An toàn, an ninh trường học phải luôn được duy trì Theo báo cáo lãnh đạo Trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Hoài Ân, Bình Định), sáng 17/12, em Nguyễn Nhật P., học sinh lớp 11 đã dùng gậy đánh thầy giáo dạy Toán Lê Quang Khanh tại cầu thang dãy phòng học rồi bỏ chạy. Đồng nghiệp đã đưa thầy Khanh đi cấp cứu. Hiện sức khỏe thầy đã ổn định. Gia đình học sinh P. đã đến bệnh viện thăm hỏi, xin lỗi thầy Khanh. Sau 2 ngày bỏ trốn, học sinh Nguyễn Nhật P. đã đến cơ quan công an trình diện. Trước đó, mạng xã hội nóng lên trước một clip ghi lại cuộc chất vấn của một nữ phụ huynh với một thầy giáo ở Bạc Liêu. Thấy con bị mất chiếc quần soóc, vị phụ huynh đã đến trường tìm thầy giáo “ăn thua” đòi trả lại hoặc phải đền tiền. Dù thầy giáo đã giải thích nhưng bà mẹ không những không chấp nhận mà còn xối xả buông ra nhiều lời lẽ phản cảm, trong đó có câu nói khiến tất cả các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, học sinh thấy nhói tim: “...chưa chắc bộ đồ thầy mặc có giá trị hơn cái quần của con tôi…”. Thời gian gần đây, xã hội chứng kiến bục giảng không ít lần trở thành “sàn đấu” gieo rắc bạo lực bằng nắm đấm, bằng lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm giáo viên. Như trường hợp em P., một số thầy cô giáo phân tích: Học sinh đánh giáo viên là sai, đi ngược lại truyền thống tôn sư trọng đạo. Đừng đặt câu hỏi tiêu cực rằng: Nhà trường, thầy cô dạy dỗ kiểu gì mà học sinh lại như thế? Cần đánh giá công bằng hơn với vai trò của giáo viên, của trường học bởi họ không thể chịu trách nhiệm hoàn toàn việc dạy dỗ, uốn nắn hành vi, suy nghĩ của mỗi học sinh. Mỗi ngày, mỗi giờ, những cô cậu học trò còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, từ môi trường sống và đặc biệt, trong thời đại kết nối ngày nay, các em còn bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Góp phần khiến tình trạng bạo lực trong trường học tăng cao có nguyên nhân đến từ chính những bậc làm cha, làm mẹ - những người thay vì cùng nhà trường giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho con em, một số phụ huynh lại chọn cách ăn miếng trả miếng. Thay vì dạy con cách sống nhân ái, bao dung, họ lại gieo vào đầu con lối sống ăn thua, trả thù từ chính cách thức họ đối xử với thầy cô của con. Với trường hợp của vị phụ huynh đòi quần cho con, vì một câu nói xúc phạm thầy giáo mà khiến con hình thành suy nghĩ giá trị vật chất hơn hẳn nhân cách con người, từ đó có thể tự cho mình cái quyền xem thường người khác. Chính những vị phụ huynh hành xử với giáo viên theo kiểu ăn thua đó đã tự gây tổn thương và khiến con cái họ lớn lên trong môi trường “lệch chuẩn” cả về đạo đức và nhân cách. Giáo viên vi phạm quy định bị cả xã hội lên án, phải chịu hình thức kỷ luật trong ngành, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lớp học thi thoảng có học sinh cá biệt, thầy cô giáo vận dụng lý thuyết, kinh nghiệm thực tiễn để giúp học sinh tiến bộ. Còn đã cố gắng dành tâm sức nhưng thầy cô, nhà trường vẫn bất lực, có khi phải hứng chịu cơn thịnh nộ nguy hiểm tuổi mới lớn như thầy giáo dạy Toán ở Bình Định, lúc đó học sinh sẽ được “gò” trong môi trường giáo dục từ xã hội, khốc liệt hơn, kiên quyết hơn, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn phụ huynh học sinh thì sao? Không phải là đặt giả thiết mà thực tế đã có những phụ huynh đến lớp buông lời mạt sát gây ức chế tâm lý, hay xông vào trường giải quyết bằng nắm đấm… Để lấy lại niềm tin của nhà giáo, để trường học là môi trường nhân văn nhất, hơn lúc nào hết, cần đặt ra hành lang pháp lý có thể bảo vệ giáo viên khi môi trường làm việc ngày càng áp lực; cần hành động, đưa ra các quy định, giải pháp để siết chặt hơn nữa vấn đề an ninh trong trường học đảm bảo vị thế, đảm bảo an toàn cho nhà giáo. Và quan trọng nhất, mỗi vị phụ huynh hãy luôn nhớ: Muốn con nên người, hãy tôn trọng thầy cô giáo! Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .