Thách thức từ thực tế Vân Hồ là một huyện vùng khó của tỉnh Sơn La. Những điều kiện thực tế của ngành Giáo dục trước khi bước vào triển khai CTGDPT mới còn nhiều khó khăn, bất cập phải tháo gỡ. Ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ cho biết: Đa số các trường học đóng trên địa bàn các xã vùng III đặc biệt khó khăn (10/14 xã đặc biệt khó khăn). Khoảng cách của nhiều điểm trường phụ đến điểm trường trung tâm còn xa (khoảng từ 15 - 20 km); địa hình cách trở, giao thông đi lại rất khó khăn. Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các đơn vị trường học tuy đã được đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay toàn ngành có 865 phòng học, trong đó có 528 phòng học kiên cố, 224 phòng học bán kiên cố, 97 phòng học tạm và 16 phòng học nhờ, đa số nhà trường còn thiếu phòng thí nghiệm, thiết bị và thư viện… Ông Phan Hữu Huyện - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù được sự quan tâm đầu tư nhiều nhưng do xuất phát điểm thấp nên đến nay cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là các đơn vị vùng núi chỉ mới đáp ứng cho dạy học một buổi; một số đơn vị vẫn còn phòng học mượn, phòng học tạm... Tỉ lệ học sinh bán trú của tỉnh cũng còn thấp, hiện chỉ có hơn 23% học sinh bán trú. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất phục vụ lớp bán trú chưa đáp ứng được; nguồn đầu tư kinh phí từ ngân sách để xây dựng phòng học, nhà bếp, nhà ăn cho học sinh còn hạn hẹp. Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ (Hà Giang) chia sẻ: Vấn đề cần giải quyết cấp bách khi thực hiện CTGDPT mới tại huyện Quản Bạ không chỉ là giải “bài toán” số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên mà quan trọng không kém là cơ sở vật trường lớp để bảo đảm cho dạy và học. Hiện nay, toàn huyện Quản Bạ có 43 cơ sở giáo dục (trong đó có 13 trường mầm non; 13 trường cấp TH; 14 trường cấp THCS; 2 trường THPT và 1 trung tâm GDNN - GDTX), trong đó có 15 trường học đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất trường, lớp học đang được chú trọng đầu tư tăng cường theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bất cập. Một số công trình trường học xuống cấp trầm trọng. Ông Thành khẳng định: Để thực hiện được CTGDPT mới, cần phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông; bảo đảm hơn nữa về trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh minh họa/ INT Linh hoạt tháo gỡ Tại Quảng Trị, để chuẩn bị “nền móng” vững chắc cho những điều kiện về cơ sở vật chất triển khai CTGDPT mới, ngành GD-ĐT đã sớm tham mưu cho Tỉnh ủy; UBND, ban hành những chỉ thị, nghị quyết, đề án; thành lập Ban chỉ đạo… để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện đổi mới CT, SGK phổ thông; phát triển GD-ĐT tỉnh Quảng Trị trong các giai đoạn, đưa ra tầm nhìn GD. Theo đó quy mô mạng lưới trường học được quy hoạch lại theo hướng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển GD-ĐT, nâng cao tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học trên lớp, chuẩn hóa đội ngũ… Trách nhiệm của chính quyền địa phương được đề cao hơn, UBND các huyện (TX, TP) có nhiệm vụ đầu tư về CSVC, bổ sung đội ngũ giáo viên; Công tác xã hội hóa giáo dục ở các địa phương tiếp tục được đẩy mạnh… Để bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất cho CTGDPT mới, ngành GD-ĐT huyện Quản Bạ (Hà Giang) cũng tham mưu cho UBND huyện ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà lưu trú cho học sinh theo các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, kiên cố hóa trường, lớp học và các nguồn vốn khác. Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ cho biết: Ngành GD-ĐT tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình phục vụ thiết thực cho công tác dạy và học. Cụ thể như, hệ thống thư viện phong phú, thư viện xanh ngoài trời, thư viện di động, thư viện góc lớp, thư viện khu bán trú… rèn kỹ năng đọc, viết tiếng Việt cho học sinh. Nâng cao chất lượng góc văn hóa truyền thống để giáo dục học sinh tìm hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc. Xây dựng lò đốt rác để thu gom xử lý rác thải, giáo dục cho học sinh kỹ năng sống, ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường học tập xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt các nhà trường còn tăng cường phối hợp với Ban chấp hành Quân sự huyện, đồn biên phòng đóng trên địa bàn để rèn học sinh về công tác nội vụ theo mô hình quân đội. Với ngành GD-ĐT Lập Thạch (Vĩnh Phúc), việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho CTGDPT mới cũng được tiến hành bài bản và kĩ càng. Ngành GD-ĐT đã tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp học. Đồng thời các nhà trường thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyền truyền, xã hội hóa giáo dục, vận động mọi nguồn lực trong việc mua sắm tu bổ cơ sở vật chất, xây dựng môi trường cảnh quan sư phạm nhà trường. Việc tăng cường huy động các nguồn lực “xã hội hóa” đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục, khuyến khích việc mở các nhóm trẻ độc lập tư thục, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân cũng được ngành GD-ĐT quan tâm chú trọng... - Ông Đỗ Đức Quang - Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch (Vĩnh Phúc) Đức Trí Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .