Tác động mạnh đến quá trình đào tạo - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác đến quá trình đào tạo của nhà trường như thế nào, thưa PGS? - Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động chung đến toàn xã hội, trong đó có ngành Giáo dục và Y tế. Đặc biệt đối với các trường đại học, học viện - nơi đào tào nguồn nhân lực cho đất nước và cho ngành hai nêu trên. Có thể nói, cuộc cách mạng này đã ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của trường, mang đến nhiều thuận lợi và cũng không ít thách thức. Về thuận lợi, trước hết phải nói đến vấn đề tuyển sinh, nếu như trước đây để thực hiện công việc này, học viện gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ nên công tác tuyển sinh nhẹ nhàng và bảo đảm độ chính xác cao. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động rất lớn đến quá trình đào tạo của trường. Chẳng hạn, đối với ngành Y giải phẫu. Trước đây, sinh viên chỉ nghiên cứu trên mô hình cứng hoặc trên thi thể con người. Nhưng bây giờ, chúng tôi đã có những mô hình mô phỏng toàn bộ cơ thể con người, thậm chí mô phỏng chi tiết đến các cơ và từng mạch máu. Cũng nhờ công nghệ mà việc tổ chức đào tạo trực tuyến được phát triển mạnh mẽ. Công nghệ 4.0 còn giúp chúng tôi tiếp nhận những thông tin phản hồi của sinh viên, cựu sinh viên với trường một cách chính xác. Để bắt nhịp với thời đại, chúng tôi xây dựng thư viện điện tử. Theo đó, toàn bộ sách, tài liệu đã được số hóa và trở thành kho tài liệu số vô tận cho giảng viên, sinh viên và học viên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít thách thức về kinh phí đầu tư. Đây là vấn đề không đơn giản, bởi không phải trường nào cũng có tiền để đầu tư phát triển công nghệ, phục vụ cho quá trình đào tạo. - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đào tạo như thế nào cho sinh viên về vấn đề này, thưa ông? - Hiện nay, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong y tế được thực hiện rất tốt. Nhiều bệnh viện đã sử dụng robot để phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong Quyết định 1982 của Thủ tướng Chính phủ về khung trình độ quốc gia có bốn nhóm chuẩn: Thứ nhất là về chuyên môn nghiệp vụ. Thứ 2 về công nghệ thông tin. Thứ 3 về ngoại ngữ và thứ tư là nhóm về luật pháp. Như vậy, khi sinh viên ra trường cần hội đủ bốn nhóm kiến thức này; đặc biệt là nhóm kiến thức về công nghệ thông tin. Nhận thức được điều này, chúng tôi đẩy mạnh đào tạo công nghệ thông tin cho sinh viên, để sau khi ra trường, các em có thể làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ngành Y tế đang thực hiện số hóa các hoạt động. Ví dụ: Trước đây, chụp phim X-quang thì phải chuyển phim cho bác sĩ hoặc những người có chức năng chuyên môn xem xét. Nhưng bây giờ, có thể chuyển bằng dữ liệu số. Ví dụ, nếu thực hiện thủ thuật nội soi, các dữ liệu của bệnh nhân sẽ được chuyển đến bác sĩ, chuyên gia; thậm chí kỹ thuật viên có thể chuyển dữ liệu đến các chuyên gia ở nước ngoài chỉ bằng một vài thao tác. Rõ ràng, để làm được điều này, bắt buộc sinh viên phải được học, được đào tạo để làm chủ công nghệ. Đây là những vấn đề quan trọng cần được cập nhật trong quá trình đào tạo. Sinh viên phải được học công nghệ thông tin để phục vụ cho nghề nghiệp của mình. Nói rộng ra, nhân lực y tế thời 4.0 phải nắm chắc chuyên môn và nắm chắc công nghệ mới có thể chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn. Y đức trở thành máu thịt của sinh viên ngành Y PGS.TS Đậu Xuân Cảnh. Ảnh: Sỹ Điền - Làm trong ngành Y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức. Nhà trường đã giáo dục, đào tạo sinh viên, học viên của mình như thế nào để đáp ứng yêu cầu này? - Giáo dục sinh viên, học viên về y đức, về những điều y, bác sĩ không được làm là cần thiết; do đó chúng tôi rất quan tâm, chú trọng đến vấn đề này. Chúng tôi cụ thể hóa bằng các chỉ số, chẳng hạn như chỉ số chuyên cần. Nếu sinh viên vắng mặt 2 buổi thực hành ở bệnh viện sẽ không được thi hoặc là bỏ trực sẽ bị kỷ luật... Chúng tôi rèn rũa sinh viên hàng ngày để trở thành nếp sống của các em. Khẩu hiệu xuyên suốt Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam là: Đã là sinh viên y khoa, sẽ luôn sẵn sàng hi sinh vì sức khỏe của người bệnh. Chúng tôi rèn rũa sinh viên ngay từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi ra trường; để phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trở thành máu thịt của các em. - Nhiều người cho rằng, y học cổ truyền dường như đang bị “lép vế”, sinh viên ra trường khó xin được việc làm. PGS có bình luận gì về nhận xét này? - Tôi cho rằng, nhận xét trên chưa phù hợp và chưa chính xác so với thực tiễn. Đơn cử như Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, hàng năm chúng tôi có thống kê tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề trong 12 tháng dao động từ 75 - 90%. Hơn nữa, cần nhìn vào thực tế rằng, hiện nay nhu cầu điều trị các bệnh mãn tính rất cao. Chúng ta đã vượt qua tỷ lệ dân số vàng và đang chuyển dần sang dân số già. Khi tỷ lệ người cao tuổi càng cao thì bệnh mãn tính xuất hiện càng nhiều; khi đó y học cổ truyền sẽ phát huy lợi thế của mình trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên; vì thế sinh viên năm thứ hai của học viện đã có thu nhập từ việc đi châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... theo đúng chuyên môn, kiến thức được học ở trường. Đặc biệt, hầu hết các khách sạn từ 3 sao trở lên đều có phòng massage. Theo đó, bác sĩ y học cổ truyền đều có thể đứng chủ trì cho các cơ sở này. Với số lượng khách sạn của Việt Nam như hiện nay thì sinh viên y học cổ truyền không khó để có được việc làm với mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, cả nước có gần 70 bệnh viện Y học cổ truyền. Cùng với đó, từ tuyến xã (trạm y tế) cho đến các bệnh viện Trung ương đều có khoa Đông y và được thanh toán bảo hiểm y tế. Đây cũng là môi trường việc làm tốt để sinh viên y học cổ truyền cống hiến. Nói như vậy để thấy rằng, y học cổ truyền cũng có thế mạnh riêng và cơ hội việc làm của sinh viên ngành Y học cổ truyền là rất tốt, rất rộng mở. - Nhân lực y tế có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Vậy theo PGS, các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực y tế đã đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay chưa? - Theo tôi, thang bảng lương của lực lượng làm trong ngành Y tế nói chung và đội ngũ bác sĩ nói riêng còn chưa tương xứng. Sau 6 năm miệt mài học tập, đến khi ra trường, được vào làm bác sĩ nhưng mức lương khởi điểm của họ chỉ là bậc 1, bằng với những cử nhân học 4 năm. Đây là điều bất hợp lý. Tôi đề xuất, lương của thầy, cô giáo và thầy thuốc phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nếu không chúng ta rất khó thu hút người tài cho hai ngành này. Đây cũng là giải pháp căn cơ để họ toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nghề nghiệp của mình. Thực tế, nhiều nước tiên tiến trên thế giới rất coi trọng thầy giáo và thầy thuốc. Ở các nước này, thầy giáo và thầy thuốc là những người được xếp hưởng lương cao nhất. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực; điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có hệ thống các trường y dược sẽ thực hiện cơ chế tự chủ theo luật định. Đây là chủ trương đúng đắn và cũng là chính sách lớn mà Đảng, Nhà nước rất quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, để các các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế chính sách này, nên chăng Nhà nước có “gói tài chính” cho các trường tạm vay. Bởi trong giai đoạn đầu thực hiện tự chủ, chắc chắn nhiều trường sẽ gặp những khó khăn nhất định - Xin cảm ơn PGS! Sỹ Điền (thực hiện) Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .