PGS.TS Đậu Xuân Cảnh trực tiếp giảng bài cho sinh viên GD&TĐ - Theo các chuyên gia giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua đã “cởi” nhiều “nút thắt” về tự chủ đại học. Hầu hết các trường đều tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách mới này. Cùng với đó, các trường đã và đang có sự chuẩn bị trên mọi phương diện để sẵn sàng thực hiện quyền tự chủ. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam đã có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại. Chuẩn bị tâm thế tốt nhất * Thưa PGS, một trong những chính sách được quan tâm hàng đầu trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là vấn đề tự chủ. Đứng trước yêu cầu mới, Học viện đã có bước chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng đón nhận và thực hiện quyền tự chủ của mình? Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều trường đại học, trong đó có Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào những đột phá về cơ chế, chính sách tự chủ đại học. Tức là các trường đã có hành lang pháp lý, đã tháo gỡ được “nút thắt” khi thực hiện quyền tự chủ. Việc còn lại là các trường thực hiện chính sách đó như thế nào và xây dựng chiến lược phát triển ra sao. Tất nhiên, mỗi trường sẽ có những chiến lược riêng để xây dựng thương hiệu, uy tín trước xã hội. Về phần mình, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về tự chủ đại học. Từ nay đến ngày 1/7/2019, khi Luật có hiệu lực thi hành, chúng tôi sẽ tập trung chuẩn bị vào các nhiệm vụ chính nhằm có được tâm thế tốt nhất khi chính thức được thực hiện quyền tự chủ: Thứ nhất, tiếp tục duy trì đảm bảo chất lượng đào tạo. Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Theo đó, Học viện sẽ tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ và cấp Nhà nước. Quan điểm của chúng tôi cũng sẽ áp dụng theo cơ chế “đặt hàng”. Thứ ba, tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giảng viên. Cụ thể chúng tôi sẽ cử cán bộ, giảng viên đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài để có thể thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội khi thực hiện tự chủ. Thứ tư, Học viện sẽ có chính sách thu hút nhân tài. Chúng tôi sẽ có chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân người giỏi cho Học viện. Từ đó xây dựng đội ngũ “tinh nhuệ”, tạo sức mạnh tổng hợp để sẵn sàng đón nhận và thực thi chính sách tự chủ. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, từ đó có những điều chỉnh hoạt động của nhà trường theo hướng hội nhập khu vực và thế giới. Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện và đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học để sinh viên được học tập, nghiên cứu trong ngôi trường khang trang, hiện đại, được “học đi đôi với hành”. Qua đó, trang bị cho các em cả về trình độ, năng lực, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường. Một tiết thực hành của sinh viên Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam Tự chủ thì phải đạt kiểm định chất lượng giáo dục * Tới đây, khi các trường thực hiện tự chủ đại học, một trong những yêu cầu quan trọng là phải đạt kiểm định chất lượng giáo dục. PGS nghĩ sao về vấn đề này và lộ trình chuẩn bị của Học viện như thế nào? Tôi tán thành quan điểm này! Chúng tôi hiểu rằng, để thực hiện quyền tự chủ thì cần hội đủ nhiều yếu tố, trong đó có đảm bảo chất lượng giáo dục trước xã hội. Tức là phải đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Hiểu một cách đơn giản, điều này giống như một đứa con trong gia đình. Nếu đứa con ấy muốn độc lập hoặc gia đình cho độc lập thì cô/cậu ấy phải trưởng thành, ít nhất là phải đủ 18 tuổi và phải tự bảo đảm được cuộc sống của mình. Chính vì vậy, việc chúng tôi tham gia kiểm định chất lượng cũng giống như một sự khẳng định rằng, chúng tôi đã “đủ 18 tuổi” và có đủ năng lực để có thể “tự thân lập nghiệp” được rồi. Chúng tôi mong chờ và tin tưởng vào chính sách tự chủ đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua. Đây là cơ hội rất tốt để các trường phát triển và tạo bước đột phá cho chính mình. Theo đó, chúng tôi đã sẵn sàng tâm thế để đón nhận chính sách mới về tự chủ. Và chúng tôi mong chờ thời điểm Luật này có hiệu lực để tự chủ đại học chính thức được triển khai áp dụng vào thực tiễn. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh Y tế là ngành đặc thù nhưng đã là trường đại học thì phải theo cấu trúc của một trường đại học của Việt Nam cũng như trên thế giới. Tức là vẫn phải bảo đảm 3 yếu tố quan trọng: Đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và quản trị nhà trường. Tất nhiên, mỗi trường phải có chiến lược riêng để tạo nên sự khác biệt và uy tín, thương hiệu. * Nói như vậy thì việc các trường đạt kiểm định chất lượng có ý nghĩa rất quan trọng khi tiến hành tự chủ. Từ thực tế của trường mình, PGS có nhận định gì về vấn đề này? Học viện Y - Dược cổ truyền Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, Học viện có thể công bố với xã hội rằng, sinh viên đến với chúng tôi sẽ yên tâm về chất lượng đào tạo và sẽ hài lòng với các dịch vụ của nhà trường. Khi đạt kiểm định chất lượng giáo dục thì uy tín của nhà trường sẽ được nâng lên. Vì thế, tôi rất tán thành với quy định, các trường muốn tự chủ phải đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội. Nếu trường nào chưa đảm bảo yếu tố này thì trường đó chưa được giao quyền tự chủ. Thiết nghĩ đây sẽ là cú hích để các trường nhìn lại tất cả các hoạt động trên mọi phương diện của nhà trường. Từ đó có chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. * Xin cảm ơn PGS! Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .