Thống kê của các chuyên trang mua bán bất động sản (BĐS), giao dịch nhà, đất tại phía Nam, đặc biệt là TP.HCM liên tục giảm ở mức hai con số. Gần hết tháng thứ hai của năm mới, thị trường nhìn chung vẫn chưa có gì khởi sắc. Giao dịch giảm ở mức hai con số Theo số liệu nghiên cứu trực tuyến mới nhất của chuyên trang batdongsan.com.vn cho thấy giao dịch nhà, đất trong thời điểm đầu năm 2020 đang có xu hướng giảm ở mức sâu. Cụ thể, tổng lượng tin đăng rao bán BĐS tính riêng trong tháng 1-2020 giảm 21%, nhu cầu tìm kiếm cũng giảm hơn 31% so với cùng kỳ tháng 1-2019. So sánh với thời điểm trước tết, nhu cầu tìm mua nhà, đất giảm thêm 9,3%. Riêng khu vực phía Nam, mức độ quan tâm đến BĐS của người mua giảm đến con số gần 30%, đặc biệt là ở loại hình đất nền và biệt thự, mức giảm ghi nhận 20%-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Với TP.HCM, trong tháng 1 nhu cầu tìm kiếm BĐS giảm mạnh đến 16,6% so với thời điểm này năm 2019. Cũng trong tháng này, hoạt động tìm kiếm phân khúc chung cư giảm 2,5% so với trước tết 2019, bất chấp lượng tin đăng rao bán tăng hơn 8,8%. “Tình trạng sụt giảm này chủ yếu do lượng tìm kiếm sản phẩm nhà ở bình dân trên địa bàn TP.HCM giảm mạnh, thấp hơn 16,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, nhu cầu tìm mua chung cư cao cấp tăng mạnh lên gần 20% so với sức mua cùng kỳ” - thống kê của chuyên trang BĐS trên nêu rõ. Trong tháng đầu năm, lượng tin đăng chào bán căn hộ bình dân tiếp tục giảm đến 17,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung phân khúc này gần như đã cạn kiệt trên thị trường sơ cấp. Riêng với thị trường thứ cấp, số dự án còn giao dịch cũng rất hạn chế vì đây là phân khúc chủ yếu phục vụ nhu cầu ở thực, có tỉ lệ mua đi bán lại thấp nhất thị trường. Giao dịch nhà ở TP.HCM liên tục giảm mạnh. Ảnh: HTD TP.HCM họp khẩn giải cứu thị trường Trong động thái mới nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, UBND TP.HCM dự kiến cuối tuần này (ngày 22-2), lãnh đạo TP sẽ gặp gỡ doanh nghiệp (DN) BĐS để lắng nghe những khó khăn, kiến nghị của DN và tìm cách tháo gỡ. Thông tin được mong chờ nhất trong cuộc họp này là việc cơ quan chức năng tìm cách giải quyết hàng trăm dự án đang bị ách tắc. Tại TP.HCM, từ tháng 10-2015 đến hết năm 2018 và kéo dài đến nay có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý. Cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. “Chúng tôi đang tập hợp và hoàn thiện các văn bản, báo cáo cũng như kiến nghị của DN để báo cáo trong buổi họp với UBND TP sắp tới” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM. Đánh giá về thị trường, theo ông Châu, đối với TP.HCM năm vừa qua cũng là năm thứ hai thị trường BĐS và các DN tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cùng mặt bằng pháp lý như nhau nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại không bị vướng. “Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất Nhà nước quản lý tương tự nhau nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không được phê duyệt nên chưa đảm bảo tính công bằng” - hiệp hội nhận định. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, trong đó căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15%-20% so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ khó tạo lập nhà ở hơn. “Nhìn chung, hầu hết các DN BĐS đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số DN bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản. Chúng tôi đều đang rất kỳ vọng vào buổi gặp sắp tới với lãnh đạo TP để tìm ra hướng giải cứu thị trường” - ông Châu cho biết. Ngày 18-2, tại Hà Nội, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã tổ chức hội nghị trao đổi những vướng mắc của DN BĐS, nhà đầu tư về chính sách của Nhà nước đối với thị trường BĐS Việt Nam. Dịp này, các DN đã chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc của họ trong quá trình phát triển dự án. Trong đó, hai trong những cái khó lớn nhất của DN là thủ tục hành chính và nguồn vốn. Hiệp hội và các DN đều thống nhất cần có thêm những gói “trợ giúp” mới cho thị trường phát triển. Đơn cử như hỗ trợ DN BĐS nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay; các ngân hàng thương mại có cơ chế miễn lãi và hỗ trợ lãi suất cho sản phẩm nhà ở xã hội; các gói hỗ trợ tín dụng như gói 30.000 tỉ đồng từng áp dụng… Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .