Chiều 7-12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã công bố kết quả xét nghiệm trường hợp hai bé trai trong một gia đình ở Sóc Sơn tử vong do dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Sau khi sự việc ba anh em trong một gia đình tử vong bất ngờ, nghi có liên quan đến bệnh Whitmore, các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ đã điều tra dịch tễ và lấy mẫu đất ở gia đình này để xét nghiệm tìm nguồn gây bệnh. Hơn 10 ngày xét nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kết luận: Trong số hai mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao quanh nhà hai bé ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội lấy xét nghiệm có một mẫu đất phát hiện vi khuẩn này. Được biết đây là mẫu đất được lấy ở độ sâu dưới 90 cm nằm trong khu vực đất sinh hoạt của gia đình. Nguồn truyền bệnh cho các cháu bé được xác định là từ đất hay nước ô nhiễm gây nên, bệnh tản phát riêng lẻ từng cá thể, không thành dịch. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do da tổn thương. BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Qua đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo các hệ thống kiểm soát bệnh tật địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh Whitmore, tránh biến chứng. Như PLO đã đưa tin, vào ngày 27-10 vừa qua, một gia đình có ba người con ở Sóc Sơn tử vong đột ngột do liên quan đến bệnh Whitmore. Trường hợp đầu tiên là cháu TCV (SN 2014). Ngày 27-10, cháu V. có biểu hiện sốt 38,5 độ C kèm theo đau bụng. Ngày 28-10, V. được gia đình đưa đến BV Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến tối 31-10, cháu V. tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Trường hợp thứ hai là cháu TQH (SN 2018). Cháu H. là em trai ruột của cháu V. Theo lời kể của gia đình, vào ngày 10-11, cháu H. có biểu hiện sốt 38,5 độ C. Đến sáng 11-11, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó chuyển đến BV Nhi Trung ương điều trị nhưng không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cả hai cháu này đều dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore ). Trước đó, vào tháng 4-2019, chị gái của hai trường hợp nêu trên là cháu TQT (SN 2012) cũng tử vong với dấu hiệu tương tự. Tại bệnh viện, cháu T. được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Cách phòng tránh bệnh Whitmore Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .