Chính phủ hỗ trợ người mất việc, ngừng việc vì COVID-19 Chiều 1-4, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Hỗ trợ người nghèo, người tạm ngừng làm việc Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Chính phủ thống nhất cao dự thảo nghị quyết và nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Đảm bảo nguyên tắc cả người lao động (NLĐ), doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Cụ thể về các gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dự kiến hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng (cho các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng). Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) là 6.470 tỉ đồng, tổng số người được hỗ trợ hơn 4,3 triệu người. Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong ba tháng cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là hơn 6.700 tỉ đồng, tổng số hộ được hỗ trợ là gần 2,245 triệu hộ. Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng cho các đối tượng là NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỉ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 1 triệu lao động. Ba nhóm đối tượng trên sẽ nhận được hỗ trợ trong ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng (trong ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6) cho các đối tượng là NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỉ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: HOÀNG GIANG Người sử dụng lao động cũng được hỗ trợ, vay ưu đãi Trong khi đó, người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc trong ba tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho NLĐ. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỉ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 3 triệu lao động. Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020) cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là gần 2.300 tỉ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760.000 hộ. NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng khoảng 6.500 tỉ đồng. Ngoài ra, cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là ba tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỉ đồng. Hàng triệu lao động sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch bùng phát mạnh Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, từ đầu dịch đến nay có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ hai của tháng 3, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt, tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm 70%-80% việc làm, NLĐ. Đáng chú ý, tính từ ngày 1-1 đến 26-3, đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống... Nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính trong quý II-2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II-2020 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .