Chủ tịch Kim Jong Un bước từ tàu hỏa xuống ga Đồng Đăng vào sáng 26-2 - Ảnh: QUANG MINH Lúc ông Kim Jong Un bước xuống ga Đồng Đăng mới tin Lúc 12h50 ngày 2-3, chuyến tàu chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un rời ga Đồng Đăng, nhiều cán bộ, nhân viên đường sắt mới tin mình đã hoàn tất công việc. Nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ Online khi đang trên đường từ Đồng Đăng về Hà Nội sau khi tiễn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, ông Phan Quốc Anh - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN - cho biết: "Chỉ đến khi đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong Un đến ga Bằng Tường (Trung Quốc) thì chúng tôi mới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ vì đoàn tàu đặc biệt này đã qua cung đường sắt biên giới Việt – Trung an toàn". Là người chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện phương án đón Chủ tịch Kim Jong Un đến Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 bằng đường sắt, ông Phan Quốc Anh cho biết: "Tối 19-2, Bộ Ngoại giao mới thông báo chúng tôi phối hợp lên phương án đón Chủ tịch Triều Tiên bằng tàu hỏa, trong khi ngày 27-2 đã bắt đầu hội nghị". Hai chiếc Mercedes-Benz S600 Pullman Guard được chuẩn bị để chở Chủ tịch Kim Jong Un rời ga Đồng Đăng về Hà Nội - Ảnh NHẬT NAM Chỉ đến khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un bước từ tàu hỏa xuống ga Đồng Đăng, những người làm công tác phục vụ của đường sắt mới biết phương án đi tàu hỏa đã được lựa chọn.. Vì vậy, sáng 20-2, đoàn công tác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng Vụ Quan hệ quốc tế của Văn phòng Chính phủ và Bộ Ngoại giao khẩn trương tới ga Đồng Đăng để phối hợp với phía Triều Tiên và đường sắt Trung Quốc khảo sát thực địa, lên phương án đón Chủ tịch Kim Jong Un tới Hà Nội bằng tàu hỏa. "Chúng tôi đã cùng đoàn Triều Tiên đi khảo sát toàn tuyến đường sắt từ Đồng Đăng đến Hà Nội dài hơn 167km. Sau đó, hai bên đối chiếu thông số, kết quả khảo sát của mình để cùng đánh giá, trao đổi cụ thể những yêu cầu, công tác phối hợp giữa đường sắt Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc. Ngoài kỹ thuật, các bạn Triều Tiên nêu nhiều phương án đảm bảo an ninh để mình chuẩn bị rồi họ chọn phương án cuối cùng được cho là phù hợp nhất"- ông Quốc Anh cho biết. Đoàn tàu chở Chủ tịch Kim Jong Un đỗ tại ga Đồng Đăng vào sáng 26-2 - Ảnh: NGUYÊN KHA Theo ông Quốc Anh, đường sắt chỉ là một trong những phương án để phía Triều Tiên lựa chọn. "Đến phút cuối, Bộ Ngoại giao cũng nói dù tàu có sang hay không, tàu sang mà không có Chủ tịch Kim Jong Un thì mình vẫn phải chuẩn bị. Đến sáng 26-2, khi ông Võ Văn Thưởng - trưởng Ban Tuyên giáo trung ương và ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lên ga Đồng Đăng, chúng tôi vẫn còn chưa biết chắc ông Kim đi tàu đến hay không. Cầu dẫn để xe Mercedes-Benz S600 Pullman Guard chở Chủ tịch Kim Jong Un lên xuống tàu cũng do phía Triều Tiên thiết kế, giám sát việc chế tạo - Ảnh: NHẬT NAM Vì sao tàu chở Chủ tịch Kim Jong Un không đi thẳng tới Hà Nội Theo ông Quốc Anh, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài hơn 167km. Trong đó, đoạn từ ga Gia Lâm (Hà Nội) tới ga Đồng Đăng là tuyến đường lồng để chạy tàu khổ 1m lẫn tàu khổ 1,435m. Do đó, đoàn tàu chuyên dụng phục vụ Chủ tịch Triều Tiên có khổ 1,435m hoàn toàn có thể chạy tới ga Gia Lâm được. Đường sắt từ ga Đồng Đăng về ga Gia Lâm (Hà Nội) là đường "lồng" cho cả tàu khổ 1,435m lẫn tàu khổ 1m nên hoàn toàn đáp ứng được việc đoàn tàu chở ông Kim Jong Un về tận ga Gia Lâm - Ảnh VIỆT DŨNG Tuy nhiên, các ga Gia Lâm, Yên Viên lại có mặt bằng chật hẹp, đường vào không thuận tiện để đảm bảo thực hiện tốt nghi lễ đón tiếp khách nguyên thủ trang trọng với đông người tham dự. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các đường tàu trong sân ga không đảm bảo để lắp đặt cầu dẫn phục vụ ông Kim Jong Un và xe phục vụ lên xuống. Vì vậy, ga Đồng Đăng được lựa chọn là nơi đón tiếp. Với việc tổ chức đón tiếp Chủ tịch Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng, phía Triều Tiên đưa ra nhiều kịch bản như: ông Kim Jong Un và xe phục vụ, thiết bị lên xuống thế nào, thứ tự lên xuống ra sao... Đoàn tàu phục vụ Chủ tịch Kim Jong Un đỗ tại ga Đồng Đăng vào trưa 2-3 - Ảnh: NHẬT NAM "Phía ta với cán bộ kỹ thuật của đường sắt Triều Tiên, Trung Quốc phối hợp nhịp nhàng để thực hiện trong thời gian rất ngắn. Bạn yêu cầu chính xác đến từng xăngtimét về vị trí đón khách, khớp nối cầu dẫn với cửa toa tàu, lối ra ga. Quá trình đó thực hiện chuẩn xác về thời gian, đảm bảo về nghi thức lẫn an toàn. Ngay cả cầu dẫn lên tàu, phía Triều Tiên cũng đưa ra thiết kế với đòi hỏi rất cao. Họ lo lắng nhất là khâu này nên trên cơ sở phương thức tác nghiệp phục vụ tàu tại ga Đồng Đăng, mình phải trao đổi kỹ để cùng thực hiện. Đến khi đón suôn sẻ Chủ tịch Kim Jong Un vào sáng 26-2, các bạn Triều Tiên rất hài lòng, vui mừng" - ông Quốc Anh kể lại. Hai chiếc Mercedes-Benz S600 Pullman Guard chở Chủ tịch Kim Jong Un được đưa lên tàu tại ga Đồng Đăng trưa 2-3 - video: NHẬT NAM Về việc hòn non bộ trước cửa ga Đồng Đăng bị đập bỏ, ông Quốc Anh cho biết là do phía Việt Nam chủ động thực hiện nhằm khi xe Chủ tịch Kim Jong Un tiếp cận cửa nhà ga không bị vướng chứ không phải họ yêu cầu. "Bạn đòi hỏi rất cao nhưng cũng rất tôn trọng mình" - ông Quốc Anh cho biết. Người dân Việt Nam vẫy chào khi đoàn tàu chở Chủ tịch Kim Jong Un rời ga Đồng Đăng vào 12h50 ngày 2-3 - Ảnh: NGUYÊN KHA Vì sao tàu không lưu lại ga Đồng Đăng? Theo ông Phạm Đức Khái - trưởng ga Đồng Đăng, qua khảo sát, phía Triều Tiên yêu cầu phải bố trí 2 cầu dẫn từ sân ga lên tàu. Một cầu để Chủ tịch Kim Jong Un xuống, một cầu để ôtô từ tàu xuống. Hai cầu này phải ở 2 vị trí khác nhau trong khi kết cấu của nhà ga không phù hợp để tàu đỗ một lần chuẩn vị trí 2 cầu. Vì vậy tàu phải dừng 2 lần: lần đầu cửa toa xe chở ôtô đỗ khớp với cầu dẫn để đưa xe xuống. Sau đó, tàu tiến lên 19m để khớp vị trí cửa toa Chủ tịch Kim Jong Un xuống đúng cầu dẫn. Tất cả các yêu cầu đó phải đáp ứng chính xác đến từng xăng ti mét. Để chuẩn bị đón đoàn tàu chở Chủ tịch Kim Jong Un, ngành đường sắt đã huy động trực tiếp khoảng 160 cán bộ, nhân viên. Ngoài ra còn có lực lượng túc trực ứng cứu, cứu viện cơ động khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam điều một xe cẩu 50 tấn chạy trên đường sắt từ Hà Nội lên Đồng Đăng và huy động cẩu đường bộ để sẵn sàng ứng phó khi trường hợp xấu nhất theo đề nghị của phía Triều Tiên. "Hơn 10 ngày qua, không chỉ có cán bộ, công nhân viên ga Đồng Đăng mà tất cả lãnh đạo cao nhất của ngành đường sắt, chuyên gia đường sắt đều thường trực để chỉ huy tại chỗ sao cho đón và tiễn Chủ tịch Kim Jong Un thuận lợi và an toàn nhất. Rất vui mừng, đến thời điểm này mọi công việc đã thành công tốt đẹp" – ông Khái nói Cầu dẫn lên tàu khi Chủ tịch Kim Jong Un rời ga Đồng Đăng có thảm đỏ, được trang trí vải trắng và xanh ở lan can thay vì màu đỏ hoàn toàn như hôm 26-2 - Ảnh: NHẬT NAM Dù ga Đồng Đăng đảm bảo để tàu đỗ lại nhưng phía Triều Tiên cũng thống nhất với phía Trung Quốc đưa tàu về ga Bằng Tường để họ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ. Sau đó, tàu trở lại ga Đồng Đăng đón ông Kim Jong Un vào ngày 2-3. Liên quan đến việc cầu dẫn để Chủ tịch Kim Jong Un lên tàu rời ga Đồng Đăng ngày 2-3 được trang trí vải màu trắng và xanh ở lan can thay vì màu đỏ như hôm 26-2, ông Khái cho biết việc này do UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định với ý nghĩa màu xanh là màu của hòa bình, Việt Nam luôn mong muốn và yêu chuộng hòa bình. Theo ông Phan Quốc Anh- phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - vào năm 1958 và 1964, Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành đến thăm Việt Nam chỉ đi tàu đến Trung Quốc rồi đi máy bay đến Hà Nội do lúc đó nước ta đang có chiến tranh, đi đường sắt trên đất Việt Nam không an toàn. Vì vậy, Chủ tịch Kim Jong Un đi tàu hỏa đến Đồng Đăng là sự kiện đánh dấu lần lần đầu tiên một đoàn tàu nước ngoài đưa nguyên thủ quốc gia của họ đến Việt Nam bằng đường sắt. Ông Khuất Minh Trí, nguyên chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam, cho biết trong lịch sử đường sắt Việt Nam không ghi nhận việc Thủ tướng Kim Nhật Thành đến thăm Việt Nam bằng tàu hỏa. Một số thông tin cho biết, ông Kim Nhật Thành đi tàu từ Triều Tiên tới Trung Quốc rồi đi máy bay đến sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .