Giáo viên thuyết trình sản phẩm hoạt động nhóm trong lớp bồi dưỡng về Chương trình GDPT tổng thể GD&TĐ - Quá trình tham gia bồi dưỡng, giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh được nâng cao năng lực bản thân, sẵn sàng cho việc tập huấn cho giáo viên đại trà ở địa phương. Sự chủ động, sẵn sàng của đội ngũ giáo viên chính là yếu tố tiên quyết cho việc triển khai thành công chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trong 3 ngày từ 11 - 13/10, Trường Đại học Vinh tổ chức lớp Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán với sự tham gia của 614 giáo viên tiểu học của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là đợt bồi dưỡng thực hiện theo Kế hoạch trong khuôn khổ Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP), mục tiêu nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên cốt cán thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Bồi dưỡng theo định hướng phát triển năng lực Giáo viên tham gia bồi dưỡng được chia làm 13 lớp theo các môn học ở tiểu học: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm... Giáo viên tiểu học cốt cán 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia lớp bồi dưỡng được chia thành 13 lớp theo từng môn học Trước đó, các giảng viên chủ chốt của Trường Đại học Vinh phụ trách khóa bồi dưỡng đã xây dựng một khung chương trình tập huấn cho 13 lớp với các nội dung: Tìm hiểu chung về Chương trình GDPT mới bao gồm mục tiêu chương trình, quan điểm biên soạn, yêu cầu cần đạt đối với môn học, phương pháp giáo dục; Tổ chức đánh giá học sinh… Đồng thời so sánh và nêu ra những điểm mới so với chương trình phổ thông trước đây. Khi đi vào bồi dưỡng theo từng môn học, giáo viên được giới thiệu tổng quan về môn học trong toàn bộ chương trình phổ thông và của riêng bậc tiểu học. Đồng thời thiết kế bài giảng, tổ chức hoạt động dạy - học bộ môn. Các giáo viên trong lớp bồi dưỡng được chia thành từng nhóm thảo luận và thực hiện nhiệm vụ giảng viên đưa ra Giảng viên giới thiệu một “giáo án minh họa” để các giáo viên phân tích, đánh giá ưu nhược điểm…. Từ đó xây dựng sản phẩm giáo án riêng của mình phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương. Sản phẩm này được đem ra thuyết trình, có sự đóng góp ý kiến của các nhóm khác trong lớp và cuối cùng giảng viên tổng hợp, đánh giá, bổ sung để giáo án hoàn thiện. PGS.TS. Chu Thị Thủy An - Phó Trưởng khoa Giáo dục (Trường Đại học Vinh) cho biết: “Chúng tôi bồi dưỡng giáo viên theo quan điểm xuyên suốt của Chương trình GDPT mới, đó là định hướng phát triển năng lực người học. PGS.TS. Chu Thị Thủy An - Phó trưởng Khoa Giáo dục (ĐH Vinh) phụ trách lớp bồi dưỡng môn Tiếng Việt Giảng viên không thuyết giảng, cũng không làm hộ, làm thay mà tổ chức, xây dựng nhiệm vụ cho giáo viên. Chia nhóm và yêu cầu mỗi giáo viên trong nhóm phải hoạt động, “động não” và có sản phẩm của mình trong mỗi buổi học để trình chiếu. Các nhóm khác tham gia góp ý kiến và cuối cùng là giảng viên sẽ đánh giá, tổng hợp và chỉnh sửa để sản phẩm của học viên hoàn thiện hơn”. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ do giảng viên giao, giáo viên phổ thông cốt cán cũng học cách chuẩn bị kịch bản, kế hoạch và triển khai bồi dưỡng giáo viên đại trà tại trường và địa phương của mình. Vừa học, vừa thực hành ứng dụng Công nghệ thông tin trong thiết kế giáo án điện tử Là một giảng viên chủ chốt, và phụ trách ngành Tiểu học lâu năm, PGS.TS. Chu Thị Thủy An cũng chia sẻ: Có thể nói, tiểu học là bậc có nhiều đổi mới nhất so với bậc THCS và THPT. Có nhiều mô hình giáo dục tiên tiến cũng được áp dụng, thí điểm cho bậc học này. Về cách thức đánh giá người học cũng đã được áp dụng ở tiểu học theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT. Vì thế, giáo viên tiểu học chính là đối tượng thường xuyên được tập huấn đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh, đã quen với việc tổ chức các hoạt động trong lớp. Trong đó có một số phương pháp, cách thức giáo dục tiệm cận với Chương trình GDPT mới. PGS.TS. Chu Thị Thủy An Điều này tạo nên tâm thế sẵn sàng đổi mới, tác phong “chuyên nghiệp” khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng này. “Tuy nhiên, lâu nay, các thầy cô mới nhìn thấy một số biểu hiện cụ thể của Chương trình GDPT mới qua thực tiễn dạy học. Trong 3 ngày bồi dưỡng vừa qua, giáo viên hiểu rõ bản chất vấn đề, quan điểm của chương trình, ví dụ như thế nào là dạy học lấy người học là trung tâm? Sửa những lỗi kỹ thuật của giáo viên trong quá trình dạy học, giải đáp vướng mắc cho giáo viên… “Giáo viên tiểu học rất tích cực, chủ động cho chương trình phổ thông mới. Chúng tôi cũng tự tin rằng qua đợt bồi dưỡng này, các thầy cô đã sẵn sàng, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đại trà ở địa phương”, PGS.TS. Chu Thị Thủy An cho biết. Hiệu quả từ sự hợp tác, cầu thị, trách nhiệm Đối tượng của đợt bồi dưỡng này là giáo viên tiểu học cốt cán bao gồm Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn ở các trường tiểu học của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Bản thân các giáo viên này đã nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm giảng dạy, xử lý tình huống sư phạm và tổ chức hoạt động dạy - học hiệu quả ở các trường và địa phương mình công tác. Giảng viên hướng dẫn và góp ý, chỉnh sửa sản phẩm của học viên lớp bồi dưỡng Theo đánh giá của các giảng viên, tinh thần của các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng rất tốt, đặc biệt là thái độ học tập rất nghiêm túc, cầu thị, say mê, trách nhiệm. Sự hợp tác với giảng viên đã làm làm nên sự thành công cho khóa bồi dưỡng. Cô Lê Thị Tuyết là Tổ trưởng chuyên môn lớp 4 - 5, Trường Tiểu học Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ: Trước khi tham gia bồi dưỡng bản thân cô và các đồng nghiệp vẫn đang lo lắng trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như: Lập kế hoạch dạy học như thế nào? Làm sao đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh trong thời lượng tiết học? Giáo viên tham gia bồi dưỡng có tinh thần làm việc nhóm cao, cầu thị, trách nhiệm Sau thời gian bồi dưỡng qua việc trả lời các câu hỏi, thực hiện nhiệm vụ giảng viên đưa ra, tự thiết kế bài giảng, lập kế hoạch dạy học cô Tuyết đã giải tỏa được nhiều lo lắng, áp lực. “Các giảng viên rất tận tình, tâm huyết, có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn cao, đây là điều khiến chúng tôi rất cảm ơn và thực sự xúc động. Vì thế, dù khối lượng kiến thức, kỹ năng trong 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp rất lớn, chúng tôi luôn cố gắng, thực hiện nhiệm vụ giảng viên đưa ra với sự tôn trọng, trách nhiệm và danh dự nghề nghiệp. Sau khi được bồi dưỡng, bản thân tôi thấy chương trình phổ thông mới đã khắc phục được những điểm còn hạn chế của chương trình trước đây. Nếu hiểu đúng bản chất chương trình, thực hiện phương pháp dạy học phù hợp thì học sinh sẽ được rất nhiều”, cô Tuyết cho biết. Trao đổi, chia sẻ ý kiến trong lớp bồi dưỡng Cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã có gần 30 năm trong nghề. Tuy nhiên, cô không hề ngại đổi mới và nhiệt tình tham gia lớp bồi dưỡng. Cô Bích Thủy cho hay: “Cái mới của đợt bồi dưỡng này so với những lần trước đó tôi từng tham gia là giáo viên được tập huấn trực tuyến trước. Tại đây, chúng tôi đã được cung cấp tài liệu, bài giảng để nghiên cứu, tìm hiểu. Sau đó, khi bước vào đợt bồi dưỡng tập trung, trực tiếp, những vấn đề không hiểu chúng tôi sẽ trao đổi, nhờ sự giúp đỡ của giảng viên”. Sau khi hoàn thành đợt bồi dưỡng, các giáo viên cốt cán sẽ tiếp tục thực hiện bồi dưỡng cho giáo viên đại trà tại trường và địa phương mình công tác Theo cô Bích Thủy, ngay cả sau khi kết thúc đợt bồi dưỡng, các giáo viên vẫn có thể tiếp tục trao đổi, chia sẻ lẫn nhau và với giảng viên qua email, mạng Internet, để việc bồi dưỡng là một quá trình thường xuyên, liên tục. Vì thế, đợt bồi dưỡng này đặc biệt bổ ích và ý nghĩa đối với giáo viên phổ thông. Trước đây, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những đơn vị của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN). Sau khi kết thúc thí điểm, những nhân tố tích cực của mô hình này vẫn được giáo viên nhà trường áp dụng. Các thầy cô cũng quen với việc tổ chức hoạt động lớp học. “Qua lần bồi dưỡng này, chúng tôi lại một lẫn nữa được trải nghiệm, tương tác, học tập. Một điều quan trọng khác là tại đây, chúng tôi được giao lưu với các giáo viên cốt cán khác ở các trường học khác, các huyện trong tỉnh và cả của tỉnh Hà Tĩnh. Qua đó, cùng chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn dạy học với nhau để cùng nâng cao năng lực chuyên môn. Đến thời điểm này, tôi và nhiều đồng nghiệp đã sẵn sàng và háo hức chờ đợi chương trình GDPT mới và thay SGK được triển khai”, cô Nguyễn Thị Bích Thủy (GV Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) khẳng định. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .