Một tiết dạy kỹ năng sống. Ảnh Internet Nhận thức ngây ngô về phương pháp sư phạm TS Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra với 3 trẻ mầm non tại Hà Nam là bài học lớn cho các thầy cô dạy kỹ năng sống trong nhà trường hiện nay. Trong kỹ thuật dạy học hiện đại nói chung và kỹ thuật giảng dạy kỹ năng sống nói riêng, việc giúp học sinh trải nghiệm để học tập và hình thành năng lực có ý nghĩa rất quan trọng. Xét về nguyên lý sư phạm, khi đứa trẻ càng được tiếp xúc đa giác quan, trải nghiệm nhiều sẽ càng có cơ hội để lĩnh hội kiến thức, hình thành năng lực. Đây là nguyên lý chung của sự học, đặc biệt là trong quá trình giảng dạy kỹ năng sống – môn học vốn hướng đến năng lực hoạt động thực tiễn, thích ứng với hoàn cảnh và phát triển cho những đứa trẻ. Tuy nhiên, quá trình tổ chức cho trẻ trải nghiệm phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Thứ nhất, trẻ phải được an toàn. Điều này có nghĩa là khi tham gia vào các hoạt động học tập mang tính trải nghiệm, trẻ phải được bảo đảm an toàn về cả thể chất và tâm lý. Về thể chất, trẻ phải tuyệt đối được bảo vệ khỏi những tổn thương thực thể, tránh nguy cơ bị tai nạn thương tích. Về phương diện tinh thần, trẻ phải được tôn trọng, an toàn trong bầu không khí thân thiện khi học tập. Thứ 2, hành vi của trẻ trong quá trình học tập, trải nghiệm không làm phiền đến người khác. Khi trẻ trải nghiệm, học tập thành công nhưng ảnh hưởng đến những người xung quanh, làm phiền thậm chí làm hại người khác là điều phản giáo dục. TS Hoàng Trung Học Tình huống cô giáo gây cho trẻ bị bỏng khi dạy kỹ năng sống bằng cách đốt cồn thật với hy vọng giúp trẻ trải nghiệm phản ánh nhận thức ngây ngô về phương pháp sư phạm. Cô giáo chưa tính hết những nguy hiểm có thể gây ra cho trẻ trong quá trình giảng dạy. Việc lựa chọn nguyên tắc trải nghiệm là không sai nhưng trải nghiệm bằng hình thức cụ thể như cô giáo đã làm là không phù hợp. Sự thật là điều tồi tệ đã xảy ra, gây tổn thương đến thực thể cho 3 đứa trẻ. Nguyên tắc an toàn bị vi phạm trong quá trình dạy học. Các cô chưa thực sự hiểu về cách thức tổ chức cho trẻ trải nghiệm, dẫn đến việc tổ chức dạy học sai và sự việc đáng tiếc xảy ra. Tập huấn chuyên sâu về phương pháp TS Hoàng Trung Học cho rằng, việc dạy kỹ năng sống đòi hỏi những phương pháp dạy học khá đặc trưng và có nhiều khác biệt so với các môn khoa học khác. Để giảng dạy tốt kỹ năng sống, giáo viên cần chú ý đến các yếu tố quan trọng trong tổ chức dạy học như trải nghiệm, thực hành, cảm hứng, tích cực… Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Trong các nguyên tắc này, nguyên tắc an toàn, không gây phiền hà cho người khác cần đặt lên hàng đầu. Trước khi học được những điều hay, lẽ phải, những kỹ năng thiết thực từ bài giảng của thầy cô, cần được bảo đảm an toàn trước. An toàn cần được hiểu cả về phương diện tâm lý và thể chất. Thứ 2, để bảo đảm quá trình dạy kỹ năng sống có hiệu quả, người giáo viên cần những năng lực đặc trưng, đáp ứng những đòi hỏi khác biệt so với việc giảng dạy các môn văn hóa khác. Do đó, họ cần được tập huấn chuyên sâu về các phương pháp sư phạm để giảng dạy kỹ năng sống. Học viện Quản lý Giáo dục trong suốt thời gian qua đã thực hiện bồi dưỡng, đào tạo cho nhiều giáo viên giảng dạy trong lĩnh vực này. Rõ ràng, việc được tập huấn chuyên sâu về phương pháp sư phạm để giảng dạy kỹ năng sống là cần thiết. Thứ 3, các nhà trường cần tăng cường quản lý trong lĩnh vực giảng dạy kỹ năng sống, giá trị sống. Các giáo án giảng dạy cần được phê duyệt, góp ý cẩn thận. Nếu những giáo án này được duyệt cẩn thận bởi các nhà sư phạm có chuyên môn, chắc chắn hoạt động trải nghiệm kiểu như trên sẽ không bao giờ được thông qua. Nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên trong quá trình giảng dạy kỹ năng sống, tăng cường quản lý chuyên môn trong lĩnh vực này sẽ giúp chúng ta tránh được những vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra vừa qua. Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương - tác giả của nhiều đầu sách hay về giáo dục cho rằng: “Tự thân trải nghiệm là điều quan trọng đối với GV khi dạy kỹ năng sống. Để hướng dẫn học sinh trải nghiệm, giáo viên phải nghiên cứu tài liệu, điều tra thực địa và tự mình trải nghiệm nhiều lần và đặt ra vô vàn giả thuyết rồi khẳng định, phủ định nó. Nếu dạy về dũng cảm mà thầy chưa bao giờ dám can đảm dù chỉ là can đảm trong ý nghĩ thì rất khó. Dạy học sinh chăm học mà thầy cô lúc rỗi chẳng bao giờ cầm sách đọc, chẳng bao giờ tìm tòi thứ gì mới mẻ, chẳng bao giờ dám “trật đường ray” thì cũng vô ích… Những người giáo viên đúng nghĩa chính là người dạy học sinh không phải bằng những gì nói trên lớp, cũng chẳng phải những gì bắt học sinh làm. Họ dạy bằng chính cuộc đời của họ”. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .