Chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh, dù phương án thi thay đổi, nhưng về thực hiện chương trình dạy học có những thuận lợi. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II theo hướng giảm tải. Sở GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo các trường căn cứ hướng dẫn giảm tải để tổ chức học tập qua internet, học qua truyền hình, cơ bản đã đáp ứng các bài học lý thuyết của nội dung chương trình dạy học. Song vẫn còn một bộ phận học sinh không tham gia học do điều kiện khó khăn. Số học sinh này ít nhiều sẽ tạo áp lực lên thầy cô giáo. Với đối tượng này, việc tập trung dạy học để hoàn thành chương trình sau khi các em trở lại trường sẽ chiếm khá nhiều thời gian, như vậy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quỹ thời gian ôn tập cho các em. “Về phía học sinh, sự thay đổi trong phương án thi, tuy có ảnh hưởng cho một số ít em học sinh, nhìn chung vẫn thuận lợi cho số đông. Nếu chúng ta dựa vào đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT sắp công bố để định hướng công tác dạy học và kiểm tra đánh giá đối với học sinh sau khi các em trở lại trường thi yêu cầu sẽ có phần được giảm nhẹ. Riêng, một số học sinh khá giỏi có nguyện vọng xét tuyển vào các trường tốp trên thì các em phải nỗ lực hơn một chút so với học sinh bình thường, có thể các em dành thời gian để tự học nhiều hơn” – ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ. Để tăng cường công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các trường THPT, theo ông Trần Tuấn Khanh, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT và các cơ sở GDTX thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ về việc điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020, tổ chức thực hiện nghiêm túc dạy học qua internet, hướng dẫn học qua truyền hình. Khi học sinh quay trở lại trường, giáo viên dành thời gian để hệ thống lại đầy đủ kiến thức, đồng thời tăng cường ôn tập, luyện tập và kiểm tra một cách chặt chẽ, đảm bảo đánh giá quá trình học tập chính xác, khách quan. Riêng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không tham gia học được qua internet, các trường tổ chức phụ đạo thêm để đảm bảo các em học sinh nắm vững kiến thức bài học, không bỏ lại phía sau bất kỳ một em nào do điều kiện hay hoàn cảnh khó khăn. Sở GD&ĐT cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động chuyên môn tại các trường THPT và cơ sở giáo dục. Cụ thể: kiểm tra thực hiện các nội dung bài học theo tinh thần giảm tải của Bộ GD&ĐT, kiểm tra việc thực hiện đánh giá học sinh cụ thể như kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ ứng với mỗi môn học theo quy định, công tác vận động học sinh trở lại trường, công tác hỗ trợ học sinh học tập... Cùng với đó, chỉ đạo làm tốt công tác vận động học sinh trở lại trường, phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên và các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường … tham gia (ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội,… ). Sớm ổn định nề nếp học tập ngay sau khi học sinh đi học trở lại. “Sở GD&ĐT sẽ thường xuyên cập nhật tình hình và chỉ đạo kịp thời công tác dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới của các trường; ngay cả khi học sinh không đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Yêu cầu các trường THPT và cơ sở GDTX căn cứ hướng dẫn điều chỉnh của Bộ mà chủ động trong việc thực hiện chương trình, đảm bảo giảng dạy đầy đủ nội dung kiến thức và yêu cầu kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành; không tùy tiện cắt xén chương trình cơ học, thiếu cơ sở khoa học; phân tích làm rõ yêu cầu và mức độ của đề thi tham khảo do Bộ ban hành. Hiện nay, học sinh lớp 12 đã trở lại trường, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch để bổ sung, hệ thống kiến thức còn hạn chế sau thời gian các em học qua internet và qua truyền hình; sau đó sẽ tiến hành giảng dạy các nội dung còn lại của chương trình học kỳ II, đồng thời có thể tiếp tục áp dụng dạy học qua internet để ôn tập cho học sinh” – ông Trần Tuấn Khanh cho hay. Kiến thức và kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông là nền tảng để các em tiếp tục học ở bậc học cao hơn, tham gia học nghề hoặc ngay cả khi tham gia ngày vào thị trường lao động, sau đó học tiếp khi có điều kiện. Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .