Việc mua những BĐS mà giấy tờ còn đang thế chấp ở ngân hàng sẽ tiềm ẩn một số rủi ro khó tránh như BĐS thế chấp bị xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật do bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ lãi, nợ vay đối với ngân hàng. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đối với BĐS đang thế chấp, giấy tờ bản chính của BĐS được ngân hàng lưu giữ nên người mua có thể không biết chính xác các thông tin liên quan đến BĐS đó. Ngoài ra, việc sang tên chuyển nhượng cho người mua sẽ gặp khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian hơn do khi giao dịch, chuyển nhượng BĐS phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Một số trường hợp BĐS thế chấp bị xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật do bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ lãi, nợ vay đối với ngân hàng. Thứ tự xử lý tài sản bảo đảm là ưu tiên đăng ký giao dịch bảo đảm và ưu tiên thanh toán cho giao dịch bảo đảm có đăng ký. Do đó người mua sẽ khó bảo vệ quyền lợi của mình nếu BĐS đó được dùng để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của người bán. Với những khó khăn nêu trên, người mua BĐS đang thế chấp cần tìm hiểu kỹ các thông tin, yêu cầu xuất trình giấy tờ gốc chứng minh quyền sở hữu, văn bản chứng minh đủ điều kiện chuyển nhượng. Cũng theo luật sư Hậu, người mua BĐS đang thế chấp phải lập thỏa thuận ba bên bằng văn bản và chỉ giao dịch khi có sự đồng ý của ngân hàng về việc chuyển nhượng. Khoản tiền nhận chuyển nhượng cần phải bằng hoặc lớn hơn so với khoản nợ (tính cả gốc lẫn lãi) tại ngân hàng. Các bên cần thực hiện công chứng hợp đồng đầy đủ theo quy định. Lưu ý bên mua cần giữ lại tất cả giấy tờ liên quan đến giao dịch để dễ dàng đối chiếu về sau. NGUYỄN CHÂU Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .