Triển khai Khung trình độ quốc gia các trình độ của giáo dục ĐH Chiều 25/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Tọa đàm. Dự Tọa đàm có đại diện các Bộ ngành và hiệp hội: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội Kế toán kiểm toán công chứng Anh và xứ Wales, một số chuyên gia và đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu liên quan để triển khai xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc giáo dục đại học; trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng. Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT đã dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chung là đổi mới hoạt động đào tạo gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; mở rộng cơ hội hội nhập với cộng đồng đại học khu vực và thế giới, tạo ra cơ chế liên thông và hình thành hệ thống giáo dục mở. Cụ thể, đến năm 2021 hoàn thành xây dựng chuẩn đẩu ra và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực: Sức khỏe, Kỹ thuật, Kế toán-Tài chính, Du lịch, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; đến năm 2022 hoàn thành báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN; đến năm 2023 hoàn thành xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực còn lại; đến năm 2025 các cơ sở giáo dục đại học hoàn thành rà soát, cập nhật chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực đào tạo của giáo dục đại học. Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi lâu nay các cơ sở giáo dục đại học vẫn tuyên bố sứ mạng, công bố chuẩn đầu ra nhưng sinh viên hay người học ra trường có đạt chuẩn hay không lại là câu hỏi lớn. Nguyên nhân là do không có thước đo chung nào về chuẩn ngành, năng lực cần phải đạt tối thiểu của sinh viên hay người học sau khi tốt nghiệp một bậc học. Bộ trưởng cho biết, chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo được thực hiện ở các trình độ khác nhau phụ thuộc vào các chuẩn mực chung tối thiểu đối với từng ngành đào tạo. Việc đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo theo từng ngành cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp, với các bộ ngành, các chuyên gia, và với cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đại học. Theo Bộ trưởng, việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học thông qua xây dựng, ban hành và áp dụng chuẩn chương trình đào tạo, trong đó có chuẩn đầu ra đối với từng trình độ, từng ngành đào tạo, đồng thời thiết lập cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo, gia tăng mối quan hệ tương đồng với khung trình độ quốc gia của các nước khác (thông qua tham chiếu với khung trình độ khu vực và quốc tế) sẽ tạo cơ sở vững chắc để thực hiện công nhận giữa các nước về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam và khắc phục được tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. Công cụ kiểm soát các “trường yếu” Trao đổi tại Tọa đàm, đại diện các Bộ, ngành và các cơ sở giáo dục đại học đều khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của việc ban hành chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình cho các ngành thuộc các lĩnh vực đào tạo của giáo dục đại học. Đại diện Bộ Y tế - đơn vị đi đầu trong triển khai nhiệm vụ này và đến nay đã ban hành được chuẩn năng lực cơ bản cho 6 ngành nghề bậc đại học cho biết, hiện toàn quốc có 44 trường đào tạo khối ngành sức khỏe, 25 trường đào tạo y khoa, 33 trường có đào tạo dược sĩ, nếu không có chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình sẽ đào tạo ra những dược sĩ, bác sĩ khác nhau. Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định sẵn sàng đồng hành với Bộ GD&ĐT để làm trước và cùng Bộ GD&ĐT xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo cho khối ngành sức khỏe. Thể hiện sự đồng tình về lộ trình triển khai theo dự thảo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, không nên thực hiện thí điểm mà nên triển khai đồng thời ở tất cả các ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau, bởi mỗi lĩnh vực sẽ làm việc độc lập. GS Tú nhấn mạnh, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học là việc phải làm, đây sẽ là công cụ để kiểm soát các “trường yếu”. Cùng với xu hướng tự chủ, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục đại học đã triển khai xây dựng chuẩn đầu ra gắn với xây dựng chuẩn chương trình đào tạo. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Nhà trường đã triển khai nhiệm vụ này từ 2 năm qua và dự kiến cuối năm nay sẽ công bố. GS Minh khẳng định, không một trường đại học nào trên thế giới đào tạo một người ra trường lại không có chuẩn đầu ra, do đó, đây là việc các trường đại học của Việt Nam phải làm, “là cuộc chơi, cuộc cạnh tranh đàng hoàng”. TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Về cách thức triển khai, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, các trường có chung lĩnh vực đào tạo nên ngồi lại với nhau để đưa ra mặt bằng chuẩn chung, đây là chuẩn tối thiểu. Đặc biệt, không dùng hành chính trói buộc sáng tạo, có nghĩa là sau khi có được khung chuẩn chung mới điều chỉnh các văn bản hiện hành chứ không điều chỉnh văn bản trước, xây dựng chuẩn sau. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận việc xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo phải dựa vào các chuẩn mực quốc tế với thành phần tham gia gồm các trường đại học, đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia trong nước, nước ngoài và dựa trên tinh thần tự nguyện. Đồng tình với việc cần triển khai đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, nên xây dựng chuẩn theo ngành thuộc các lĩnh vực và bao nhiêu lĩnh vực khởi động ngay chứ không chỉ chọn một số lĩnh vực làm trước như dự thảo kế hoạch đề cập. Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia góp ý cho dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ tiếp thu và hoàn thiện dự thảo theo hướng đảm bảo mục tiêu rõ ràng, lộ trình thực hiện linh hoạt, tránh tiến độ chậm hay phạm vi hẹp. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .