Một lính đảo ở Trường Sa ra đón và xách giỏ đồ giúp mẹ - Ảnh: DUNG PHẠM Tám năm trước, bà Lê Thị Bích (Thanh Hóa) là một trong những thân nhân đầu tiên được ra Trường Sa trong chuyến tàu đi tháng 7-2010. Đã hơn tám năm, giờ ở tuổi 71, bà vẫn nhớ mãi. "Hôm đó thằng Lâm (trung úy Nguyễn Văn Lâm) ở đảo Nam Yết điện về bảo có chủ trương cho thân nhân các chiến sĩ ra thăm đảo, nó đăng ký cho tôi. Nó bảo đấy là lần đầu tiên Việt Nam mình có chế độ đó". Ra đảo thấy thương con hơn "Tôi nghĩ cả đời mới có một dịp được ra Trường Sa, phải cố gắng đi. Tôi đi tàu từ Thanh Hóa vào Nhà khách Hải quân ở Cam Ranh. Khám sức khỏe, kiểm tra huyết áp, tôi đạt hết. Lúc đó tôi đã già nhưng sức khỏe vẫn còn tốt nên được đi. Ra biển, nhiều người say sóng nhưng may tôi không say" - bà Bích kể. Bà Bích nhớ lại: "Khi đến Song Tử Tây, thấy cảnh mẹ con người ta đoàn tụ ôm nhau, tôi ngậm ngùi lắm. Khi tàu đến Nam Yết, mưa rất to, sóng lớn quá, tàu không vào cập đảo được. Tôi lo lắm, sợ không được vào đảo gặp con. Đã vượt sóng gió ra được đến đó rồi, giờ chỉ còn một chặng nữa mà không được gặp nhau thì ân hận lắm. Cuối cùng, các anh ấy cũng quyết định cho thân nhân vào đảo. Xuồng phải chạy ra tận tàu đón. Khi đó trong đảo, anh em chiến sĩ đứng trên cầu cảng đội mưa chờ". Bà Bích nghẹn ngào: "Anh đón vợ. Anh đón bố. Tôi mắt kém lại mưa to, cứ cố nhìn xung quanh tìm con mình thì nghe tiếng thằng Lâm gọi mẹ! Thấy con rắn rỏi, đen, mặt mày tóc tai ướt hết, nước mắt tôi cứ thế mà tuôn ra. Lúc đó Lâm đi đảo hơn một năm chưa về. Tình cảm mẹ con lúc đó sao mà dạt dào, thiêng liêng". Ngày đầu trên đảo, bà Bích được chính trị viên đảo bố trí cho một phòng riêng trên tầng hai. Không ngủ được vì lạ, đêm sau bà Bích về ngủ cùng con. "Đợt ấy tôi có 5 đêm trên đảo. Đảo Nam Yết đẹp lắm, nhất là khi chiều tà hoàng hôn buông xuống. Tôi đi vòng quanh đảo, nhìn đâu cũng là biển nước mới thấu hiểu được nỗi lòng người lính xa quê. Ra đảo tôi mới được tận mắt nhìn thấy một phần đất nước của mình. Giữa biển cả mênh mông có hòn đảo nổi lên, trên đó có những con người sinh sống, ngoài nhiệm vụ quốc phòng còn tăng gia sản xuất, nuôi con lợn, con chó... như trong đất liền. Ra đó mới thấy cái tình cảm với Tổ quốc mênh mang, dạt dào lắm" - bà Bích kể. Người mẹ nay tóc đã bạc trắng tâm sự: "Ra đảo thấy thương con hơn, thương tất cả bộ đội. Con mình còn có tuổi đời nhưng có những chú lính tân binh mới ra đảo, mặt mũi non choẹt bồng súng đứng gác, mắt cứ nhìn thẳng ra biển. Có cậu khi mẹ ra thăm, đến giờ đi gác vẫn phải đi. Xung quanh đảo chỉ có sóng biển, hơi muối, phải chắt chiu từng giọt nước. Thương lắm. Mắt thấy tai nghe mới hiểu cuộc sống lính đảo khó khăn như thế nào!". Ông Nguyễn Văn Lam (phải) và con trai Nguyễn Hữu Thọ tại đảo Núi Le B - Ảnh: MY LĂNG Giọt nước mắt người cha Đã hai lần ra Trường Sa thăm con nhưng với ông Nguyễn Văn Lam, một thương binh 67 tuổi (hiện sống ở Hà Tĩnh), chuyến đi đầu tiên vào tháng 7-2010 để lại nhiều ấn tượng nhất. Lúc đó con trai ông - thiếu úy Nguyễn Hữu Thọ - đang công tác ở đảo Len Đao. Đợt ấy do ảnh hưởng của bão, mãi đến 20h ngày 15-7-2010 tàu mới đến được Len Đao. "Khi đến đã thấy đảo lung linh đèn" - ông Lam kể. "Hôm đó thủy triều xuống, nước cạn. Tất cả bộ đội trên đảo ra đẩy xuồng đưa thân nhân vào đảo. Ông Vượng, đại tá Vùng 4 là trưởng đoàn, cũng xuống lội nước đẩy xuồng. Trên xuồng chỉ có ba thân nhân được ngồi: tôi và vợ của đảo trưởng, vợ chính trị viên đảo. Tàu cách đảo mấy trăm mét mà anh em hì hục đẩy xuồng cho mình ngồi không bị ướt. Tôi thần kinh thép đấy mà vẫn khóc vì thương chúng quá". Ông Lam xúc động kể tiếp: "Vào cách đảo khoảng 100m, xuồng không đẩy được nữa vì nước cạn. Anh em lính đảo sợ mình bị san hô cắt đứt chân nên cõng vào. Khi đó tôi mới nhìn ra Thọ. Lúc con ra đẩy xuồng, tôi vẫn chưa nhận ra. Trời tối quá. Khi vào gần đảo, có ánh điện sáng tôi mới phát hiện con mình. Thọ biết bố ra thăm đấy nhưng cũng không phát hiện bố ngồi trên xuồng. Tôi bảo: "Ơ, Thọ. Con đấy à?". Nó đang hì hụi đẩy xuồng, ngước lên mừng rỡ gọi bố. Từ trên xuồng, tôi với tay ôm con. Tôi không nghĩ gặp con trong tình cảnh đó. Con cắt tóc đầu đinh. Đêm, mặt mũi con đen thui, chỉ thấy hai con mắt. Thương quá tôi lại khóc. Lên đảo mới hiểu cuộc sống của lính đảo khó khăn, vất vả như thế nào!". "Cưới nhau xong là đi" Cưới nhau mới được một tháng, chị Mỹ Lương (Quảng Bình) ngậm ngùi tiễn chồng ra đảo công tác. Chồng Mỹ Lương là thiếu úy Võ Ngọc Vỹ đi đảo biền biệt cho đến tháng 7-2010, tức gần 19 tháng ròng xa cách, họ mới được gặp lại nhau khi Mỹ Lương theo chuyến tàu đầu tiên ra Trường Sa. "Khi thấy chồng đứng cùng các cán bộ, chiến sĩ đón đoàn, mình chảy nước mắt" - chị Mỹ Lương xúc động khi nhớ lại. "Thời yêu nhau anh đẹp trai lắm. Ra đảo gần hai năm, anh gầy, đen sạm đi. Ở đảo chìm rất vất vả. Đảo trưởng nhường phòng cho hai vợ chồng mình. Chuyến đó tôi chỉ có ba ngày trên đảo. Cả đêm mình không dám ngủ, cứ lo trời sáng. Có vợ ra thăm, đồng đội ưu tiên cho chồng mình. Anh vẫn làm việc nhưng được tạo điều kiện tối đa để gặp vợ. Lần gặp nhau trên đảo cũng nuôi hi vọng có con. Anh Vỹ bảo tôi: "Em mà sinh được đứa con, anh ở ngoài này bao lâu cũng được". Hạnh phúc gặp chồng Chị Hải Dương xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc vợ chồng gặp nhau trên đảo - Ảnh: MY LĂNG Đã hơn một năm trôi qua, chị Hải Dương (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn nhớ khoảnh khắc lúc hai vợ chồng gặp nhau hồi tháng 5-2017 ngoài đảo. Chồng chị là trung úy Phạm Duy Quỳnh, nhân viên trạm rađa 11 (trung đoàn 292 - sư đoàn 377) ở Trường Sa Lớn. "Chồng đứng trong đội hình trên đảo chuẩn bị làm lễ chào cờ nên không ra đón mình được. Lúc chồng diễu quân qua, mình thấy nhưng chồng không thấy mình. Chào cờ xong, hai đứa nháo nhác tìm nhau. Khi mình tìm thấy chồng thì xúc động quá không nói được gì. Hai đứa cứ ôm nhau. Chồng vừa lau nước mắt cho mình vừa cười bảo: khóc gì mà khóc. Mấy chị có chồng ở đảo khác mà chưa gặp, thấy vậy cũng khóc theo". Kỳ tới: Những căn phòng hạnh phúc giữa Trường Sa Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .