Chùa Hương trước ngày khai hội: "Cò đò" hét giá cao hơn 200% Thứ Sáu, ngày 01/02/2019 16:00 PM (GMT+7) "Cò đò" ngang nhiên hoạt động tại Chùa Hương trong khi cơ quan quản lý vẫn "bó tay". Nhóm "cò đò" ngang nhiên hoạt động tại bến đò Chùa Hương Ngày mùng 6 tháng Giêng mới chính thức khai hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), nhưng ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhiều du khách thập phương đã hành hương về đất phật để chiêm bái và cầu an. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Thanh Toản (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 4 người trong đó có 2 trẻ nhỏ, khi vừa tới Hương Sơn đã có “cò” đò bám theo xe vỗ vào cửa kính. “Lần trước đi theo đoàn đông người nên mình cũng không để ý giá vé tham quan như thế nào. Lần này lại dẫn theo vợ con nên cũng khá lúng túng. Gặp người tỏ ý giúp đỡ nên cũng thuận đi theo. Nào ngờ khi xuống xe, họ báo giá 1,5 triệu đồng trọn gói cả vé thắng cảnh lẫn đò thuyền. Mặc cả một hồi mới hạ xuống giá “hữu nghị” là 1,2 triệu đồng”, anh Toản cho hay. Với mức giá “hữu nghị” trên, gia đình anh Toản được đưa xuống chiếc thuyền gắn động cơ, có mái che. “Tuy nhiên sau khi ra khỏi Đền Trình, nhà đò bảo động cơ bị hết điện nên chuyển nhà tôi sang một đò khác nhỏ hơn không có mái che. Dọc đường đi chúng tôi mới để ý giá niêm yết cả vé đò lẫn thắng cảnh là 130 nghìn đồng/ người, trẻ nhỏ dưới 1,1m được miễn phí. Vậy nếu tính đúng giá, cả nhà tôi chỉ mất gần 400 nghìn đồng”. Cận Tết, nhiều du khách thập phương đã về chùa Hương để chiêm bái, cầu an Theo chị N.T.L, người chèo đò tại suối Yến, không phải ai muốn làm cò cũng được. “Dân cò phải là những người máu mặt có quan hệ, chả biết sợ ai. Họ hét giá tiền với khách mà mặt cứ lạnh băng”. Chị L nói và cho hay: “Không biết cò lấy khách bao nhiêu tiền, chúng tôi chỉ biết chở thuê và được trả mỗi chuyến 200 nghìn đồng cả vào lẫn ra”. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách ban quản lý khu di tích & thắng cảnh Hương Sơn, thừa nhận: Tình trạng cò mồi chèo kéo khách đi đò tái diễn nhiều năm nhưng rất khó xử lý. “Nếu phát hiện tình trạng chèo kéo khách, chặt chém giá cả sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp công an đã làm việc nhưng không quy được tội bởi họ đưa ra bằng chứng đó là giá thỏa thuận với khách”, ông Hiển lý giải. Cũng theo vị Phó Trưởng ban, tình trạng cò mồi khách đi đò sẽ khó có thể chấm dứt khi để người dân địa phương tự chèo đò, mạnh ai người nấy mời như hiện nay. “Nếu Chùa Hương được quy hoạch giao vấn đề vận chuyển hành khách cho một hợp tác xã hoặc một doanh nghiệp như Tràng An thì mọi chuyện sẽ được giải tỏa”, ông Hiển nói. Các hộ kinh doanh đang tất bật dọn dẹp mở lại hàng quán phục vụ du khách tới Chùa Hương khai hội. Được biết, tùy từng vị trí khác nhau, người dân phải bỏ từ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng để "thầu" chỗ bán hàng dọc đường từ suối Yến tới động Hương Tích Về công tác chuẩn bị cho Lễ hội Chùa Hương 2019, ông Hiển cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản đã hoàn tất. Dự kiến lượng khách đổ về Chùa Hương năm nay sẽ lên tới hơn 1,5 triệu khách. Chính quyền địa phương cũng đã huy động hơn 4000 đò thuyền để phục vụ khách tham quan. “Quan trọng nhất là phải tập trung lực lượng vào vấn đề giám sát quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…để hạn chế bất cập xảy ra trong dịp cao điểm của Lễ hội”, ông Hiển nói. Dù mới khai hội chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) nhưng tình trạng đò hoạt động lộn xộn, mất ATGT, chèo kéo... Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .