Công ty Thiết kế web

Đường đến sân bay Long Thành: 'Không thể đợi xây xong mới kết nối'

Thảo luận trong 'Thời sự' bắt đầu bởi truonghuong, 25/7/20.

  1. truonghuong

    truonghuong Active Member

    [​IMG]


    Một đoạn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Thái (huyện Long Thành) đang bị ngưng trệ - Ảnh: Hà Mi


    Điều Thủ tướng lo lắng trong buổi làm việc trên với tỉnh Đồng Nai mới đây không phải "lo xa", vì ngay liền kề với Đồng Nai là cảng Cái Mép - Thị Vải đã đi vào hoạt động gần 10 năm vẫn chưa phát huy hết năng suất, do hạ tầng chưa kết nối đồng bộ.

    Đường cao tốc ì ạch

    Theo quy hoạch, Đồng Nai có 5 tuyến cao tốc đi qua, gồm TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương.

    Ngoài ra còn có đường Vành đai 3 và Vành đai 4 kết nối với TP.HCM, Bình Dương. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành và khai thác, các dự án còn lại hoặc đang ngưng trệ vì kẹt vốn, hoặc mới ở giai đoạn nghiên cứu.

    Giữa tháng 7, phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại đoạn cuối tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành ở xã Phước Thái (huyện Long Thành) chứng kiến công trình đang dang dở. Những dầm bêtông đúc sẵn nằm đó, còn xe ủi, xe lu đứng yên trên những thảm đất đổ nền đường.

    Công trường ngưng thi công đã lâu, chỉ còn lác đác vài công nhân quản lý ra vào. "Nghe đâu chờ có tiền mới thi công tiếp" - một công nhân trông giữ thiết bị giải thích.

    Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 59km, nối từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 1.607 triệu USD, và thời gian thực hiện từ năm 2012-2017, là một trong các trục kết nối vào khu vực sân bay Long Thành.

    Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay dự án có gần 29km qua địa bàn tỉnh với gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.

    "Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn vốn, nên tỉnh đã tạm ứng ngân sách chi trả cho các hộ dân gần 12 tỉ đồng. Vì vậy tỉnh mong Chính phủ có giải pháp tháo gỡ nguồn vốn để chủ đầu tư hoàn trả tiền ngân sách tỉnh đã ứng và tiếp tục thi công dự án" - ông Cao Tiến Dũng báo cáo với Thủ tướng.

    Trong khi đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mới đưa vào khai thác từ năm 2015 với quy mô 4 làn xe nay đã quá tải, khiến các địa phương Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM lo ngại về việc kẹt xe trên cao tốc và lo cả việc kết nối đồng bộ vào dự án sân bay Long Thành.

    Ông Võ Tấn Đức - chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết: "Lượng xe đi trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã gấp đôi lưu lượng thiết kế, nên thường xảy ra tình trạng kẹt xe trên địa bàn huyện và nhiều đoạn quốc lộ 51. Cần kịp thời đầu tư mở rộng thêm làn xe trên cao tốc để giảm áp lực xe trên quốc lộ 51, nhất là khi tới đây sẽ có dự án sân bay Long Thành".

    Ông Từ Nam Thành - giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai - cho hay vừa qua các địa phương kiến nghị mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với TP.HCM và nhà đầu tư để tính toán việc mở rộng.

    "Nếu việc này thực hiện sớm thì ngoài việc giảm chuyện kẹt xe còn thu hút được các nhà đầu tư về các khu công nghiệp ở TP Long Khánh và huyện Xuân Lộc, Đồng Nai" - ông Thành nói.

    [​IMG]


    Xe cộ ùn ứ diễn ra hằng ngày trên quốc lộ 51 - Ảnh: Hà Mi


    Mong tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

    Theo ông Thành, ngoài hai dự án cao tốc trên, năm 2016, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi dọc quốc lộ 51. Đây là dự án kết nối vào các tuyến cao tốc khác để phát triển kinh tế của cả khu vực phía Nam, trong đó có khu vực dự án sân bay Long Thành.

    Ông Thành cho biết lượng xe tăng quá nhanh làm quốc lộ 51 ùn tắc nhiều nơi. Nếu sớm hoàn thiện dự án Bến Lức - Long Thành nối với Vành đai 3 thì không chỉ giảm tắc nghẽn giao thông mà còn tăng tính kết nối của khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thu hút được các nhà đầu tư, giới vận tải ra vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải...

    Cũng theo ông Thành, riêng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nếu sớm thực hiện sẽ giải tỏa rất nhiều cho trục giao thông quốc lộ 51.

    Mới đây, ông Cao Tiến Dũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, để kết nối hạ tầng ra vào sân bay Long Thành. Theo ông Dũng, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án này khoảng 14.956 tỉ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có tổng mức đầu tư 12.315 tỉ đồng và đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 2.641 tỉ đồng.

    "Để đảm bảo tính khả thi của dự án, ngân sách nhà nước cần hỗ trợ khoảng 7.300 tỉ đồng. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến hỗ trợ 2.300 tỉ đồng. Vì vậy Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ thêm khoảng 5.000 tỉ để giải phóng mặt bằng đoạn qua Đồng Nai" - ông Dũng nói.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm phát triển công nghiệp của đất nước. Do vậy, ngoài việc phải sớm có đất sạch làm sân bay thì Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thủ tục đầu tư các dự án còn lại. Đồng thời rà soát, đề xuất thực hiện các dự án giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành.

    "Đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tôi yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau đó xác định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết dự án. Các bộ ngành liên quan thẩm định, tính toán nguồn vốn trình Thủ tướng xem xét" - Thủ tướng chỉ đạo.


    Chủ động mở đường kết nối vào cao tốc

    Trong lúc chờ các dự án cao tốc, tỉnh Đồng Nai vừa duyệt phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án tuyến đường kết nối vào cảng Phước An (từ nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch) theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.

    Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng tuyến đường, giải phóng mặt bằng, sau đó được kinh doanh, khai thác thu phí giao thông để hoàn vốn.

    Ở một hướng kết nối khác, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã duyệt phương án xây dựng tuyến hương lộ 2 với điểm đầu giao quốc lộ 51 (P.An Hòa, TP Biên Hòa) và điểm cuối là huyện Nhơn Trạch để kết nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện nay, tỉnh đang giải phóng mặt bằng làm đoạn một chiều dài khoảng 2km với tổng vốn đầu tư gần 783 tỉ đồng.

    Cũng trên tuyến hương lộ 2, Đồng Nai đã duyệt phương án đầu tư xây dựng mới cầu Vàm Cái Sứt dài gần 650m với tổng mức đầu tư trên 387 tỉ đồng. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng cây cầu này để phát triển kinh tế - xã hội ven sông Đồng Nai, đồng thời giảm được lưu lượng xe đi trên quốc lộ 51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

    Ông Từ Nam Thành - giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Các dự án địa phương đang thực hiện đã tính toán và có chiến lược, gắn kết với nhiều dự án khác. Các dự án đã và đang thực hiện kết nối vào các tuyến cao tốc với mục đích tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cả khu vực". Tuy nhiên, để tăng tính liên kết vùng thì vẫn phải trông chờ vào các tuyến cao tốc, quy mô hơn.


    Hướng nào cũng kẹt

    Tài xế xe đầu kéo Phan Văn Tiến hay chở hàng trên quốc lộ 51 cho hay mỗi lần xuống cảng Cái Mép chở hàng về TP.HCM đều bị kẹt xe ở đoạn ra vào các khu công nghiệp Nhơn Trạch. Khi thoát qua chỗ này, đến vòng xoay thị trấn Long Thành bị kẹt xe tiếp vì lượng xe lên xuống đường cao tốc quá nhiều. Có lúc về đến TP Biên Hòa lại gặp cảnh kẹt xe gần hầm chui quốc lộ 51 và đoạn qua cầu Đồng Nai mới.


    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này