Chính phủ muốn điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công Ngày 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp). Hai nhiệm kỳ mới duyệt hai dự án Chính phủ và một số đại biểu (ĐB) đề xuất điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỉ lên 20.000 tỉ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng nhưng nhiều ĐB đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm (ĐBQH tỉnh Phú Thọ) nêu: Mức 10.000 tỉ đồng giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có hai dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. “Nếu điều chỉnh tăng lên 20.000 tỉ đồng có thể sẽ không còn dự án nào trình QH” - ông nói. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) nhận định là có nhầm lẫn về quy mô dự án với trình tự triển khai dự án. Ông cho hay giám sát của Ủy ban Kinh tế cho thấy có việc chậm triển khai các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do QH phê chuẩn (như dự án metro Bến Thành - Suối Tiên). Nhưng quá trình chuyển đổi phát sinh việc ai chịu trách nhiệm phê duyệt, UBND TP.HCM hay Chính phủ trình phê duyệt thì vướng ở chỗ đó, chứ không vướng mức bao nhiêu. “Cả hai nhiệm kỳ QH chúng ta mới duyệt được hai dự án, có vướng gì đâu” - ông Kiên nhấn mạnh. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền (ĐBQH tỉnh Thái Bình) đồng tình cho rằng “không cần thiết phải sửa đổi luật để phức tạp thêm”. Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại hội trường ngày 28-5. Ảnh: QT Chính phủ lo khó cho Quốc hội Về thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Thường vụ QH và đa số ĐB đề nghị QH quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn (bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án). Trong khi đó, Chính phủ và một số ĐB đề nghị quy định QH quyết định tổng mức đầu tư, Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch được QH thông qua. “QH quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách trung ương theo hiến pháp, vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từ dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức…” - ĐB Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh. “Sở dĩ kế hoạch đầu tư công trung hạn có trục trặc, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực của bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm mà QH trao” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân (ĐBQH tỉnh Cà Mau) nói. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng vấn đề cần mổ xẻ là đầu tư công thời gian qua chậm do vướng quy định hay khâu thực hiện. Nếu vướng ở quy định mới cần sửa luật. Từ thực tiễn của TP.HCM, bà khẳng định là vướng chủ yếu từ khâu tổ chức thực hiện. “Giải trình của Chính phủ có nói là sợ mất thời gian của QH, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề. Những vấn đề quan trọng của quốc gia thì cần bao nhiêu thời gian, QH cũng có thể đảm đương được và đó là sự cần thiết” - bà nói. Trong khi đó, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng với số lượng 9.600 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trung ương, việc QH phê duyệt điều chỉnh danh mục mức vốn cho từng dự án là “không thực tế và không có tính khả thi”. “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý thẩm quyền này thuộc QH” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sau đó. Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là một khung cho cả năm năm. QH vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hằng năm. “Tuy nhiên, với 9.600 dự án của nhiệm kỳ vừa rồi và cũng chừng đó dự án trong nhiệm kỳ tới là một khối lượng rất lớn, nếu QH thực hiện quyền của mình để quyết định vấn đề này thì có khả thi không?” - ông nói. Theo ông Dũng, 10.000 dự án luôn phát sinh, thay đổi, điều chỉnh liên tục. Một dự án điều chỉnh ba, bốn, năm lần nhân với 10.000 dự án thì con số khổng lồ. “Tôi hình dung nếu QH làm việc này thì rất nặng nề và chúng tôi muốn việc đó giao cho Chính phủ. Chính phủ phải làm, chịu trách nhiệm trong khung mà QH đã quyết, còn QH làm chức năng giám sát” - ông Dũng nói và cho rằng giao cho Chính phủ điều hành thì nhẹ việc cho QH. “Nếu chúng ta chỉ sa đà vào thực hiện một việc thế này, tôi nghĩ khó cho QH và tính khả thi yếu đi” - bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói tiếp. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan liên quan soạn thảo nội dung còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến các ĐBQH thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Việc triển khai dự án hiện nay ở các địa phương có rất nhiều vấn đề như yếu kém về chất lượng, tùy tiện điều chỉnh, quyết định, có cả lợi ích nhóm chi phối, tư duy nhiệm kỳ nên nhiều quyết định đầu tư rất tùy tiện… Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .