Hơn một tuần nay, dọc các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi (quận 1), Phan Xích Long (Phú Nhuận), Phạm Văn Đồng (Gò Vấp)… xuất hiện hàng loạt biển thông báo cửa hàng tạm dừng hoạt động, cho thuê lại mặt bằng. Nhà kinh doanh buông tay vì vắng khách Nếu trước đây Phan Xích Long là con đường ẩm thực sầm uất của quận Phú Nhuận với hàng trăm thương hiệu ăn uống, thời trang thì giờ đây có khoảng chục thương hiệu đóng cửa. Đáng nói là các cửa hàng này đều nằm ở vị trí đắc địa. Theo một quản lý nhà hàng tại đây, nguyên nhân chính là áp lực tiền thuê mặt bằng quá nặng trong khi lượng khách giảm mạnh đến 50%-60%. Tương tự, một tiệm cà phê lớn trên đường Phạm Văn Đồng cũng dán bảng cho thuê lại tầng 2 và 3. “Chúng tôi phải sang nhượng lại hai tầng để giảm bớt chi phí mặt bằng. Cách này vừa để giữ lại mặt bằng, vừa san sẻ bớt gánh nặng tài chính cho qua mùa dịch” - người quản lý tại đây chia sẻ. Không chỉ mặt bằng bên ngoài mà ngay cả các quầy hàng ăn uống trong nhiều trung tâm thương mại cũng không tránh khỏi tình trạng ảm đạm. Tâm lý sợ đi đến nơi đông người khi đang có dịch COVID-19 khiến lượng khách mua sắm giảm sút trầm trọng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, hoạt động thương mại dịch vụ kém sôi động hẳn so với trước. Tính riêng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống thì hai tháng đầu năm chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ trong khi mức tăng của năm 2019 là 10,8%. Thực tế cho thấy các chuỗi F&B (dịch vụ ăn uống) trên địa bàn TP.HCM đang bị tác động mạnh nhất khi không chỉ cửa hàng nhỏ, đơn lẻ mà nhiều thương hiệu nổi tiếng, thậm chí có chi nhánh mới mở được vài tháng đã phải đóng cửa. Một mặt bằng đẹp đang chờ khách thuê mới. Ảnh: THU HÀ Đại gia cho thuê tung tiền tỉ hỗ trợ khách Trên thực tế, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng lên nhiều lĩnh vực kinh doanh trong nước. Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới đây về những ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho biết 30 tỉnh, thành có 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ gia đình phải dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Chưa kể hơn 1.000 lao động tại 22 tỉnh, thành bị mất việc. Trong đó, hơn 1/3 đến từ ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, 10% là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trước những khó khăn này, các ông lớn trong ngành bất động sản, chủ đầu tư trung tâm thương mại cũng không ngồi yên mà tìm nhiều giải pháp để gánh vác khó khăn cùng khách thuê. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh Retail (thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh), cho biết tập đoàn sẽ xem xét từng trường hợp kinh doanh của doanh nghiệp thuê mặt bằng để quyết định mức giảm giá thuê tốt nhất. Dự kiến mức giá giảm sẽ trong khoảng 20%-50%, thậm chí có thể nhiều hơn. Đồng thời, thời gian hỗ trợ cũng sẽ linh động tùy vào diễn biến của dịch. “Mức giảm sẽ căn cứ vào hoạt động kinh doanh của các khách hàng đang thuê. Nếu tình hình khó khăn thì công ty sẽ giảm giá cho thuê đến 50% trong 2-3 tháng. Còn những doanh nghiệp rơi vào tình thế quá ngặt nghèo thì chúng tôi có thể miễn phí thuê mặt bằng trong một tháng và giảm giá ở những tháng tiếp theo” - ông Bình chia sẻ. Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các khu căn hộ do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư từ tháng 2 đến tháng 4-2020. Trong đó bao gồm trung tâm thương mại Moonlight Plaza (dự án Moonlight Residences ở quận Thủ Đức, TP.HCM), trung tâm thương mại Saigon Mia (khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) và trung tâm thương mại Vung Tau Melody (TP Vũng Tàu). Một ông lớn khác là Công ty CP Vincom Retail thuộc Tập đoàn Vingroup cũng thông tin đã dành 300 tỉ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống. Chương trình được áp dụng cho đối tác ở tất cả ngành hàng đang kinh doanh tại 79 trung tâm thương mại trên toàn quốc, có hợp đồng thuê giá cố định đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Phần lớn của gói hỗ trợ sẽ dành cho việc giảm giá tiền thuê mặt bằng, một phần còn lại dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom. Tỉ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng được Vincom xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng của các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định. Những động thái này được các chủ đầu tư thực hiện với mục tiêu phần nào trợ giúp cho khách thuê vượt qua thời kỳ chống dịch khó khăn. Tình trạng hàng loạt cửa hàng buôn bán ế ẩm phải đóng cửa, trả mặt bằng cũng đang diễn ra tại TP Đà Nẵng. Đơn cử như phố chuyên kinh doanh thời trang Lê Duẩn (quận Hải Châu và quận Thanh Khê) theo ghi nhận ngày 12-3, các cửa hàng ở đây đều rất vắng vẻ, khắp nơi treo bảng khuyến mãi, xả hàng hoặc trả mặt bằng. Một số tuyến đường lớn khác ở trung tâm TP như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú... cũng trong cảnh tương tự. TẤN VIỆT Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .