Hội thảo được tổ chức tại trường THPT An Dương (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) dưới sự chủ trì của ông Phạm Tuấn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cùng Ban Giám hiệu trường THPT An Dương với sự tham gia của hàng trăm giáo viên, cán bộ quản lý của Sở GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn thành phố. Theo đó, quán triệt tinh thần giáo dục STEM (từ viết tắt của cụm từ Khoa học- Công nghệ- Kỹ thuật- Toán học) trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn liên quan, năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã đưa giáo dục STEM vào trong trường học. Bước đầu, Sở GD&ĐT cho thực hiện thí điểm STEM tại một số trường THPT, THCS có đủ điều kiện thực hiện. Trường THPT An Dương là trường THPT đầu tiên của Hải Phòng thực hiện thí điểm phương pháp này. Năm học 2018-2019, thực hiện nhiệm vụ năm học “Tiếp tục quán triệt tinh thần giáo dục tích hợp Khoa học- Công nghệ-Kỹ thuật- Toán (STEM) trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học có liên quan”, Trường THPT An Dương đã tổ chức thành công hai chủ đề. Chủ để môn Sinh học do cô giáo Bùi Thị Nga hướng dẫn học sinh lớp 11 “Tạo dáng cây cảnh đơn giản trong gia đình”; môn Hóa học lớp 11 do cô giáo Nguyễn Thu Hằng hướng dẫn học sinh chủ đề “Ứng dụng của cacbon hoạt tính”. Hai chủ đề trên được hội thảo đánh giá cao về khả năng dạy học tích hợp liên môn giữa Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học. Do vậy, việc giáo dục học sinh theo định hướng STEM đạt được hiệu quả tốt, tạo hứng thú cho học sinh tham gia và đem lại kết quả ban đầu tích cực. Tuy nhiên, tại hội thảo nhiều giáo viên, cán bộ quản lý của các trường THPT trên địa bàn nêu lên một số băn khoăn và vướng mắc khi tổ chức giáo dục STEM. Bà Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thăng Long băn khoăn: Thời gian để tổ chức một tiết dạy học theo định hướng STEM kéo dài hơn 1 tiếng, quá thời gian của 1 tiết học liệu có ảnh hưởng tới các môn học khác, có ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi THPT quốc gia? Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đưa giáo dục STEM áp dụng đại trà sẽ rất khó khăn cho các trường về kinh phí vì chi phí để tổ chức một tiết học, một chuyên đề là rất lớn; việc liên hệ cho học sinh đi thực tế gặp nhiều khó khăn nhất là những trường học tại nông thôn; để thực hiện một chuyên đề giáo dục theo định hướng STEM cả giáo viên và học sinh đều rất vất vả, mất thời gian, công sức chuẩn bị từ trước đó... Nhiều ý kiến băn khoăn được giáo viên, cán bộ quản lý của các trường đưa ra tại Hội thảo Giải quyết những băn khoăn của giáo viên và cán bộ quản lý về việc dạy học theo định hướng STEM, ông Phạm Tuấn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD& ĐT Hải Phòng nêu quan điểm: Giáo dục theo định hướng STEM là cách giáo dục tốt để phát huy được năng lực của học sinh, nó là sự tích hợp của 4 lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học. Việc giáo dục theo định hướng STEM cần gắn liền với thực tiễn đời sống, giúp học sinh trải nghiệm và tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng theo định hướng STEM trong các cơ sở giáo dục không nên tuyệt đối hóa mà các trường phải áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của trường mình, bám vào vấn đề cơ bản là tăng cường hoạt động cho học sinh, đảm bảo kết quả giáo dục tốt nhất. Quan điểm của Sở GD&ĐT Hải Phòng, đối với mỗi môn học thuộc lĩnh vực giáo dục theo định hướng STEM là các trường cần tổ chức ít nhất 1 chủ đề trong một năm học để dạy học theo định hướng này. Được biết, năm học 2017-2018, Trường THPT An Dương đã tổ chức thành công ngày hội STEM lần thứ nhất và tổ chức hội thảo cấp thành phố với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng giáo dục STEM trong trường phổ thông”. Chương trình đã tạo được sự hứng thú học tập, tinh thần hăng say nghiên cứu, tìm tòi của học sinh và bước đầu tạo hiệu ứng tích cực trong việc giáo dục định hướng STEM trong trường học. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .