, khó sáng tạo trong bài giảng. Việc lắp đặt camera trong trường, lớp học cần nghiên cứu, tính toán hợp lý về vị trí lắp đặt, từ đó phát huy ưu điểm thay vì lạm dụng không cần thiết. Điều quan trọng để người thầy yêu trẻ yêu nghề, cống hiến, sáng tạo, vẫn là phát huy sự tự giác, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất đạo đức. ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TPHCM đồng tình với việc gắn camera ở phía ngoài lớp học như cổng trường, nhà bếp, góc khuất, hành lang với mục đích đảm bảo an toàn, an ninh trường học. Còn gắn camera trong lớp học, theo thầy Sơn ở bậc học nào cũng không nên. Việc gắn camera có sự đồng tình của phụ huynh, nhưng cũng cần hỏi ý kiến giáo viên, bởi khi gắn trong lớp chính là đang nghĩ đến việc giám sát, theo dõi hoạt động của thầy và trò. “Nếu bắt buộc gắn những hình ảnh ấy chỉ có ban giám hiệu giám sát, nó phục vụ cho việc quản lý hay có trường hợp gì xảy ra lấy đó làm căn cứ. Chứ không thể để phụ huynh online theo dõi con, theo dõi thầy”, thầy Sơn chia sẻ. Bởi nếu phụ huynh nghi ngờ, không tin tưởng thầy cô giáo của con em mình? Tâm thế của người thầy đối với học sinh ra sao? Chúng ta vẫn luôn dạy học sinh tiên học lễ, hậu học văn, tôn sư trọng đạo, nhưng chính chúng ta lại không dành cho giáo viên sự tôn trọng. Ảnh minh họa/ INT Tạo áp lực cho giáo viên Bà Trần Phương Anh - Phó Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Lào Cai, cho rằng: Việc lắp camera giám sát trường học ở những vị trí thích hợp sẽ mang đến hiệu quả nhất định trong quá trình quản lý, giữ gìn an toàn cho HS. Tuy nhiên, lắp camera trong từng lớp học chưa thực sự cần thiết bởi không nên mang đến áp lực cho GV trong quá trình giảng dạy và thực hiện đổi mới giáo dục. Cần thể hiện niềm tin vào chuyên môn, năng lực GV, từ đó giúp mỗi GV sáng tạo hơn trong bài giảng, cách dạy. Trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Gắn camera vào lớp học không khéo khiến thầy, trò mất tự nhiên, không khí lớp học không như trước đây nữa! “ Đừng vì phụ huynh hồ hởi mà lắp camera trong lớp học. Điều này làm giáo viên có tâm lý e ngại để rồi chất lượng giáo dục, không khí lớp học bị phá vỡ. Việc cần làm hiện nay là tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà giáo cần tận tâm với nghề, thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, đạo đức và thật sự là tấm gương sáng. Một khi giáo viên tạo được niềm tin từ phụ huynh, chiếc camera trở nên vô dụng và không mấy ai bận tâm đến sự có mặt của nó”, thầy Nhân bày tỏ quan điểm. Theo thầy Nhân, việc lắp camera trong trường học không phải không có lợi ích. Nếu lắp camera đúng vị trí, đúng đối tượng có thể giúp nhà trường, phụ huynh chung tay đảm bảo an ninh, an toàn trường học. Qua đó có thể giám sát quá trình dạy, học của thầy, trò; nhằm kịp thời hỗ trợ, nhắc nhở và điều chỉnh để việc dạy, học diễn ra thuận lợi, đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, các trường chỉ nên lắp camera tại cổng trường, hành lang, sân trường để quản lý chung. Ở các lớp học, lãnh đạo trường, tổ chuyên môn phải thường xuyên đi kiểm tra để nắm bắt tình hình giảng dạy, nguyện vọng của giáo viên, học sinh. Cũng theo thầy Nhân, không nên gắn camera trong lớp học, bởi làm ảnh hưởng trực tiếp đến thầy, trò. Khi mọi hoạt động của thầy trò được ghi lại khiến giáo viên, học sinh bị phân tâm, không tập trung. Giáo viên cũng bị ức chế vì chiếc camera giám sát nên họ khó có thể đổi mới, sáng tạo hoặc cùng học trò tổ chức hoạt động lớp học. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ “gánh” áp lực từ nhiều phía và sẽ có nhiều tranh cãi về phương pháp giảng dạy từ phía phụ huynh, đồng nghiệp… Điều đáng quan tâm nhất khi lớp học có camera là người giáo viên có cảm giác như bị giám sát và phụ huynh thiếu niềm tin vào họ. Giáo viên sẽ luôn có cảm giác bị theo dõi và tổn thương khi không được phụ huynh và xã hội tin tưởng. Đây có thể là khó khăn lớn mà nhiều nhà giáo không thể chấp nhận được. Trong khi đó, nhiều em học sinh ỷ lại có camera quan sát nên không nghe lời giáo viên; thậm chí có trường hợp cá biệt sẽ thách thức thầy cô. Tôi nghĩ chiếc camera chỉ là cách đối phó với những cá nhân riêng biệt. Nó xuất phát từ một số vụ bạo hành trẻ. Còn với mỗi nhà giáo, cái tâm dành cho học trò mới là gốc rễ giải quyết vấn đề này. ThS Vũ Hoàng Sơn Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .