Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020 - 2021. Ảnh: Hữu Cường 5 bản thảo bộ sách giáo khoa lớp 1 Thông tin Bộ GD&ĐT đang tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thái Văn Tài chia sẻ: Tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã trở thành hiện thực bước đầu, đó là có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Hiện đã có 5 bản thảo bộ sách giáo khoa cho lớp 1 gửi Hội đồng quốc gia thẩm định mà không phải dùng đến ngân sách Nhà nước. Trong 5 bộ này, đa số có đầy đủ các môn và môn ít nhất là có 4 dự thảo sách giáo khoa. 5 bộ sách này được gửi từ các nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐHSP TP Hồ Chí Minh. Theo đánh giá sơ bộ của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, các sách giáo khoa thể hiện đa dạng theo tinh thần mở và bám sát các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó địa phương có phương án lựa chọn phù hợp với thực tế địa phương, theo đúng thẩm quyền, chức năng của mình. Đội ngũ viết sách giáo khoa là những nhà khoa học uy tín, năng lực chuyên môn được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay; có tâm huyết và làm việc theo tinh thần cống hiến. Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành trong năm nay Ông Thái Văn Tài Thể hiện sự tin tưởng sẽ có bộ sách giáo khoa tốt trước khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Thái Văn Tài lý giải: Thứ nhất, những người viết sách là các nhà khoa học có uy tín, tính tự trọng nghề nghiệp cao, làm việc với tinh thần cống hiến nhiều hơn là tính thương mại nên các bộ sách giáo khoa đã gửi Hội đồng thẩm định chắc chắn là kết quả của tinh thần làm việc nghiêm túc, đầy tâm huyết. Thứ 2, các bộ sách đều được trình thông qua một nhà xuất bản; đây là công việc nghiêm túc và cần đầu tư nhiều kính phí; không ai bỏ ra một khoản kinh phí lớn để làm một sản phẩm không tốt. Bên cạnh đó, các bộ sách không phải có ngay trong một sớm một chiều mà qua nhiều “bộ lọc”, nên các đơn vị, nhóm biên soạn phải đầu tư nhiều hơn để có sách giáo khoa chất lượng. Thẩm định bộ sách giáo khoa chuẩn là tiền đề áp dụng Chương trình GDPT mới. Ảnh: Đức Chiêm 9 Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 Ngày 16/7/2019, Bộ GD&ĐT ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu 7 người. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng được quy định rõ: Có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định sách giáo khoa. Có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được thẩm định. Đã từng tham gia một trong các công việc: Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa; hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp dạy học ở cấp học có sách giáo khoa được thẩm định. Quy trình thẩm định sách giáo khoa được nêu tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng, bản mẫu sách giáo khoa được đơn vị tổ chức thẩm định gửi cho các thành viên Hội đồng. Thành viên Hội đồng đọc, nghiên cứu và viết nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa; Hội đồng họp, thảo luận về bản mẫu sách giáo khoa theo quy định. Thành viên Hội đồng đánh giá và xếp loại bản mẫu sách giáo khoa. Đánh giá của Hội đồng sẽ vào một trong ba loại: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”. Hội đồng xếp loại “Đạt” đối với bản mẫu sách giáo khoa được ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại “Đạt”; xếp loại “Đạt nhưng cần sửa chữa” đối với bản mẫu sách giáo khoa được ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại “Đạt” và loại “Đạt nhưng cần sửa chữa”, hoặc ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại “Đạt nhưng cần sửa chữa”; xếp loại “Không đạt” trong các trường hợp còn lại. “Sách giáo khoa đã được Hội đồng thẩm định là phù hợp với toàn quốc; đảm bảo phù hợp với thực tế dạy học của nhà trường ở những vùng miền khác nhau và đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Cũng lưu ý thêm, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học quan trọng, chương trình thống nhất chung toàn quốc là pháp lệnh cao nhất và tất cả hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải dựa vào chương trình, theo đúng yêu cầu của chương trình” – ông Thái Văn Tài lưu ý. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .