Tuy nhiên, chỉ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, khiến việc học tập trung của học sinh - sinh viên không thể diễn ra người ta mới cảm nhận rõ vai trò và tầm quan trọng của mô hình giảng dạy này. Cơ hội “vàng” trong thách thức Nhìn nhận dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát khiến cho việc học của học sinh, sinh viên cả nước gián đoạn là một thách thức nhưng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, điều này lại vô tình mở ra cơ hội và triển vọng cho cả hệ thống giáo dục ĐH nói riêng, ngành Giáo dục nói chung trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cũng như đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy trong kỉ nguyên số. Theo PGS Nguyễn Ngọc Vũ, việc giảng dạy trực tuyến là phương pháp không mới, thậm chí, nhiều trường đang tích cực đầu tư hệ thống, cơ sở vật chất để có thể tương tác, giảng dạy ở nhiều không gian học tập. Nếu các trường đầu tư bài bản, nghiêm túc, yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng bài giảng với giảng viên sau mỗi giờ lên lớp, kết quả học tập của sinh viên thậm chí tốt hơn việc dạy truyền thống. “Chúng ta cứ nghĩ việc học trực tuyến là phương pháp đơn giản khi cần có sự chủ động từ phía sinh viên. Thực tế, dạy học trực tuyến không chỉ đơn giản có vậy, nó cần sự nghiêm túc từ cả hai phía. Để có một buổi học online chất lượng nhất, mô hình dạy học trực tuyến cho tất cả các môn học cần đảm bảo 3 bước chính. Giảng viên và sinh viên phải tương tác trực tiếp với nhau (trên hệ thống Videoconferencing qua webcam, công cụ chat). Hai bên kết nối và thảo luận, bài tập trắc nghiệm, học liệu…thông qua các diễn đàn. Sau mỗi buổi học là lấy phản hồi của sinh viên để thực hiện công tác bảo đảm chất lượng” - PGS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết. Không chỉ mở ra “bước nhảy” lớn về thay đổi phương pháp giảng dạy, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM còn cho rằng, dạy học trực tuyến sẽ giúp giảng viên xóa bỏ đi nhiều tư duy lối mòn, truyền thống, giúp cho không gian học tập của sinh viên tươi mới và rộng mở hơn. “Tất nhiên, muốn CNTT hỗ trợ hữu hiệu cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong các trường, đội ngũ giáo viên phải thực sự say mê, am hiểu sâu sắc, kĩ năng sử dụng thành thạo trong những hoàn cảnh và hoạt động giáo dục cụ thể. Ngoài ra, việc kết hợp CNTT với năng lực ngôn ngữ và phương pháp sư phạm cũng là vấn đề quan trọng mà giáo viên cần quan tâm trong quá trình triển khai. Vì vậy, nhà trường cần động viên khuyến khích GV có sự tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học cũng như có chính sách khen thưởng phù hợp thay vì buộc giáo viên phải triển khai giáo án điện tử thường xuyên nhưng lại không kiểm định về chất lượng sau mỗi giờ dạy” - TS Trần Đình Lý nói. Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Truyền thông & Tuyển sinh Trường ĐH KHTN TPHCM cũng nhìn nhận: Việc dạy học trực tuyến không khó, chỉ cần giảng viên có nền tảng sử dụng CNTT cơ bản, cũng như hạ tầng kỹ thuật công nghệ của trường tốt là có thể thực hiện và triển khai. Điều quan trọng nhất là quản lý chất lượng của lớp học, chất lượng của từng môn học. Không phải môn học nào cũng dạy trực tuyến được, không phải lớp học nào cũng dạy trực tuyến được bởi tùy vào tính chất môn học, số lượng học sinh trong lớp học, trang thiết bị của giáo viên, sinh viên và đường truyền Internet. “Thực tế cho thấy, để có một giờ học chất lượng, giảng viên phải có thời gian dài chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị bài giảng, quay phim bài giảng, các phương án đánh giá môn học, lúc đó việc dạy trực tuyến mới đảm bảo những tiêu chí nhất định. Việc các trường đồng loạt chuyển hình thức dạy học trực quan sang online tránh dịch đã và đang mang đến cơ hội lớn cho sự “chuyển đổi” phương pháp giảng dạy và tiệm cận ứng dụng các thành tựu của công nghệ cho đội ngũ rất nhiều, tuy nhiên, muốn có sự chủ động tại các lớp học trực tuyến, bản thân các trường và giáo viên vẫn còn phải chuyên nghiệp nhiều điều” - Thạc sĩ Phùng Quán nhấn mạnh. Giảng dạy trực tuyến đòi hỏi sự chủ động lớn từ sinh viên. Cần hành lang pháp lý và chế định về chất lượng PGS Nguyễn Ngọc Vũ tin tưởng Việt Nam có nền tảng để thực hiện và mở rộng xu hướng dạy học trực tuyến bởi nhiều trường ĐH đã và đang có khát vọng lớn trong hội nhập và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên theo ông, điểm yếu lớn nhất trong việc dạy học trực tuyến là chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc tổ chức dạy học. Thứ nữa là hạ tầng Internet quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học trực tuyến quy mô lớn. Khá nhiều sinh viên phàn nàn về việc gặp trục trặc đường truyền khi học ở nhà. Đặc biệt, một bộ phận lớn phụ huynh, giáo viên, học viên và các nhà quản lý gần như chưa có kinh nghiệm, trải nghiệm trực tiếp đối với việc dạy, học trực tuyến. “Để có một buổi học online chất lượng, ngoài sự sáng tạo của giảng viên, sự chủ động của sinh viên thì các trường vẫn rất cần một kho học liệu số có chất lượng tốt. Đây là điều mà nhiều trường vẫn đang thiếu, phần nhiều vấn đề này lại phụ thuộc vào định hướng của mỗi trường” - PGS Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ. Thạc sĩ Nguyễn Duy Nhất - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Giảng viên Khoa Hệ thống thông tin và thường trực Đề án E-Learning của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) nhìn nhận, việc thiếu cơ sở về mặt pháp lý là khó khăn lớn nhất của việc dạy học từ xa nói chung, dạy học trực tuyến nói riêng hiện nay. Vì vậy, theo ông Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành hướng dẫn chung, cũng như có một đề án chung mang tầm quốc gia về việc dạy học trực tuyến để tránh kiểu mạnh ai nấy làm. TS Trần Đình Lý lưu ý: “Giáo dục vẫn sẽ là ngành phải tiên phong trong việc thay đổi để tiếp cận với sự thay đổi của cuộc CMCN 4.0. Mọi thứ vẫn cần phải có một khung định chế và hành lang pháp lý nhất định để ngoài việc bảo đảm chất lượng giờ giảng, các trường còn giám sát, kiểm tra được hiệu quả giảng dạy trực tuyến của giáo viên. Quan trọng hơn, những định chế, chuẩn thức chung Bộ GD&ĐT xây dựng, ban hành sẽ giúp giảng viên không sa đà hay rơi vào bẫy cái tôi cá nhân, khiến bản thân họ không kiểm tra, đánh giá được học sinh, sinh viên”. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .