Sáng 23-4, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp tục tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, QH khoá XIV. Cử tri Trần Văn Thanh (phường Hoà Hiệp Nam) lo lắng trước việc các dự án quy hoạch treo kéo dài nhiều năm không triển khai trên địa bàn quận. Vì vậy trên địa bàn quận này cũng xảy ra cảnh hàng trăm nhà xây nhà trái phép (báo chí nhiều lần phản ánh-Pv). Lo ngại về sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng vì ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn cũng được cử tri Thanh đưa ra và đặt câu hỏi “đến bao giờ TP thực hiện lời hứa của mình?”. Bởi hiện tại TP đã hứa nhiều lần sẽ giải quyết nhưng vẫn kéo dài, người dân vẫn phải chờ. Đà Nẵng đang xin ý kiến trung ương về việc người dân khó khăn khi trả nợ tiền sử dụng đất được áp theo giá mới. Ảnh: LÊ PHI. Nói về vấn nạn chạy điểm, chạy trường bị phát hiện vừa qua tại Hoà Bình, Sơn La. Cử tri Thanh cho biết, nhìn vào ngành giáo dục mà thấy đau. Bởi những thí sinh được chạy điểm, chạy trường đó nếu không bị phát hiện thì sẽ trở thành cán bộ và sau chạy trường, chạy điểm sẽ là chạy chức, chạy quyền. “Tôi đề nghị cần nâng cao tầm vóc, đạo đức người thầy”, cử tri Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, thời gian qua xử lý kỷ luật nhiều cán bộ của Đảng có phần do công tác giám sát của các ĐBQH chưa sâu sát. Nếu giám sát thì sẽ giảm được phần nào sai phạm. Cử tri này cũng đề nghị Đà Nẵng thận trọng với sông Hàn và Sơn Trà bởi đây là báu vật của TP. Khi muốn làm dự án nào đó cần phải trưng cầu ý kiến nhân dân, đừng để xây dựng dự án rồi phá dỡ sẽ làm tốn tiền của nhân dân. Cử tri Phạm Xuân Thư (phường Hoà Minh) thì cho rằng, đã qua hai nhiệm kỳ rồi nhưng những sai phạm tại nhà 8B Lê Trực và biệt thự xâm phạm rừng Sóc Sơn của ca sĩ Mỹ Linh xử lý chưa xong không biết QH sẽ tính thế nào?. Cử tri Nguyễn Thị Tám (phường Hoà Minh) và nhiều cử tri khác thì cầu cứu ĐBQH về việc TP áp dụng giá đất mới khiến người dân không biết lấy đâu tiền trả nợ. Nhà bà Tám thuộc diện giải toả tái định cư, khi đền bù thì nhà bà chỉ nhận được 200 ngàn/m2. Nghèo quá nên nợ nhà nước 75 triệu đồng chưa kịp trả thì nay áp giá mới lên tới trên 1 tỉ đồng khiến gia đình choáng váng. “Tôi xin đề nghị ĐBQH xem xét tính theo quy đổi ra vàng như trước đây chứ dân chúng tôi lấy tiền đâu ra mà trả”, bà Tám yêu cầu. Trả lời cử tri, ông Nguyễn Quang Vinh (Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng) cho biết, về vấn đề bãi rác Khánh Sơn, TP đang khẩn trương xử lý. Tới đây sẽ xây dựng trung tâm xử lý rác thải rắn để xử lý. Theo lộ trình thì bãi rác Khánh Sơn sẽ chấm dứt sứ mạng của mình. Về vấn đề ghi nợ tiền sử dụng đất và áp giá đất mới. Ông Vinh cho hay, theo Nghị định 45/2014/NĐ-CP thì người dân được ghi nợ tiền đất là năm năm, sau năm năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền SDĐ thì người SDĐ phải nộp tiền SDĐ còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Sau khi áp giá mới thì người dân tại các quận huyện quá hạn nợ tiền đất còn rất nhiều. “TP thấy việc trả nợ của người dân rất khó khăn nên đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính cho phép người dân được trả nợ như cũ nhưng Bộ không đồng ý. Hiện nay TP đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và Quốc hội xin ý kiến nhưng vẫn chưa có phản hồi”, ông Vinh cho biết. Theo ông Vinh trong khi chờ ý kiến phản hồi từ trung ương thì các hộ dân nào còn nợ tiền sử dụng đất nằm trong thời hạn được ghi nợ thì trả nợ sớm để tránh rủi ro như các hộ dân nợ quá hạn hiện đang gặp phải. Trong khi đó, ông Đàm Quang Hưng (Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) cho biết, quận này sẽ xử lý kiên quyết các hộ dân xây dựng trái phép trên địa bàn chứ không thể hợp thức hoá sai phạm. Đà Nẵng: Dân bỗng trở thành con nợ với số tiền ‘khủng’ (PL)- Người dân mua đất tái định cư nợ thuế quá hạn điêu đứng sau khi có quyết định tăng giá đất mới của UBND TP Đà Nẵng. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .