Tính đến thời điểm hiện tại, Đắk Nông đã xuất hiện ba ổ dịch bạch hầu với 12 ca dương tính và hơn 1.000 người được cách ly. Trong số 12 ca dương tính với bệnh có một trường hợp đã tử vong. Liên tiếp xuất hiện ổ dịch Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, cho biết sau khi phát hiện ổ dịch thứ nhất ở Trung tâm Ngôi nhà may mắn ở huyện Krông Nô với bốn ca dương tính với bạch hầu, ngành chức năng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp để phòng ngừa lây lan. Tuy nhiên, trong quá trình khoanh vùng dập dịch tại huyện Krông Nô thì tại cụm 12, xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’long) lại xuất hiện một ổ dịch mới với hai trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Đáng nói, một trong hai trường hợp dương tính với bệnh là STH (chín tuổi) sau khi được đưa đi chữa trị tại TP.HCM nhưng đến sáng 20-6, bệnh nhân H. tử vong với nguyên nhân được xác định nhiễm bạch hầu ác tính biến chứng tim. Ngay sau khi bùng phát ổ dịch thứ hai, cơ quan chức năng cũng nhanh chóng thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly khoảng 355 người dân để hạn chế lây lan nguồn bệnh. Ngoài ra, đối với các trường hợp cách ly, người dân được cho dùng kháng sinh phòng ngừa và sau đó được tiêm vaccine. Qua khám sàng lọc tại xã Quảng Hòa, cơ quan y tế cũng phát hiện 10 ca có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nên đã chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị. Qua xét nghiệm ban đầu, những trường hợp này có kết quả âm tính. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, trên địa bàn huyện Đắk Rmăng (huyện Đắk G’long) lại xuất hiện một ổ dịch mới với ba trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó bệnh nhân GAP có triệu chứng nặng. Tại xã này, cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly đối với khoảng 435 người và thực hiện các biện pháp dùng kháng sinh để phòng, sau đó sẽ được tiêm vaccine. “Hiện nay có khoảng 700 người được điều trị cách ly dự phòng bảy ngày theo quy định ở hai xã thuộc huyện Đắk Glong. Còn ở huyện Krông Nô, 435 người đã hoàn thành việc cách ly điều trị. Ngoài một trường hợp tử vong, hiện còn 11 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu (trong đó bốn trường hợp ở huyện Krông Nô, bốn trường hợp ở xã Quảng Hòa và ba trường hợp ở xã Đắk Rmăng. Ngoài điều trị dự phòng, ngành y tế còn phun hóa chất khử trùng tại các khu dân cư, khu vực công cộng tại các ổ dịch” - ông Hùng nói. Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang cách ly những ổ dịch để ngừa lây lan. Ảnh: H.TRƯỜNG Chưa xác định nguồn lây Theo phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, sau khi xảy ra các ổ dịch nói trên, ngành y tế tỉnh cũng đã gửi các mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để tiến hành kiểm tra. “Trong hơn 100 mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm thì tất cả đều có kết quả âm tính. Hiện các bệnh nhân cũ đang được chăm sóc tích cực, không phát hiện ca nhiễm mới” - ông Hùng thông tin. Cũng theo vị này, hiện tại vẫn chưa thể xác định được nguồn lây đầu tiên, bởi vì bạch hầu là bệnh chưa được thanh toán khỏi cộng đồng. Khi người dân có hệ thống miễn dịch thấp thì rất dễ bị mắc phải. “Tuy việc xác định nguồn lây ban đầu khó nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc ngành y tế tỉnh đang khẩn trương kiểm soát dịch. Hiện cơ quan chức năng và đội ngũ y tế đang tích cực cùng người dân thực hiện các biện pháp như đã thông tin để tiến hành kiểm soát dịch, tránh lây lan và tránh xảy ra việc xuất hiện ca bệnh mới” - đại diện Sở Y tế nói. Nói về các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, ông Hùng cho biết ngoài các biện pháp về phun độc khử trùng, cách ly những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để tránh lây lan, ngành y tế tỉnh đang khẩn trương thực hiện một biện pháp mạnh hơn. “Chúng tôi đang tiến hành một bước mạnh hơn, những xã liên quan, xung quanh khu vực có khả năng có mầm bệnh thì sẽ cho người dân khám sàng lọc trước, lấy mẫu xét nghiệm, phải chủ động làm trước” - vị này nói. Hiện nay, phía y tế tỉnh Đắk Nông đang thực hiện các biện pháp cách ly đối với những địa phương có ca bệnh bạch hầu, đồng thời với đó là tiến hành khử trùng tiêu độc, cho người dân sử dụng kháng sinh và vaccine để phòng ngừa. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên tiêm chủng vaccine bạch hầu đúng, đủ lịch theo chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế đưa ra. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Các ổ dịch được kiểm soát tốt Liên quan đến các ổ dịch bạch hầu xảy ra tại tỉnh Đắk Nông, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết về cơ bản các ổ dịch bạch hầu tại đây đã tương đối ổn định, kiểm soát tốt. Ngay khi có những ca mắc đầu tiên, Cục Y tế dự phòng nhận được thông tin sớm và đã có chỉ đạo kịp thời. Cụ thể, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông giám sát kịp thời, xử lý ổ dịch, cách ly và khử khuẩn những khu vực có nghi ngờ; cho vào điều trị và cho điều tra những trường hợp nghi ngờ tiếp xúc với người mắc để uống thuốc dự phòng. Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cử một đội cơ động xuống chỉ đạo trực tiếp tại ổ dịch. “Đồng thời triển khai tiêm vaccine chống dịch đối với những trường hợp nghi ngờ. Các ca mắc bạch hầu đã có kết quả điều trị âm tính bước đầu, điều này chứng tỏ hiệu quả điều trị còn tốt, vi khuẩn còn nhạy cảm với kháng sinh” - ông Tấn nói. 2 trường hợp có triệu chứng nặng Trước đó, Khoa nhi tổng hợp (BV đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk) đã tiếp nhận 14 người (trong đó có 13 trẻ và một người lớn) đến từ ba ổ dịch bạch hầu ở xã Quảng Hòa, Đắk Rmăng (huyện Đắk G’long) và huyện Krông Nô, Đắk Nông. Trong đó, có hai trường hợp là GAP và MVT có triệu chứng nặng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, qua khám sàng lọc tại cộng đồng vào ngày 19-6, em NVT xuất hiện viêm amidan cấp có giả mạc hầu họng, trắng đục ít và được điều trị cách ly tạm thời tại Trạm y tế xã Quảng Hòa. Bệnh nhân T. sống gần nhà, có tiếp xúc gần và thường xuyên qua nhà bệnh nhân STH (chín tuổi) dương tính với bệnh bạch hầu và đã tử vong vào ngày 20-6 với chẩn đoán bị bạch hầu ác tính biến chứng tim. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .