SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ảnh: Nhà trường cung cấp Chìa khóa mở cánh cửa tự chủ Luật GDĐH chính thức có hiệu lực từ 1/7 với nhiều thay đổi trong thiết chế quản lý và điều hành trường đại học. Đáng chú ý nhất là vai trò tuyệt đối của hội đồng trường (HĐT) - Một tổ chức lâu nay vốn dĩ không thật sự có tiếng nói trong đường hướng chiến lược, kế hoạch nhân sự và phát triển nhà trường thì nay hoàn toàn ngược lại. Theo nhiều hiệu trưởng, đây chính là “nút thắt” lớn nhất được cởi bỏ để giúp các trường tự chủ một cách toàn diện. Thực tế, nhìn vào câu chuyện của Trường ĐH Kinh tế TPHCM hay Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Tuy là thí điểm và thực thi cơ chế tự chủ trong nhiều rào cản của cơ chế quản lý, văn bản nhưng có thể thấy khi ý chí của tập thể, sự quản trị và điều hành mang tính dân chủ đã mang đến sự ổn định trong quản trị cho hai ngôi trường trên. TS Trần Thế Hoàng - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhìn nhận: Chính cách quản trị và chế độ đãi ngộ CB-CNV-GV mỗi ngày một tốt hơn khi chuyển qua cơ chế tự chủ là chìa khóa cho sự thành công của nhà trường. “Không chỉ ổn định và nâng cao đời sống CB-CNV-GV, trường còn có những chính sách đúng đắn về công tác hỗ trợ sinh viên, thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học (NCKH) (bằng chính sách đặc thù của nhà trường). Chúng tôi có quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn, học giỏi; Có quỹ khuyến khích CB-GV làm NCKH, chuyển giao công nghệ… Tất cả từ nguồn tiền tích lũy có được của nhà trường, sự hỗ trợ từ doanh nghiệp sau đó được chuyển ngược lại phục vụ cho chính SV và GV” - TS Hoàng cho biết. Đã có nhiều mô hình tự chủ thành công. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn vào bức tranh xây dựng cơ chế tự chủ hiện nay (23 trường thí điểm), chúng ta không khó nhận ra là rất ít trường thuộc khối sư phạm hay khoa học cơ bản mà tập trung chủ yếu khối kinh tế, XH-NV và công nghệ kỹ thuật. Điều đó cho thấy yếu tố tự chủ về tài chính giữ vai trò rất lớn trong quyết định việc tự chủ của các trường. Mà theo hiệu trưởng một trường đại học tại TPHCM, điều này cho thấy sự mất cân đối đang dần hiện hữu. Đơn giản là họ không phải đầu tư nhiều máy móc, phòng thí nghiệm và nhiều ngành đào tạo có nhu cầu của người học cao. Ngược lại, các trường khối sư phạm hay khoa học cơ bản nếu chuyển qua tự chủ rất khó bảo đảm yếu tố tài chính khi nhu cầu ngành học của xã hội không cao, dù nhân lực các ngành này Nhà nước, nền kinh tế, xã hội lại cần. Đây là điều cần suy nghĩ và cân đối để “đôi cánh” tự chủ GDĐH không bị lệch trong đào tạo nhân lực, hệ thống GDĐH không bị nghiêng trục khi phát triển thiếu đồng bộ. Gỡ nút thắt Để giảm chi ngân sách Nhà nước và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014, về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Theo Luật GDĐH, tự chủ đại học bao gồm tự chủ về tổ chức bộ máy - nhân sự, tài sản - tài chính và chuyên môn học thuật. Đến nay, 23 cơ sở giáo dục đại học thí điểm đã chủ động hơn trong vấn đề này và quyền tự chủ đã mang đến những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự chủ đại học vẫn còn một số hạn chế khi tự chủ đại học hiện phần nhiều được tiếp cận từ góc độ tài chính (tự bảo đảm kinh phí hoạt động), mà chưa chú trọng tới tổ chức - nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, khoa học - công nghệ… Luật GDĐH mới đã đi vào cuộc sống, các rào cản trong việc thúc đẩy tự chủ cho các trường gần như bị triệt tiêu.Vì vậy, một trường theo mô hình tự chủ cần xây dựng cơ chế một cách đồng bộ giữa 3 mặt tài chính - nhân sự và quản trị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ SV, chất lượng đào tạo. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM Thực tế này theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là điều mà những trường thực hiện cơ chế tự chủ như trường ông rất bối rối. “Mang tiếng tự chủ nhưng việc gì cũng phải báo cáo và có sự đồng ý từ cơ quan chủ quản (về mặt cơ chế) thì rất khó để chúng ta tự chủ thành công. Không thể chối bỏ việc tự chủ đã mang đến sự thay da đổi thịt và lực đẩy rất lớn cho các trường đại học, tuy vậy, để tự chủ triệt để như các trường nước ngoài cần phải tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa những ràng buộc. Luật GDĐH mới đã có hiệu lực chính là chìa khóa. Cứ để các trường tự thực hiện cơ chế phát triển - tự chịu trách nhiệm với xã hội (dưới sự hậu kiểm từ Bộ GD&ĐT), tôi tin tự các trường còn đi xa hơn nữa” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói. TS Phan Đăng Sơn - Viện Khoa học tổ chức nhà nước lại cho rằng: Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời. Tăng cường quá quyền tự chủ mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ có nguy cơ dẫn đến vô chính phủ, giảm sút chất lượng, chạy theo lợi ích trước mắt. Ngược lại, tăng cường sự chịu trách nhiệm mà hạn chế quyền tự chủ sẽ trói buộc các cơ sở đại học, không tạo ra động lực và cơ chế cho sự vận hành tự nhiên, hạn chế sự mềm dẻo, linh hoạt, khả năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội. Vì vậy ông cho rằng, để các trường tự chủ một cách thành công, các thiết chế (Luật GDĐH) cần duy trì sự can thiệp đúng mức của Nhà nước thông qua các công cụ pháp lý, quy chế, tài chính để rồi từ bỏ dần sự can thiệp trực tiếp vào quản lý vi mô, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đại học là cần thiết. Mặt khác, để có thể sử dụng các lực lượng thị trường, tạo động lực cho giáo dục đại học một cách đúng mức, cần có sự tham gia của các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường vào việc điều chỉnh và nâng cao sự chịu trách nhiệm của các cơ sở đại học. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .