Công an chỉ ra 4 lý do cần có cơ sở dữ liệu quốc gia Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM) vừa cho biết hiện nay, để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực thì các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Vậy nên nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau. Chẳng hạn như: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ... Hiện nay, công dân đang sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau. Ảnh: H.KIM Theo PC06, với số lượng giấy tờ nêu trên, các cơ quan nhà nước phải thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tập hợp các văn bản lưu trữ và cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ hoạt động của ngành, lĩnh vực. Trên thực tế, nhiều cơ quan đã ứng dụng công nghệ thông tin để khắc phục những bất cập trong quản lý thông tin bằng tài liệu giấy, hướng tới việc xây dựng CSDL nhằm điện tử hóa các thông tin. Cụ thể: CSDL căn cước công dân, CSDL về hộ chiếu điện tử (Bộ Công an), CSDL về đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), CSDL về người nộp thuế (Bộ Tài chính), CSDL về giấy phép lái xe (Bộ Giao thông vận tải), CSDL quốc gia về đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường), CSDL nhà ở (Bộ Xây dựng), CSDL về bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), CSDL quốc gia về lý lịch tư pháp, CSDL quốc gia về quốc tịch (Bộ Tư pháp)… Với nhiều giấy tờ của công dân khiến công tác lưu trữ ở từng ngành, lĩnh vực gặp khó. Ảnh: H.KIM Đại diện PC06 nhìn nhận, với cách thức như hiện nay thì việc quản lý dân cư ở nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó có thể kể đến bốn vấn đề sau: 1. Tốn hàng ngàn tỉ đồng để giao dịch bằng giấy Với quy mô dân số lên tới trên 90 triệu dân, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hàng năm ở nước ta trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Trong đó, phần lớn thủ tục hành chính đều đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực. Việc này đã tạo nên chi phí hành chính lên tới hàng nghìn tỉ đồng/năm cho các cá nhân tham gia vào giao dịch. Mỗi ngày, có khoảng 600.000 giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính. Ảnh: H.KIM 2. Trùng thông tin cá nhân Có nhiều trường hợp thông tin trong các giấy tờ tùy thân có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch...). Vì vậy, khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau. Trong khi đó, khi tham gia các giao dịch, công dân lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình. 3. Các CSDL chưa kết nối gây lãng phí tài chính Việc nghiên cứu, xây dựng các CSDL mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các CSDL. Do đó, không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các CSDL. Việc này đã gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (mở rộng CSDL) và lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau. 4. Đầu tư tốn kém cho mỗi lần cần thông tin tổng thể Với việc chia cắt quản lý thông tin như hiện nay, mỗi ngành, lĩnh vực chỉ quản lý trong phạm vi của mình. Thế nên, khi cần thông tin tổng thể về dân cư, nhà nước phải đầu tư chi phí lớn vào các cuộc tổng điều tra, gây tốn kém và số liệu cũng không hoàn toàn chính xác. Từ 18-4-2018, Công an TP.HCM đã bắt đầu thu thập CSDL quốc gia dân cư. Ảnh: H.KIM Phòng PC06 khẳng định, việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, CSDL quốc gia về dân cư cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân, khắc phục được các hạn chế, bất cập nêu trên. PC06 nhấn mạnh, CSDL quốc gia về dân cư ra đời sẽ góp phần đảm bảo tiến độ triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020. Đảm bảo bí mật của công dân trong CSDL quốc gia Công dân có quyền: Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định; Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về CSDL quốc gia về dân cư. Công dân có nghĩa vụ: Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước công dân và pháp luật có liên quan; Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ trên. Theo Luật Căn cước công dân năm 2014 Hơn 3.000 tỉ đồng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (PLO)- Nguồn vốn ngân sách sẽ chi hơn 3.000 tỉ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .