Cư dân dự án The Park Residence đối thoại với chủ đầu tư tại UBND xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM ngày 18-12 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN Ngày 15-12, cư dân chung cư The Park Residence (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) giăng băngrôn phản đối việc chủ đầu tư là Công ty Phú Hoàng Anh chậm bàn giao nhà, thiếu biên bản nghiệm thu an toàn xây dựng và thay đổi thiết bị bên trong nhà, không đúng như cam kết trong hợp đồng. Cam kết một đằng, giao một nẻo Tháng 3-2017, Công ty Phú Hoàng Anh thông báo qua email mời khách hàng đến bàn giao nhà. Tuy nhiên, theo cư dân, thời điểm đó dự án The Park Residence vẫn còn đang thi công ngổn ngang, chưa được nghiệm thu chất lượng xây dựng lẫn hệ thống PCCC. Trong buổi đối thoại giữa cư dân và đại diện Công ty Phú Hoàng Anh tại UBND xã Phước Kiển sáng 18-12, ông Nguyễn Kim Toản, một cư dân ở chung cư, bức xúc: "Ngoài việc trễ hẹn bàn giao nhà, chậm hoàn thành các biên bản nghiệm thu xây dựng, chủ đầu tư còn thay đổi cửa kính, thang máy, không đúng với nhãn hiệu đã ghi trong hợp đồng mua bán nhà". Cụ thể, ông Toản cho biết theo hợp đồng mua bán nhà thì hệ thống khung cửa bancông, cửa sổ là nhôm/thép kính hay tương tự, nhưng chủ đầu tư bàn giao là khung cửa nhựa kính. Thang máy hiệu Mitsubishi Thái Lan, tiêu chuẩn Nhật Bản, nhưng chủ đầu tư lại lắp thang máy hiệu Kone. Trao đổi lại với cư dân, ông Đặng Đình Tuấn - đại diện Công ty Phú Hoàng Anh - cho rằng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư thấy thang máy hiệu Kone khá tốt, được nhiều dự án cao tầng tại TP.HCM sử dụng nên công ty đổi qua dùng thang máy hiệu này. Về chất lượng và giá cả, ông Tuấn nói thang máy hiệu Kone tương đương với thang máy hiệu Mitsubishi. "Còn việc chậm sửa chữa, thay thế các hạng mục khác là do nhiều thiết bị phải nhập từ nước ngoài, cần có thời gian chờ đợi, rất mong cư dân thông cảm, chia sẻ cùng chủ đầu tư" - ông Tuấn nói. Cũng trong tuần qua, nhiều cư dân của dự án The Gold View (quận 4) cũng bức xúc, giăng băngrôn yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư. Các cư dân ở đây vừa gửi kiến nghị lên Công ty TNG Holdings Việt Nam - chủ đầu tư của The Gold View - đề nghị bổ sung và thay đổi thiết bị, vật liệu đúng với nhãn hiệu đã cam kết trong hợp đồng mua bán nhà. Ông Liêu Quốc Đạt, một người dân sống ở block A1, cho biết sau khi nhận căn hộ, nhiều khách hàng phát hiện thiếu mặt bàn rửa, tủ dưới lavabo trong nhà vệ sinh phụ, vòi sen, ổ cắm điện và đầu cấp nước. "Do việc thiếu trang thiết bị so với hợp đồng xảy ra phổ biến ở nhiều căn hộ, cư dân chúng tôi mong chủ dự án đưa ra phương án giải quyết chung cho các trường hợp này. Chủ đầu tư phải thay đổi thiết bị cho đúng cam kết trong hợp đồng hoặc bồi thường cho chúng tôi" - ông Đạt nói. Cần kiểm tra kỹ hợp đồng mua bán Tại buổi làm việc với chủ đầu tư và cư dân ngày 18-12, ông Bùi Trung Hiếu - chủ tịch UBND xã Phước Kiển - yêu cầu Công ty Phú Hoàng Anh nhanh chóng khắc phục những sai sót trong kỹ thuật xây dựng, thỏa thuận các thiết bị thay thế phù hợp để người dân an tâm sinh sống. Ngoài ra, công ty cần dán biên bản nghiệm thu PCCC, nghiệm thu kỹ thuật xây dựng lên bảng tin chung cư để cư dân theo dõi. Ngày 14-12, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận 4 cũng đã đến kiểm tra chung cư The Gold View và yêu cầu chủ đầu tư đối thoại với cư dân để thỏa thuận, tìm ra hướng giải quyết hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Theo luật sư Vũ Xuân Hoằng (Đoàn Luật sư TP.HCM), vì nhiều lý do, người mua căn hộ thường không theo sát khi hoàn thiện nội thất. Chủ đầu tư hay bớt xén các vật dụng hoặc đổi nhãn hiệu khác rẻ hơn như đã cam kết. Trong trường hợp này, theo luật sư Hoằng, khách hàng nên giải quyết linh hoạt, có lợi nhưng không cầu toàn. "Việc quan trọng đầu tiên là phải lập được biên bản. Trong đó nêu rõ những thiết bị nào sai quy cách, chất lượng, nhãn mác... so với hợp đồng. Những thiết bị nào có thể thay mà không ảnh hưởng đến chất lượng, mỹ quan của căn hộ thì yêu cầu tháo dỡ, thay thế. Thiết bị nào thay thế mà ảnh hưởng đến chất lượng, mỹ quan của căn hộ thì chấp nhận sử dụng và trừ tiền trong hợp đồng. Khách hàng không nên tự ý tháo dỡ thiết bị" - luật sư Hoằng tư vấn. Nhiều trường hợp khách hàng nóng vội đã tự ý tháo dỡ thiết bị, bỏ không nhận nhà, đòi tiền phạt, thanh lý ngay hợp đồng. Như vậy hậu quả là không có nhà ở, thời gian tòa án giải quyết, hòa giải, giám định... quá lâu. Khi giải quyết xong tranh chấp thì thường khách hàng thiệt đơn thiệt kép Luật sư Vũ Xuân Hoằng Luật sư Hoằng cũng phân tích thêm là sau khi khách hàng nhận nhà, bao giờ cũng có một khoản tiền chưa thanh toán cho chủ đầu tư. Đó là tiền trả đợt cuối, khi đã có chứng nhận sở hữu căn hộ... Nếu phát sinh tranh chấp thì hai bên tự thương lượng và trừ đi trong khoản tiền mà khách hàng chưa trả cho chủ đầu tư. Nếu hai bên không tự giải quyết được thì yêu cầu tòa án giải quyết theo những căn cứ của Bộ luật dân sự 2015... Doanh nghiệp đừng "lấy đá ghè chân mình" Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết trong hợp đồng mua bán căn hộ thường có phụ lục đính kèm danh sách các thiết bị, nhãn hàng đi kèm nên khi nhận nhà khách hàng cần kiểm tra kỹ. Việc nhiều chủ đầu tư thay đổi các thiết bị, thậm chí bàn giao thiếu khiến khách hàng bức xúc dẫn đến những tranh chấp về dân sự. Để xảy ra tình trạng này thì chính chủ đầu tư đã "lấy đá ghè chân mình", làm giảm uy tín của chủ đầu tư. Theo ông Châu, khi chủ đầu tư bàn giao thiếu, thay đổi thiết bị không đúng cam kết, nếu chủ đầu tư và khách hàng không thỏa thuận hướng giải quyết được thì khách hàng nên khởi kiện ra tòa nhằm đảm bảo quyền lợi. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .