Ông Nguyễn Văn Luật, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Ảnh: DANH TRỌNG Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm “Tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm”, do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức chiều 7-5, tại Hà Nội. Theo đó, ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện - cho biết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều vì án sơ thẩm, phúc thẩm chất lượng không cao nên người ta phải phản pháo. "Án sơ thẩm, án phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm trước đó chưa thấu tình đạt lý, chất lượng không cao, người ta không phục thì người ta còn tiếp tục kiến nghị. Đây không phải ăn ốc nói mò mà thực tế nó thế. Khi tôi còn là luật sư đi bào chữa có đọc những bản án viết như vỡ lòng, rất là buồn. Quyền lợi của người dân bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người dân tiếp tục phải khiếu nại. Tôi cho rằng, Bộ luật tố tụng hình sự cho phép thẩm quyền của tòa án, mặc dù Hội đồng thẩm phán tối cao đã xem xét rồi vẫn có quyền xem xét lại để bảo đảm quyền lợi của người dân", ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích. "Ví dụ như vụ Hồ Duy Hải đã có nhiều sơ suất nên Ủy ban Tư pháp mới phát hiện ra. Khi ra tòa hỏi có bị bức cung nhục hình không, bị cáo nói có thì tòa lại yêu cầu chứng minh đi, vậy thì chứng minh kiểu gì? Tôi cho đây là vấn đề đau xót". Ông Nguyễn Văn Luật - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cho rằng diễn biến đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay còn nhiều phức tạp. Tình trạng khiếu nại vượt cấp còn nhiều, trả lời không có căn cứ giám đốc thẩm song sau đó lại kháng nghị còn nhiều. Số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà ngành tòa án nhận được năm 2017 là hơn 18.000 vụ, năm 2018 hơn 15.000 vụ, năm 2019 hơn 19.000 vụ. Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - cho rằng đơn giám đốc thẩm nhiều chính là vì sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều sai sót do điều tra, kiểm soát, tòa án. "Án dân sự oan sai khủng khiếp vì nó đụng đến lợi ích, nhiều khi người ta mất tiền về một bản án. Phúc thẩm sinh ra là để sửa chữa sơ thẩm. Tòa án tỉnh hiện nay phúc thẩm rất nhiều, nếu án phúc thẩm làm tốt sẽ không lên đến giám đốc thẩm", luật sư Nghĩa nói. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Ảnh: DANH TRỌNG Luật sư Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - cho hay tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do đơn đề nghị giám đốc thẩm rất nhiều nhưng đội ngũ giúp việc cho tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn chưa đủ số lượng, chất lượng. Khác với trước đây, các bộ luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính... giao thẩm quyền giám đốc thẩm cho Tòa án nhân dân tối cao, cấp cao và các tòa án cấp tỉnh nhưng giờ các tòa án cấp tỉnh không có thẩm quyền giám đốc thẩm. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao cũng tồn tại nhiều vấn đề như các đơn vị chuyên môn giúp việc lại là các phòng độc lập mà không nằm ở tòa chuyên trách. Các tòa chuyên trách nắm rất chuyên sâu nhưng lại không được tận dụng. Một vấn đề nữa là chất lượng xét xử còn rất nhiều vấn đề chưa ổn, bởi vậy lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm tăng. Nhiều vụ án hiện nay "gây bão dư luận" vì các lỗi rất sơ đẳng. Nếu công tác giám đốc thẩm không nghiêm minh sẽ bị bỏ lỡ nhiều về các vấn đề đó. Theo các đại biểu, để tăng cường chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao nên quan tâm đến đội ngũ thẩm tra viên. "Tiêu chuẩn thẩm tra viên thấp hơn thẩm phán nhưng họ lại kiểm tra một bản án của thẩm phán. Hơn nữa lại tách ra khỏi các tòa chuyên môn nên càng không ổn. Vì vậy cần xem xét lại để tăng thẩm quyền giám đốc thẩm cho tòa án các tỉnh". Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .