Công ty Thiết kế web

Đại tướng Lê Đức Anh - 'Tà Sáu Việt Nam' của nhân dân Campuchia

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi truonghuong, 4/5/19.

  1. truonghuong

    truonghuong Active Member

    Nhắc đến Đại tướng Lê Đức Anh, chúng ta nhớ tới những công lao to lớn của Ông với Đảng, nhà nước, quân đội và nhân dân trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong cuộc chiến đấu bảo vệ hai đầu biên giới và sau đó là thời kỳ đổi mới của đất nước.

    Nhưng không thể không nhắc đến những gì mà "Tà Sáu" (Ông Sáu - tiếng Khmer) đã làm, đã để lại cho đất nước Campuchia, sau nhiều năm tháng đảm nhiệm trọng trách là người thay mặt Đảng, Nhà nước và quân đội trực tiếp giúp bạn.

    Bằng tất cả trí tuệ, tâm huyết của mình, Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đập tan chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp, thúc đẩy sự ổn định, phát triển bền vững của Campuchia, củng cố chặt chẽ mối quan hệ đặc biệt Campuchia - Việt Nam.

    [​IMG]


    Tư lệnh Lê Đức Anh thăm đơn vị 817 tại chiến trường Campuchia năm 1983 - Ảnh: tư liệu

    Mệnh lệnh "Cứu đói - Cứu đau"


    Sau chiến thắng 7-1-1979, Campuchia được giải phóng, thoát khỏi nạn diệt chủng, nhưng thời điểm này đất nước Chùa Tháp chỉ là một đống tro tàn, một "cánh đồng chết". Cùng với việc truy quét tàn quân Polpot, một nhiệm vụ cấp bách là khôi phục, xây dựng lại đất nước mà trước hết là bảo vệ, giúp đỡ nhân dân bạn - những nạn nhân của cuộc diệt chủng tàn bạo chưa từng có trong lịch sử.

    Vấn đề là "ai làm?" Lực lượng cách mạng của bạn còn mỏng, người dân khổ cực thiếu thốn trăm bề, không ai khác, quân tình nguyện Việt Nam phải đảm nhận việc này. Tư lệnh Mặt trận 719 Lê Đức Anh ra mệnh lệnh: "Toàn bộ lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia tích cực truy quét Khmer đỏ, đồng thời phải bảo vệ dân, 'cứu đói - cứu đau' cho toàn bộ nhân dân Campuchia".

    Chữ "đau", vốn là cách nói rất riêng của người miền Trung (quê hương Đại tướng) còn có nghĩa là "bệnh", còn trong tiếng Khmer, chữ "Chhư" vừa có nghĩa là đau, cũng là ốm. Mệnh lệnh được phát ra, ai cũng biết rằng đó chỉ có thể từ Ông - vị tướng miền Trung gan góc, quyết liệt, phát ra cho chiến trường Campuchia.

    Vậy lấy gì để "cứu đói - cứu đau"? Khi đó, Việt Nam không thể kịp viện trợ, và sự thực là cũng đâu có nhiều để viện trợ. Chỉ có thể sẻ chia suất cơm, phần gạo của bộ đội, chỉ có thể từ tấm áo, viên thuốc vốn đã ít ỏi của mỗi người lính.

    Từ một đội quân chiến đấu, lúc này quân tình nguyện Việt Nam trở thành đội quân vừa chiến đấu, vừa công tác, cùng dân tăng gia sản xuất, khắc phục nạn đói, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân Campuchia như với chính nhân dân mình.

    Bộ đội cùng dân dọn vệ sinh, chôn lấp những xác chết nạn nhân của chế độ diệt chủng còn đang vương vãi, để chậm ngày nào thì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát ngày đấy. Đó thực sự là nguy cơ diệt chủng thứ hai với người dân nước bạn, trước khi chết vì đói lả, người ta có thể chết vì dịch bệnh hoành hành.

    Cán bộ chiến sĩ tình nguyện đã hồi sinh các "thành phố ma", những "cánh đồng chết". Cùng với nạn đói và dịch bệnh được khắc chế, cuộc sống dần đi vào ổn định, kết quả "cứu đói - cứu đau" đã khiến người dân thực sự tin vào bộ đội Việt Nam, tin vào Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia.

    Đoàn kết toàn xã hội được nâng cao, sinh khí trở lại, cuộc sống mới thực sự bắt đầu, khắp dất nước Campuchia không xảy ra nạn đói, dịch bệnh, người dân từ những vùng địa ngục trần gian trở về từ con số không bắt đầu xây dựng công cuộc hồi sinh đất nước.

    [​IMG]


    Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ độc tài Pol Pot trưa 7-1-1979 - Ảnh: Harish & Julie Mehta

    Kỷ luật dân vận là "kỷ luật sắt" trên chiến trường!


    Ngày giải phóng Phnom Penh, một lúc chưa thể có ngay bộ máy quản lý xã hội dù chỉ ở mức tối thiểu. Môi trường xã hội hỗn loạn, mọi người đều cảm thấy bất an, lo sợ. Khi Khmer đỏ rút chạy, một số tàn quân vẫn ẩn náu trong từng phum xã, lẩn khuất trong các tầng lớp nhân dân, chờ thời cơ chống phá.

    Khắp nơi tràn lan vũ khí quân dụng mà Khmer đỏ để lại, thậm chí là cả súng đạn, chất nổ có từ thời kỳ Lon Nol (trước năm 1975). Người dân thì đói khát thiếu thốn, bần cùng tất sinh đạo tặc… Chừng nào còn có tình trạng cướp bóc, hãm hiếp, chừng nào còn có súng ống trôi nổi tràn lan ngoài chợ đen thì chừng đó người dân không thể an yên, không thể vững tin mà xây dựng cuộc sống mới.

    Tư lệnh Mặt trận 719 Lê Đức Anh chỉ thị: "Xây dựng kỷ cương xã hội Campuchia thật nhanh chóng là yêu cầu cấp thiết, tuyệt đối không để tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, mất chính quyền xảy ra". Bên cạnh việc truy quét tàn quân Khmer đỏ, quân tình nguyện phải trực tiếp tham gia quản lý trật tự xã hội, và biện pháp quan trọng hàng đầu là: "Quân tình nguyện phải làm gương".

    Với chủ trương đó, Ông ra những chỉ thị rất nghiêm khắc, quyết liệt để thắt chặt kỷ luật quân đội, coi "kỷ luật dân vận" là "kỷ luật sắt chiến trường". Người lính Việt Nam không được tơ hào dù cây kim sợi chỉ của dân, không được động chạm đồ thờ cúng, xâm hại đền chùa miếu mạo, tự do tín ngưỡng, không được hủy hoại môi trường, các cấp phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kỷ luật…

    Trong thời gian ngắn, tình hình Campuchia đã đi vào ổn định, một cơ sở xã hội hoàn toàn mới, ổn định hơn đang dần định hình trên nền tro tàn, trên những cánh đồng chết.

    Người đi đầu, gương mẫu nhất để bộ đội trên toàn chiến trường noi theo, không ai khác chính là Tư lệnh Mặt trận. Ông nghiêm với cấp dưới và trước tiên là nghiêm khắc với chính mình. Là người lãnh đạo Việt Nam cao nhất tại Campuchia, nhưng suốt 10 năm trời vẫn chỉ sống trong một ngôi nhà hai tầng cũ kỹ, đồ đạc đơn sơ, xây theo kiểu nhà sàn từ thời Lon Nol, tầng trệt để trống làm nơi tiếp khách, phía trên vừa là phòng nghỉ, vừa là nơi Ông làm việc.

    Cơm nước rau dưa thật giản đơn, do công vụ nấu. Suốt 10 năm, ông chỉ đi một chiếc xe Toyota cũ mầu xanh rêu của văn phòng Quân khu 7. Tư lệnh Mặt trận cũng chỉ có một thư ký, bảo vệ, công vụ và lái xe, chứ chẳng cần quân tướng tiền hô hậu ủng.

    Ngay đối diện bên đường, khu Chamkarmon toàn biệt thự sang trọng, trong có cả bể bơi. Chiều chiều sau ngày làm việc, vị Tư lệnh mặc quần cộc, cùng người bảo vệ lững thững đi bộ sang bể bơi bên đường.

    Biết ông thích bơi, có người hỏi vì sao Ông không chuyển hẳn sang sang đó ở, Ông nói không, nơi đó khang trang, phải để làm nơi tiếp đón các bạn Campuchia, cũng là nơi ăn ở cho các đồng chí cán bộ cao cấp Việt Nam sang làm việc.

    Ngày ấy, Phnom Penh thường hay mất điện, nơi sống và làm việc của Tư lệnh Mặt trận không trang bị máy phát riêng. Những buổi mất điện, ông Sáu lấy chiếc đèn pin cá nhân treo lên cao, nằm vắt tay suy nghĩ chờ trời sáng.

    [​IMG]


    Những người lính Việt Nam này đã giúp giải cứu Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - Ảnh: Southeast Asia Globe

    Bảo vệ dân là nhiệm vụ cao nhất, coi dân nước bạn như người dân nước mình


    Sau năm 1982, Khmer đỏ thay đổi chiến thuật, xâm nhập sâu vào nội địa, tuyên bố "đưa chế độ Khmer Dân chủ quay trở lại". Với sự chống lưng của nước ngoài và các thế lực thù địch, chính phủ "ba phái" ra đời, tập hợp và tổ chức lực lượng tới 4 vạn quân, với đầy đủ vũ khí trang bị.

    Mục tiêu đầu tiên của địch là lôi kéo nhân dân chống chính quyền, lôi kéo không được thì đe dọa, đe dọa không được thì khủng bố. Sau nhiều vụ việc thương tâm, nỗi lo sợ của người dân bao trùm khắp nơi.

    Tư lệnh Mặt trận 719 chỉ thị: "Bảo vệ tính mạng và an toàn của nhân dân bạn phải được đặt lên hàng đầu, như bảo vệ nhân dân mình". Bộ đội tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh tấn công truy quét địch, củng cố an ninh khắp các địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Ta càng đánh mạnh, càng mở rộng địa bàn, địch càng co cụm và bị đẩy sâu về các khu vực rừng núi phía tây.

    Trong chiến dịch giải phóng Campuchia năm 1979, ta cũng có thương vong, nhưng số hi sinh tổn thất không nhiều như khi chúng ta bảo vệ người dân Campuchia. Ngược lại, quân tình nguyện giúp dân, bảo vệ dân thì dân ủng hộ, giúp đỡ bộ đội.

    Trong suốt 10 năm ấy, chúng ta luôn làm chủ tình hình trên khắp chiến trường - một phần quan trọng là nhờ tai mắt, sự ủng hộ của mỗi người dân nước bạn.

    [​IMG]


    Tác giả Nguyễn Chí Vịnh trong một lần báo cáo công việc với Đại tướng Lê Đức Anh năm 2000 - Ảnh: tư liệu

    Độc lập tự chủ là nguyên tắc cao nhất, ta cũng vậy mà bạn cũng vậy


    Trong tư tưởng, hành động, trong mỗi việc làm của Đại tướng Lê Đức Anh, "độc lập tự chủ" luôn được coi là nguyên tắc tối thượng với mọi quốc gia, dân tộc, trong thời chiến cũng như thời bình. Những ngày ở Campuchia, nguyên tắc tôn trọng "độc lập tự chủ" của bạn luôn được đề ra và thực hiện một cách nhất quán.

    Từ việc lớn đến nhỏ, khi bạn cần, ta đều giúp đỡ hết lòng, vô tư trong sáng, nhưng nếu việc đó ảnh hưởng tới độc lập tự chủ của bạn thì ta nhất định không làm, đó chính là động lực để bạn tự mình đứng vững, tự phát triển, tự bảo vệ chính quyền đất nước.

    Giúp bạn bằng sự chân thành, không làm thay bạn. Cùng với đội ngũ chuyên gia Việt Nam, bộ máy Đảng, chính quyền của bạn đã từng bước làm chủ đất nước, làm chủ chặng đường phát triển mới, dù còn nhiều khó khăn nhưng vững chắc niềm tin tất thắng.

    Đại tướng Lê Đức Anh nói: "Không ai, không lực lượng nào, không quốc gia nào có thể làm thay cuộc hồi sinh Campuchia, bảo vệ thành quả cách mạng Campuchia bằng người Campuchia, với một chính đảng được người dân trao gửi vận mệnh của mình".

    Ngay bản thân Ông, những lần gặp gỡ, tiếp xúc các nhà lãnh đạo Campuchia đều với một thái độ chân thành, một tác phong nghiêm túc, trọng thị. Thời đó họ còn rất trẻ, chỉ ít năm trước mới ở cấp bậc thấp, có những người xưa nay luôn coi và xưng Ông là bậc cha chú, nhưng mỗi lần gặp bạn, khi mở lời, Ông luôn bắt đầu bằng câu: "Thưa các đồng chí…".

    [​IMG]


    Những người lính tình nguyện Việt Nam trở về năm 1989, sau 10 năm chiến đấu bảo vệ đất nước bạn - Ảnh tư liệu

    Rút quân về, nhưng phải để lại những gì tốt nhất cho bạn


    Sau một thập kỷ ròng rã vượt qua khó khăn để giúp bạn, khi bạn đã tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ đất nước, quân tình nguyện cùng chuyên gia Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, rút quân về nước.

    Chỉ thị quan trọng của Tư lệnh Mặt trận 719 khi đó: "Tất cả những gì tốt nhất, trừ trang bị vũ khí đều phải để lại cho bạn" - lương thực, quần áo, thuốc men, từng trang bị nhỏ nhất nơi doanh trại đóng quân đều được bàn giao cho chính quyền bạn, không được để "vườn không nhà trống".

    Các đơn vị bộ đội trước ngày rút quân vẫn khẩn trương giúp dân làm nhà, làm đường, đào kênh mương, và… không đem bất kỳ một tài sản nào của Campuchia về nước. Ngày về, chiếc balô người lính tình nguyện nhẹ tênh, ngoài tấm khăn Kroma, hành trang mỗi người chỉ có cân đường thốt nốt, mấy ký cá khô. Cấp sỹ quan có thêm vài gói mì chính của hiếm, mua ngoài chợ bằng phụ cấp của mình.

    Tất cả các trạm kiểm soát quân sự biên giới được lệnh kiểm tra gắt gao, quân lệnh như sơn, không ai được vi phạm!

    "Xóa diệt chủng - Việt Nam giúp", "Chống tàn quân Khmer đỏ - Việt Nam giúp". Rút quân về, Việt Nam vẫn luôn sát cánh cùng Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng

    Ngày 29-6-1989, những đơn vị quân tình nguyện cuối cùng rút về nước, sau 10 năm gian khổ và vinh quang kể từ ngày đập tan chế độ diệt chủng. Chấp hành nghiêm túc các điều khoản của Hiệp định Paris về Campuchia, mối quan hệ giữa hai nước bước sang thời kỳ mới, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc.

    Vượt qua những khó khăn của giai đoạn bầu cử năm 1993, vững vàng trong những thời khắc gian truân, kể cả những vụ đảo chính, bạo loạn thời kỳ 1996-1997, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã dành được thắng lợi trong Tổng tuyển cử năm 1998; xây dựng thành công Chính phủ liên minh, dẫn dắt sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, đặc biệt là thắng lợi to lớn trong việc giải giáp hoàn toàn Khmer đỏ ngày 29-12-1998.

    Trong 10 năm đầy biến động khó khăn đó, có những đóng góp quan trọng của Việt Nam với đất nước Campuchia anh em. Trên nguyên tắc tôn trọng độ lập, tự chủ của bạn nhưng vô cùng gắn bó, khăng khít trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Giúp bạn phải dựa trên mối quan hệ tin cậy từ cấp cao nhất tới cơ sở.

    Trước tiên, giúp xây dựng đường lối cách mạng Campuchia, trong đó đặc biệt giương cao ngọn cờ chống diệt chủng, bảo vệ nhân dân là "dĩ bất biến". Mục tiêu đó, chiến lược chính trị đó đã thể hiện rất rõ trong luận án tiến sĩ của Thủ tướng Hun Sen và trong cương lĩnh của Đảng Nhân dân Campuchia sau này.

    Đó là nền tảng của việc thực hiện chính sách "Thắng - Thắng" trong công cuộc kiến tạo hòa bình, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc cho đất nước Campuchia.

    Đặc biệt quan trọng là giúp bạn đoàn kết nội bộ, trong bất kỳ tình huống thuận lợi hay khó khăn nào, yêu cầu giữ gìn đoàn kết nội bộ, ngăn chặn và đẩy lùi mọi âm mưu chống phá gây chia rẽ là nhiệm vụ sống còn.

    Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là hạt nhân cốt lõi của khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân, hoàng tộc, tôn giáo và chính giới Campuchia, củng cố vào niềm tin của sự nghiệp chính nghĩa, tập trung trí tuệ tập thể để xây dựng và phát triển đất nước.

    [​IMG]


    Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và Hoàng hậu tiếp Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân thăm chính thức Campuchia ngày 8-8-1995 tại Phnom Penh - Ảnh: TTXVN

    Chuyến thăm Campuchia và yêu cầu bất ngờ với Quốc vương Sihanouk


    Sau khi UNTAC rút quân, cuộc Tổng tuyển cử tự do được Liên Hợp Quốc tổ chức tháng 5-1993, Campuchia trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến, thực hiện chế độ đa đảng. Tình hình xã hội Campuchia thời kỳ hậu UNTAC rất phức tạp, nhiều yếu tố mất kiểm soát hơn cả giai đoạn đầu giải phóng năm 1979.

    Các đảng phái đối lập kể cả Khmer đỏ đều có vị thế chính trị, duy trì lực lượng quân sự riêng. Bối cảnh hỗn loạn này cũng là thời cơ để các lực lượng phản động chống phá Việt Nam lợi dụng, xâm nhập địa bàn Campuchia, lấy đây làm bàn đạp mưu đồ chống phá Việt Nam.

    Và đương nhiên, vị Chủ tịch nước Việt Nam, vị tướng Tư lệnh Mặt trận năm xưa sẽ là mục tiêu chống phá hàng đầu của bọn phản động. Bôi đen hình ảnh Việt Nam, xóa đi công lao của quân tình nguyện Việt Nam, hăm dọa, thậm chí ám hại được lãnh tụ Việt Nam sẽ là cơ hội hòng chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Campuchia.

    Tháng 5-1995, nhận lời mời của Quốc vương Norodom Sihanouk, Chủ tịch nước Lê Đức Anh chuẩn bị thăm chính thức Campuchia.

    Trước chuyến đi này có ý kiến đặt ra, nên đi hay không, nhất là trong tình hình an ninh phức tạp bấy giờ. Đại tướng Lê Đức Anh kiên quyết đi, vì chuyến thăm này hết sức quan trọng, thể hiện vị thế quốc gia, khẳng định hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế và với nhân dân, chính phủ Campuchia.

    Chuyến đi đó cần được thực hiện ngay sau khi chính phủ Campuchia được quốc tế công nhận. Là thượng khách của nhà Vua, chính phủ và nhân dân Campuchia, hình ảnh và vai trò của Việt Nam sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho bạn, đặc biệt là Đảng Nhân dân Campuchia trước những khó khăn thách thức.

    Chuyến đi đó cũng sẽ góp phần khẳng định tính chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam, tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

    Bên cạnh các nội dung lễ tân ngoại giao thì công tác an ninh cho chuyến thăm được đặt trọng tâm cao nhất. Cả hai bộ máy bảo vệ của bạn và ta đều đặt yêu cầu bảo vệ an ninh, an toàn cho Chủ tịch nước lên hàng đầu, một lịch trình khoa học và kế hoạch bảo vệ hết sức chặt chẽ được đặt ra.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh Campuchia với những phe phái, xung đột và mâu thuẫn, sự tồn tại của các lực lượng chính trị - quân sự đối địch thì mức độ nguy hiểm, mất an toàn vẫn có tỉ lệ không nhỏ, không ai nói trước được điều gì có thể xảy ra.

    Có một chi tiết ít người biết, ngay sau khi Quốc vương Norodom Sihanouk đón Chủ tịch nước Việt Nam từ chân cầu thang máy bay vào phòng lễ tân, Nhà vua đã bất ngờ nhận một yêu cầu đặc biệt từ Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Đó là một lịch trình hoàn toàn khác với dự kiến mà hai bên đã chuẩn bị và đã được thông báo công khai.

    Dù rất bất ngờ với lời đề nghị này, nhưng với sự trân trọng đặc biệt với vị quốc khách, Nhà vua Norodom Sihanouk đã chấp thuận và yêu cầu thực hiện. Dù mọi lịch trình bị đảo lộn, dù tất cả các yêu cầu bảo vệ đều thay đổi hoàn toàn nhưng chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, tuyệt đối an toàn.

    Sự thay đổi bất ngờ đó đã góp phần loại trừ những nguy hiểm, hóa giải tình huống xấu có thể xảy ra, dường như xuất phát từ một nguyên tắc rất kỳ lạ, một bản năng tự bảo vệ rất riêng của vị tướng gan dạ, dạn dầy trận mạc, rất linh hoạt và vô cùng hiệu quả.

    [​IMG]


    Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đến chào nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 27-12-2013 - Ảnh: TTXVN

    Thắng lợi sau bầu cử Campuchia 1998: Người đầu tiên tôi phải cám ơn là đồng chí Lê Đức Anh - "Tà Sáu Việt Nam"


    Sau 10 năm đấu tranh không mệt mỏi, cuối năm 1998, Đảng Nhân dân Campuchia - CPP quay trở lại nắm quyền lãnh đạo, điều hành đất nước Campuchia, tiến hành giải giáp Khmer đỏ.

    Chỉ ít ngày sau lễ ra mắt chính phủ mới, vị lãnh đạo Chính phủ và Đảng Nhân dân đã sang thăm Việt Nam, thăm Đại tướng Lê Đức Anh (lúc đó Ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương), với một câu nói rất chân thành: "Người đầu tiên tôi phải nghĩ đến và cám ơn là 'Tà Sáu Lê Đức Anh' -'Tà Sáu Việt Nam'".

    Trong suốt 10 năm đầy biến động, khó khăn đó, bạn đều tự làm, tự giải quyết vấn đề của mình rất tài tình, linh hoạt và quyết liệt nhưng không thể thiếu niềm tin và sự sát cánh của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Sự giúp đỡ của Việt Nam mà "Tà Sáu - Lê Đức Anh" là một trong những người gần bạn nhất, không phải bằng vật chất hay tiền bạc, mà đó là đường lối chính trị, là kinh nghiệm tổ chức, là niềm tin chiến lược trong những thời điểm quyết định.

    Sau năm 2000, khi Ông đã nghỉ, các bạn Campuchia vẫn nhiều lần mời "Tà Sáu" sang thăm. Mỗi dịp sang thăm Việt Nam, các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, các vị chức sắc tôn giáo Campuchia đều muốn được gặp, thăm hỏi Ông.

    Những cuộc gặp đó, họ không bàn về chính trị, chỉ là câu chuyện cũ của những người thân, những người bạn, người đồng chí cũ. Không chỉ nhắc lại những kỷ niệm, mà Ông và bạn còn chiêm nghiệm lại những khó khăn, thách thức đã trải qua, những gì cần nhìn nhận đúng sai, những gì cần rút ra bài học.

    Cũng trong những buổi gặp đó, khi các bạn Campuchia trao đổi tình hình, nêu ra những vướng mắc, băn khoăn, "Tà Sáu Lê Đức Anh" cũng chỉ nêu quan điểm của mình với tư cách một người "đồng chí cũ". Không hề là ý kiến của một ông Tư lệnh, không hề có lễ nghi của vị lãnh đạo quốc gia, tất cả chỉ là sự chân tình của một người hết mình vì sự nghiệp cách mạng Campuchia. Nói thì thật ít, nhưng hiểu thì thật nhiều.

    Món quà họ biếu Ông, bao giờ cũng chỉ là một túi cá lóc khô, vài cây đường thốt nốt nấu chè. Chỉ vậy thôi! Và lần nào cũng vậy, Ông không quên những món quà cho gia đình, cho vợ con của bạn. Hết sức giản dị, như bức tranh sơn mài vẽ cảnh đồng quê yên bình với thông điệp trao gửi về hạnh phúc gia đình, khi thì tấm lụa trang nhã tặng phu nhân, hộp yến sào gửi tặng bậc sinh thành bồi dưỡng. Cái quý không phải ở giá trị món quà, mà ở sự chân tình, thấu hiểu.

    Còn rất nhiều câu chuyện kể về "Tà Sáu Việt Nam", về tình cảm sâu đậm của Đại tướng Lê Đức Anh với đất nước và người dân Campuchia mà tôi thật may mắn được biết, được chứng kiến, đặc biệt là khi gặp gỡ những người bạn Campuchia mà thời gian khó Ông đã cùng họ sát cánh, chia ngọt sẻ bùi...

    Những câu chuyện dù thật bé nhỏ, giản dị nhưng cũng đủ để cảm nhận được về danh xưng giản dị nhưng thật đẹp: "Tà Sáu Lê Đức Anh", "Tà Sáu Việt Nam". Danh xưng đó không chỉ để ngưỡng vọng về một con người, đó đã trở thành một biểu tượng Việt Nam cao đẹp.


    Một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Nhân dân và Chính phủ Hoàng gia Campuchia hồi ức về Đại tướng Lê Đức Anh:

    "Tôi gặp Bác lần đầu tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1978, Bác cùng với quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia rất nhiều. Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia được thành lập với sự giúp đỡ trực tiếp của Bác. Việc giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, công cuộc xây dựng đất nước Campuchia... đều có công đóng góp của Bác.

    Bác luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền của Campuchia, tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân về hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của Campuchia. Bác là một trong những người đã cùng với Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam thúc đẩy quan hệ trên mọi lĩnh vực giữa hai nước Campuchia - Việt Nam phát triển nhanh chóng.

    Bác luôn quan tâm tới tôi, phu nhân và các con tôi không khác gì cha và con, ông và cháu. Bác không hút thuốc nhưng không quên gửi thuốc lá cho tôi mỗi khi có dịp vì Bác biết tôi là người hút thuốc rất nhiều. Bác luôn căn dặn tôi phải giữ gìn sức khỏe…"


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này