Tàu bè nườm nượp trên kênh Chợ Gạo tháng 4-2018 - Ảnh: V.TR. Bộ Giao thông vận tải đề xuất trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng về việc dừng thực hiện dự án, giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính đưa dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 vào kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trường hợp không bố trí được nguồn vốn dự phòng trung hạn, cho phép thực hiện đầu tư dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 trong dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 1 của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo đã được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt. Tuy nhiên, đến nay đã quá tải và ùn tắc lúc cao điểm. Để khắc phục tình trạng quá tải, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện dự án giai đoạn 2 không thể cân đối được, tháng 7-2016, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức BOT. Tháng 10-2016, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2 theo hình thức BOT. Dự án có quy mô nạo vét nâng cấp 9,85km luồng phía nam kênh Chợ Gạo; xây dựng 9,85km kè thảm đá phía bờ nam kênh Chợ Gạo và 123m kè tường đứng bêtông cốt thép phía bờ bắc đoạn thị trấn Chợ Gạo; Xây dựng 9,86km đường dân sinh, 3 cầu dân sinh và 14 cống thoát nước; lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên toàn tuyến kênh; xây dựng trung tâm điều hành, 2 trạm hướng dẫn, điều tiết thu phí và hệ thống nhận diện phương tiện. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 là 1.337 tỉ đồng, trong đó xây lắp 600 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 427 tỉ đồng, dự phòng 166 tỉ đồng… Để hoàn vốn, nhà đầu tư thu phí các phương tiện có tải trọng toàn phần trên 300 tấn có hàng và không hàng với mức thu phí 1.430 đồng/tấn/lượt, tương đương 50 đồng/tấn/km; lộ trình tăng phí 3 năm/lần, mỗi lần tăng 7,5%. Thời gian thu phí hoàn vốn trong 18 năm 2 tháng. Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án nhưng chỉ có 1 đơn vị nộp hồ sơ dự sơ tuyển là liên danh Công ty TNHH đầu tư và thương mại Nam Phương - Công ty TNHH MTV Long Hải - Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bình Lệ Xuân. Do chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển nên bộ này đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Để thực hiện dự án theo hình thức BOT, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lấy ý kiến UBND, đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và các doanh nghiệp vận tải. Kết quả có 33% doanh nghiệp đề nghị giảm mức thu phí xuống còn 50%; có 8% doanh nghiệp đề nghị tăng trọng tải phương tiện thu phí lên 400 tấn; 8% doanh nghiệp đề nghị giảm trọng tải phương tiện thu phí xuống còn 200 tấn và hạ mức phí xuống 1.200 đồng/tấn/lượt. Vì vậy, phương án tài chính của dự án điều chỉnh theo kết quả tham vấn là không khả thi. Bên cạnh đó, bộ cũng nhận định do không thể công bằng tuyệt đối cho tất cả các đối tượng khi sử dụng dự án và tình hình an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT đường bộ đang phức tạp, việc tiếp tục triển khai dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức BOT sẽ tiềm ẩn mất an ninh trật tự. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .