Công ty Thiết kế web

Chuyện buồn ở “tâm bão” HIV

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi inlichtetviet, 29/12/18.

  1. inlichtetviet

    inlichtetviet New Member

    Chuyện buồn ở “tâm bão” HIV
    Thứ Bảy, ngày 29/12/2018 00:30 AM (GMT+7)

    Huyện Quế Phong từ lâu nay luôn là “điểm nóng” về ma túy không chỉ của Nghệ An, khi đã có không ít vụ việc, thậm chí kể cả đấu súng với tội phạm trong lĩnh vực này xảy ra. Hệ lụy từ “nàng tiên nâu” bủa vây dai dẳng, đặc biệt là tình trạng người nhiễm HIV tăng cao theo từng năm đã đặt huyện biên giới của miền Tây xứ Nghệ này vào tình trạng “báo động”.


    Cùng với huyện Kỳ Sơn ở mạn Tây Nam, huyện Quế Phong ở phía Tây Bắc đã tạo thành một cánh cung, ôm trọn biên giới miền Tây của tỉnh Nghệ An giáp với nước bạn Lào. Đây là một lợi thế không hề nhỏ để giao thương, phát triển kinh tế và tăng cường mối giao hảo giữa nhân dân của hai nước sinh sống dọc biên giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự (ANTT). Cơn lốc ma túy từ các đối tượng bên Lào tràn vào huyện nghèo này khiến nhiều người dân vướng vào nghiện ngập. Tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn khiến tỉ lệ nhiễm HIV ở đây tăng cao.

    Theo thống kê mới nhất, toàn huyện Quế Phong hiện có xấp xỉ 2.000 người nhiễm HIV. Đây thực sự là con số đáng báo động và thực tế số lượng người nghiện trên địa bàn đang biến động từng ngày.

    [​IMG]

    Bản Tạng - nơi có 5 người chết và 20 người nhiễm HIV.

    Điểm “nóng” HIV ở huyện biên giới

    “Bão” ma túy tràn vào, càn quét huyện nghèo này trong suốt hơn 20 năm qua không chỉ khiến nhiều gia đình, nhiều phận người mà có cả những bản làng nơi đây đã thực sự “ngã gục” vì ma túy và HIV/AIDS. Bản Tạng (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) là một điển hình về sự tàn phá của “cái chết trắng” ở miền biên viễn này. “Tại bản đã có 5 trường hợp qua đời vì nhiễm HIV.

    Trường hợp đáng thương nhất là em Lô Thị H. (SN 2000) vừa qua đời tuần trước” - đó là câu nói trầm buồn của ông Vi Văn Tiến - Trưởng bản Tạng - mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi nói về căn bệnh thế kỷ tại địa phương.

    Vì nhà nghèo, H. phải bỏ dở việc học khi vừa lên lớp 4 để ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà. Thương bố mẹ vất vả, thấy 2 em có nguy cơ không được đi học giống chị, tuổi mới 13, H. đã quyết định đi làm thuê. Thân gái bơ vơ, một mình nơi “đất khách quê người” đã khiến em sa ngã vào tệ nạn xã hội, mại dâm. 2 tháng trước, H. trở về nhà trong tình trạng sức khỏe yếu, người gầy gò, thường xuyên buồn nôn, táo bón. Gia đình đưa em đi khám và phát hiện em bị nhiễm HIV, đã chuyển qua AIDS. Cô gái trẻ ra đi khi tuổi xuân xanh trong sự bàng hoàng, thương tiếc của người thân, hàng xóm.

    Theo chân trưởng bản, chúng tôi ghé thăm mái nhà tranh xập xệ ven đường, đó là nơi ở của mấy mẹ con chị Lô Thị L. (44 tuổi). Hơn 6 năm về trước, chị L. cùng chồng sử dụng và buôn bán ma túy, cùng bị đi tù. Ngày được trả tự do trở về nhà, chồng chị đã bỏ đi. Một mình nuôi 3 con nhỏ, không vượt qua được cám dỗ, chị này tiếp tục tìm đến ma túy và tái nghiện, không đủ tiền dùng ma túy nên đã dùng chung kim tiêm với nhiều người.

    Hệ quả tất yếu là chị L. bị nhiễm căn bệnh “H”. Nhiều năm qua, cuộc sống của 4 mẹ con chị L. cứ thế lay lắt qua ngày, trong lều tranh dột nát, bốc đủ thứ mùi xú uế, nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá.

    Trưởng bản Vi Văn Tiến cung cấp thêm: Bản Tạng hiện có 182 hộ dân, 763 nhân khẩu. Theo hồ sơ quản lý, tại bản đã có 5 người chết vì HIV/AIDS và 20 người nhiễm HIV, hiện đang điều trị tại địa phương. Các trường hợp nhiễm “H” thường nằm trong độ tuổi 17-45, đa số do nghiện ma túy, trong đó có 2 trường hợp vợ bị lây từ chồng.

    Thống kê cho thấy, Quế Phong là huyện miền núi biên giới với tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, con số này tăng lên một cách chóng mặt với diễn biến rất phức tạp. Cụ thể, số liệu mới nhất của Trung tâm y tế Quế Phong, tổng lũy tích nhiễm HIV tính từ ca đầu tiên cho đến nay đang có xu hướng tăng mạnh theo từng năm.

    Nếu như vào năm 2009, toàn huyện mới phát hiện có 127 người nhiễm thì đến tháng 11-2018, con số lên tới 1.914 người nhiễm. Trong đó, hiện đang có mặt và điều trị tại địa phương gồm 1.113 người, đã tử vong 620 người, còn sống nhưng đi làm ăn xa hoặc chuyển đi nơi khác 174 người. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện có 106 người phát hiện nhiễm HIV, trung bình mỗi tháng 7-8 trường hợp mới được phát hiện.


    Công an huyện Quế Phong phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức ra quân tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS trên địa bàn.

    Một số địa phương có tỉ lệ người nhiễm HIV cao là xã Tiền Phong với 541 người nhiễm HIV, đến nay đã tử vong 170 người; xã Mường Nọc có 368 người nhiễm HIV, đã tử vong 148 người; xã Châu Kim có 201 trường hợp, xã Đồng Văn 146 trường hợp, xã Quế Sơn có 153 trường hợp, xã Cắm Muộn 133 trường hợp, xã Quang Phong 108 trường hợp... Đó là chưa kể một bộ phận không nhỏ đang có nguy cơ cao, đã bị nhưng còn giấu bệnh không đi xét nghiệm hoặc chưa phát hiện ra bệnh.

    Gian nan cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS

    Trung tá Vi Văn Quang - Đội trưởng Đội hình sự kinh tế, ma túy và môi trường Công an huyện Quế Phong cho biết: Mặc dù thời gian qua, Công an huyện Quế Phong đã tích cực, chủ động phối hợp với nhiều cơ quan ban ngành, tập trung đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa sự phát triển, lây lan của căn bệnh này nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, vấn nạn người nhiễm HIV vẫn gia tăng theo từng năm.

    Theo Trung tá Quang, Quế Phong là huyện biên giới, niềm núi, trên 80% là đồng bào các dân tộc thiểu số, dân trí thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, trong khi tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp là những rào cản dẫn đến công tác tuyên truyền, phòng chống sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS gặp khó khăn.

    Điều đáng báo động nhất là tính hợp tác của bản thân những người nhiễm “H” và trách nhiệm của họ. Họ thường coi nhẹ bệnh, có những người điều trị một thời gian thấy sức khỏe ổn định hơn sẽ không tuân thủ đều đặn theo quy định của cán bộ y tế, giờ giấc đi làm, uống thuốc không đều, rượu chè,... dẫn đến tỉ lệ thành công trong điều trị cũng không đạt như ý muốn, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng dân cư lại càng cao. Bên cạnh đó, việc triển khai cung cấp bơm kim tiêm còn chưa đạt hiệu quả, nhu cầu dùng kim tiêm sạch rất cần thiết, dù được phát miễn phí nhưng không ai đến nhận vì sợ bị công an phát hiện bắt giữ. Trong khi, chương trình phân phát bao cao su thời điểm này đang xảy ra tình trạng “cung không đủ cầu”.

    Công an huyện Quế Phong đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đưa những đối tượng chích hút ma túy đi cai nghiện, tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong các nhà tạm giam, tạm giữ; chỉ đạo sát sao điều tra, triệt phá các tụ điểm sỉ lẻ các loại ma túy. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, Công an huyện Quế Phong đã truy quét, bắt thành công nhiều đường dây buôn bán ma túy lớn.

    Để “chống” đi đôi với “phòng”, công an địa phương liên kết với trung tâm y tế huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong trường học, thôn bản, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt phòng chống “H”, phát động các cuộc thi về phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, đối với những người nhiễm căn bệnh này, Cơ quan công an cũng thường xuyên trực tiếp động viên, khuyến khích họ uống thuốc ARV đều đặn, tích cực sử dụng các biện pháp phòng ngừa, tránh lây lan cho người thân và những người xung quanh.

    Thậm chí, nhiều người nhờ sự động viên, khích lệ kịp thời của lực lượng công an, đã từ chỗ tuyệt vọng, bi quan chán nản, mạnh mẽ đứng lên để trở thành những đồng đẳng viên, tích cực đi tuyên truyền mọi người tác hại của ma túy, HIV để tránh xa căn bệnh quái ác này.

    Một trong những người như vậy là trường hợp của chị Lô Thị N. (36 tuổi, trú tại bản Tạng). Hơn 7 năm trước, chị N. bị lây nhiễm HIV từ chồng. Khi chồng mất chưa lâu vì căn bệnh HIV, thấy sức khỏe yếu, chị đi khám thì trời đất như sụp xuống dưới chân khi cầm trên tay tờ giấy kết luận bản thân dương tính với “H”.

    Suy sụp hoàn toàn, đã không ít lần chị N. có ý định tìm đến cái chết nhưng rồi nhìn cô con gái nhỏ may mắn không bị nhiễm bệnh, chị lại không đành. Bằng nghị lực của một người mẹ, chị N. tập cho mình tư tưởng thoải mái, lạc quan để sống chung với bệnh tật. Chị chủ động đến cơ sở lấy thuốc ARV hằng tháng, uống đều đặn mỗi ngày, nhờ vậy mà đến nay sức khỏe chị luôn ổn định.

    Cũng chính trong thời gian này, chị được tiếp xúc với nhiều người đồng cảnh nhưng không có tinh thần “thép” như chị. Họ sống mặc cảm, bi quan, không ít người nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết bằng cách tự tử.


    Một gia đình lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì HIV/AIDS tại Quế Phong.

    Với tâm nguyện giúp những người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận, chị N. đã tiên phong, trở thành người tuyên truyền viên tự nguyện đầu tiên của bản Tạng. Chị bắt đầu dành thời gian đến từng nhà có người nhiễm “H” động viên họ dùng thuốc, giải thích cho họ hiểu về căn bệnh đang mang. Không chỉ dừng lại ở đó, những lúc rảnh rỗi, chị N. thường đi quanh bản làng để nhặt những ống kim tiêm vứt bừa bãi, gom lại đốt rồi đào hố chôn lấp để phân hủy, giữ môi trường xanh sạch cho địa phương.

    Ông Lang Văn Thái - Giám đốc Trung tâm y tế Quế Phong cho biết: Ca nhiễm đầu tiên tại huyện Quế Phong được phát hiện từ năm 1999. Về sau, địa bàn có nhiều dự án đầu tư như thủy điện, khai thác vàng... khiến người tứ xứ đổ về, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, điển hình là ma túy. Tiêm chích chung bơm kim tiêm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiễm HIV tăng nhanh.

    Bên cạnh đó, đời sống kinh tế và trình độ học vấn của người dân thấp nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa lọc, dụ dỗ. “Dù các ban ngành địa phương đã phối hợp phòng, chống “H” quyết liệt tại Quế Phong, song vấn đề này vẫn đang diễn biến rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn.

    Trong 2 năm trở lại đây, lây nhiễm từ tiêm chích ma túy đã giảm đáng kể. Thay vào đó, tình trạng quan hệ tình dục không an toàn ngày càng tăng dẫn đến xu hướng lây nhiễm “H” tăng cao, điều này rất đáng lo ngại khi con đường lây nhiễm HIV từ chồng sang vợ ngày càng nhiều”, ông Sầm Văn Lâm - Thư ký chương trình phòng chống ma túy, HIV/AIDS huyện Quế Phong cho biết thêm.

    Người nghiện nhiều, nhiễm HIV lớn nhưng công tác điều trị và chữa bệnh gặp khó khăn vì có một số người thường coi nhẹ chuyện chữa trị dẫn đến tỉ lệ thành công không đạt như ý muốn, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng dân cư lại càng cao.

    Hằng năm, Trung tâm y tế huyện Quế Phong phối hợp với nhiều tổ chức, áp dụng các phương pháp khoa học tiên tiến để xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm. Thậm chí, tổ chức nhiều đợt xét nghiệm lưu động tại các thôn bản có tỷ lệ HIV/AIDS cao, tư vấn và lập hồ sơ ngay với các trường hợp nhiễm “H”.

    Những nỗ lực nói trên của Công an huyện Quế Phong nói riêng và các lực lượng chức năng liên quan khác nói chung mặc dù chưa đẩy lùi được sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này ở huyện biên giới của miền Tây Bắc xứ Nghệ, song đã phần nào giúp một bộ phận quần chúng nhân dân hiểu ra tác hại của ma túy, HIV/AIDS. Từ đó, nâng cao nhận thức đối với các biện pháp phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn này ở nơi từ trước đến nay được ví là “tâm bão” HIV của miền Tây xứ Nghệ.

    Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An phát hiện 9.594 trường hợp nhiễm HIV; 5.864 trường hợp nhiễm HIV chuyển sang AIDS; 3.993 trường hợp tử vong do AIDS. Tỉ lệ nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy chiếm 81,9% trong tổng số người nhiễm.

    [​IMG]


    Nhiều người dân ở xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ không hề biết mình nhiễm HIV, đây là một thực tế vô cùng báo động...


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này