Có thể kể tới những khó khăn do điều kiện học tập của học sinh (HS) chưa bảo đảm, phụ huynh còn chưa sát sao và một bộ phận nhỏ giáo viên “chưa chuyển động”… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết: Từ tháng 2, nhà trường đã chủ động tổ chức tập huấn cho giáo viên về triển khai dạy học trực tuyến. Thời gian đầu, giáo viên gửi các bài luyện tập cho HS ôn lại kiến thức mà không dạy bài mới bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với khả năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) của giáo viên. Cụ thể, có lớp gửi bài qua group Viber của phụ huynh, lớp sử dụng phần mềm SHub Classroom để giúp HS làm bài luyện tập và giáo viên quản lý được bao nhiêu em làm bài, em nào làm đúng, em nào làm chưa tốt thì yêu cầu sửa lại... Sau khi có chỉ đạo của Sở về việc dạy trực tuyến kiến thức mới, giáo viên đã sáng tạo trong việc tận dụng các phần mềm dạy học trực tuyến như Zoom, Google Classroom, hoặc vận dụng phần mềm Ispring để soạn bài giảng E-Learning. Để bảo đảm chất lượng của giáo án trực tuyến, các khối lớp trao đổi, bàn bạc kỹ về nội dung của bài giảng, sau đó có gửi email cho ban giám hiệu kiểm tra, góp ý trước khi thiết kế bài hoàn chỉnh và đưa lên trang web của trường. Bên cạnh đó, thầy cũng có nhiều hình thức phong phú, sáng tạo khác như quay clip các bài giảng, gửi trực tiếp trong group phụ huynh để hướng dẫn HS học tập. Việc dạy học trực tuyến ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm rất linh hoạt. Giáo viên có thể gửi bài luyện tập qua email, qua group của phụ huynh, của lớp hoặc các trang như Edmodo, Google Classroom, SHub classroom... Cách học này hiệu quả đối với việc ôn tập lại bài học cũ. Hoặc quay video lại các bài giảng, gửi cho HS xem, kết hợp với giao bài tập về nhà. Với phương pháp này, học sinh phải biết cách tự học hoặc học với sự hướng dẫn của phụ huynh. Ngoài ra, giáo viên có thể dạy trực tiếp, sử dụng các phần mềm trực tuyến như Skype, Zoom, Google Hangout... kết hợp với gửi bài tập về nhà. Theo cô Mai Hương, trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, việc dạy học trực tuyến giúp phụ huynh và HS yên tâm. Cho dù dạy học với mô hình nào, ý thức tự học của HS là quan trọng nhất. Thêm vào đó là sự phối hợp, giám sát của phụ huynh sẽ nâng cao hiệu quả của việc dạy học này. Chờ sự chuyển động của “ba bên” Theo lãnh đạo một trường tiểu học tại quận Tân Bình, việc dạy kiến thức mới qua hình thức trực tuyến cho HS ở thời điểm này là giải pháp hay nhưng để triển khai đại trà và có hiệu quả là điều không dễ. Ngoài ra, điều kiện về thiết bị phục vụ học tập, như máy tính nối mạng chẳng hạn, không phải gia đình nào cũng đáp ứng được. Đó là chưa kể, trong thời gian tạm nghỉ do dịch Covid-19, nhiều em được cha mẹ gửi về quê, ông bà trông nên khó để hướng dẫn cụ thể cho các em học trực tuyến. Với những em này, giáo viên đa phần chuyển các bài hướng dẫn học, giao bài tập theo kiểu truyền thống. Việc này dẫn đến hiệu quả không đồng đều. Bên cạnh đó, vẫn có bộ phận nhỏ giáo viên còn loay hoay với việc ứng dụng CNTT trong dạy học... Và nhất là việc giám sát các em học tập, làm bài, tiếp thu bài như thế nào cũng là điều nhà trường trăn trở. Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh) chia sẻ: Đây là thời điểm mà kỹ năng sử dụng, ứng dụng CNTT vào giảng dạy của giáo viên được phát huy tối đa. Các giáo viên có thể ứng dụng phần mềm Zoom, MS Teams… office 365 để dạy học, tương tác với học trò hoặc quay các clip đăng tải lên trang web nhà trường, fanpage trường. Những khó khăn như lãnh đạo trường tiểu học quận Tân Bình nêu trên là có thật. Để triển khai tốt dạy học trực tuyến cho HS tiểu học, thầy Vũ Hoàng Sơn lưu ý người thầy phải nắm bắt kỹ từng trường hợp và có phương án phù hợp như gửi email, in các bài tập, hướng dẫn ôn tập gửi cho phụ huynh. Tuy nhiên, các biện pháp này không hiệu quả bằng việc thầy trò cùng tương tác học tập, trao đổi về bài học. Vì thế, theo thầy Sơn, khi HS trở lại trường, cần thiết rà soát và tổ chức ôn tập phần kiến thức mới trong những tuần dạy học trực tuyến cho các em. Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử C1 của nhà trường. Ở khối lớp 1, 2, 3 môn Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ. Ở khối 4, 5 gồm môn Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Khoa học và Địa lý. Nội dung dạy học từ ngày 16/3 - 5/4 gồm kiến thức của tuần 21 đến hết tuần 23 theo phân phối chương trình năm học cho đến khi có thông báo kế tiếp. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .