- Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, Sở GD&ĐT Đồng Nai đã điều chỉnh kế hoạch dạy học như thế nào, thưa ông? - Sau tuần đầu cho học sinh nghỉ học, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tùy vào điều kiện nhà trường, giáo viên có thể vận dụng các phần mềm hỗ trợ dạy và học qua mạng như: E-Learning của VNPT, Viettelstudy, mô hình “Trường học kết nối”… Đồng thời tạo các group trên Facebook, Zalo, thông qua website, email…, qua đó các thầy cô giáo kịp thời chia sẻ các bài học cũ hoặc giao bài học mới, giúp học sinh có thể ôn tập hoặc nghiên cứu trước bài học tại nhà một cách có hệ thống. Từ đó, các em chủ động ghi nhớ những kiến thức trọng tâm đã học, chủ động và tự tin hơn tiếp thu kiến thức mới khi trở lại trường. - Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng với học sinh cuối cấp, Sở GD&ĐT Đồng Nai chỉ đạo gì? - Sở GD&ĐT Đồng Nai đã phối hợp cùng Đài PTTH Đồng Nai tổ chức ghi hình các bài giảng một số môn học, chủ yếu ôn tập những kiến thức trọng tâm của học kỳ I các khối lớp 9 và lớp12. Việc phát sóng trên Đài PTTH giúp học sinh hệ thống hóa, khắc sâu các kiến thức cơ bản đã học vừa qua. Từ đó cũng giúp nhà trường dành thời gian nhiều hơn sau này cho việc giảng dạy bài mới, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nội dung chương trình dạy học các môn văn hóa đã quy định. Mặt khác, giải pháp ôn luyện qua sóng truyền hình được phủ sóng khắp nơi, giúp hầu hết học sinh có thể tham gia ôn luyện học tập, đặc biệt là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa những nơi có hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) chưa đầy đủ. Riêng kiến thức học kỳ II, chúng ta không quá lo lắng. Chắc chắn, Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh Kế hoạch thời gian năm học, các mốc kỳ thi quan trọng phù hợp, sao cho đủ thời gian bù trừ cho thời gian tạm nghỉ học dài ngày vừa qua. Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai - Dạy học từ xa - ôn luyện kiến thức qua mạng không còn xa lạ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cũng như các em băn khoăn không biết hiệu quả cuối cùng ra sao? - Chúng tôi đã tập hợp đội ngũ thầy cô uy tín cao, kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy ở hai khối lớp 9 và 12 để thực hiện hoạt động soạn, giảng, thu hình… Nhìn chung, theo cách thu hình và phát lại trên tivi hiện nay, đây là giải pháp tình thế, có thể không đáp ứng đầy đủ các hoạt động dạy học mong muốn như dạy học chính khóa ở trên lớp (tương tác qua lại giữa thầy và trò, sử dụng trang thiết bị dạy học chẳng hạn…). Nhưng bù lại, học sinh nào cũng có thể tham gia học tập, thậm chí cha mẹ học sinh cũng có thể tham gia và giám sát con mình trong quá trình ôn luyện học tập ở nhà hàng ngày. - Ông có thể nói rõ hơn kinh nghiệm phối hợp ôn luyện kiến thức này giữa Sở GD&ĐT với Đài PTTH Đồng Nai để đạt kết quả như mong muốn? - Tất cả các đề cương ôn tập kiến thức và các bài giảng đã phát sóng, sẽ được kịp thời chia sẻ trên trang web của Đài PTTH Đồng Nai và Sở GD&ĐT. Học sinh cũng dễ dàng liên kết trên tất cả các phần mềm học tập qua các trang mạng khác. Các em sẽ được truy cập, học tập, tham khảo mọi lúc, mọi nơi mà không tốn chi phí. Sắp tới, giáo viên tham gia giúp học sinh ôn luyện và trực tiếp giảng dạy theo mô hình này, sẽ được yêu cầu soạn thêm các câu hỏi, bài tập, đáp án… bổ sung cho đề cương ôn tập, bài giảng đã có. Học sinh sẽ chủ động tích cực tương tác cùng thầy cô nhằm giải quyết các bài tập này thông qua việc nhúng, tích hợp vào các phần mềm tiện ích khác. - Dạy học từ xa - ôn luyện kiến thức qua mạng ngày càng được chú trọng. Ngành GD-ĐT Đồng Nai làm gì để theo kịp sự đổi mới này? - Dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, không chờ đến khi triển khai nội dung và Chương trình - sách giáo khoa mới mới thực hiện, mà đã từng bước được triển khai cách đây nhiều năm. Các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới hoạt động dạy và học nhằm đáp ứng yêu cầu này, trong đó có việc ứng dụng CNTT cùng máy móc, thiết bị hiện đại, hay các phần mềm hỗ trợ dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng… Nhờ đó, giáo viên và học sinh được thụ hưởng rất nhiều nền văn minh xã hội nói chung và nguồn thông tin vô cùng lớn nói riêng, thụ hưởng các hệ thống tài nguyên hỗ trợ dạy học. CNTT và các phương tiện dạy học hiện đại khác cũng giúp làm giảm lao động của giáo viên, đẩy nhanh tốc độ và kích thích hứng thú học tập của học sinh… Có thể nói, CNTT đóng vai trò rất quan trọng nhưng nó chỉ là phương tiện, con người sử dụng nó mới là quan trọng. Vì vậy, chỉ sử dụng CNTT khi cần thiết, phù hợp với điều kiện nhà trường, đối tượng học sinh, với vùng miền khác nhau. Sở GD&ĐT Đồng Nai đang tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư, bồi dưỡng năng lực sử dụng CNTT vào mọi hoạt động giáo dục cho tất cả cán bộ, giáo viên, coi đây là đòn bẩy hết sức quan trọng, tạo đà cho công cuộc đổi mới. - Xin cám ơn ông! Đinh Lê Yên (Thực hiện) Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .