Buộc phải có sự bứt phá thời cuộc có tên gọi cách mạng công nghiệp 4.0 để hội nhập với khu vực và quốc tế hay là dừng lại có nghĩa là thụt lùi? Cuộc chuyển đổi bất đắc dĩ Tại Hội nghị “Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19” được tổ chức ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh: Giai đoạn khó khăn này cũng là thời cơ để các trường đại học đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Cũng tại hội nghị, đại diện các trường đại học đã nêu ra những khó khăn khi triển khai phương thức đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng tình, đây là một cơ hội tốt cho việc phát triển GDĐH theo hướng số hóa trong đào tạo. Covid-19 đã khiến các trường lộ rõ nhược điểm cố hữu là vẫn đi sâu trong lối mòn của cách thức đào tạo truyền thống xưa cũ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu trên khắp giảng đường. Trường nào cũng có hệ thống máy tính kết nối 4G băng thông rộng, thế nhưng khi buộc phải triển khai dạy học trực tuyến thì bộc lộ rõ những khiếm khuyết. Đến thời điểm này chưa thể đánh giá hết được cách thức dạy học trực tuyến đang được các trường triển khai hiệu quả đến đâu. Nhưng theo phản ánh của không ít SV là khó tiếp thu hơn cách thức học tập cũ. Còn với các chuyên gia thì cách thức dạy học đang được các trường triển khai chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể là dạy học online theo đúng nghĩa. Như Đại học Thái Nguyên, đến thời điểm này đã có trên 90% môn học tại đây được triển khai đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, do đây là diễn biến tình thế nên đã biểu hiện những khó khăn về kinh nghiệm giảng dạy online, vấn đề học phí hay việc trang bị công cụ học tập khi 70% SV là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng khó khăn. Ảnh minh họa/ INT Cuộc chuyển đổi số bất đắc dĩ thời Covid-19 đã khiến hầu hết các trường thực sự lúng túng. Không thể không tổ chức dạy học cho SV khi kỳ nghỉ kéo dài như vậy, nhưng dạy học thế nào cho hiệu quả và cách thức dạy học online ra sao vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Trên thực tế, cách thức được các trường triển khai khác xa với những nguyên lý dạy học trực tuyến đúng nghĩa. Mà ở đây chỉ là hình thức truyền tải lại giờ dạy của giảng viên, thay bằng lên giảng đường dạy mặt đối mặt cùng SV thì giờ đây, thầy và trò gặp nhau trên màn hình máy tính. Bắt buộc phải “chuyển đổi số” “Bộ GD&ĐT đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy đại học, trong đó cho phép các trường được triển khai một số tỷ lệ nhất định đào tạo trực tuyến trong toàn bộ chương trình. Đây là cách thức mà các trường đại học nước ngoài đã thực hiện và cho thấy hiệu quả, bởi hình thức này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên học mọi lúc mọi nơi, phát huy được khả năng tự học. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường chia sẻ học liệu, chia sẻ khóa học trực tuyến để cùng nhau hỗ trợ trong đào tạo; cùng xây dựng kho học liệu mở dùng chung”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc Công bố của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong 2 tuần đầu trường triển khai giảng dạy trực tuyến, có 99% các lớp lý thuyết và bài tập đã chuyển sang hình thức này. Mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng Covid-19 cũng tạo ra sự thúc đẩy tích cực. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các trường đại học nên coi đây là cơ hội của quá trình chuyển đổi số, trong đó các trường cần có sự kết nối và liên thông với nhau để chia sẻ về tài nguyên học tập nhằm phục vụ cho đào tạo một cách tốt nhất. Còn tại Trường Đại học Mở Hà Nội, có 42% sinh viên tham gia vào hình thức học trực tuyến toàn bộ. Vào thời điểm dịch từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4, có hơn 1 triệu lượt đăng nhập vào lớp học, hơn 1.600 số lớp tín chỉ đã được mở trên hệ thống LMS với thời gian duy trì học tập trên hệ thống trực tuyến là hơn 14 triệu phút. Trường Đại học Trà Vinh (TVU) đang hướng đến xây dựng đại học thông minh nên hoạt động dạy học online đã trở nên hết sức bài bản. Theo đó, hoạt động dạy học E-Learning được tích hợp vào việc giảng dạy tại TVU ở 3 mức độ: Mức độ 1, bổ sung cho việc giảng dạy trên lớp; Mức độ 2, giảng dạy đảo ngược; Mức độ 3, giảng dạy kết hợp này sẽ được thực hiện khi sinh viên đi học trở lại. Có thể được tổ chức theo cấu trúc: Tuần đầu dạy trên lớp, tuần tiếp theo dạy online, xen kẽ như vậy và tuần cuối là trên lớp. Hoặc giai đoạn đầu và cuối của học phần được thực hiện trên lớp, giai đoạn giữa là online. Hiện tại, tất cả các học phần thuộc các khóa trong học kỳ II (2019 - 2020) đều đã có khóa học E-Learning - mức độ 1. Bên cạnh đó, một số giảng viên xây dựng các video bài giảng, đưa lên khóa học E-Learning và tương tác với sinh viên trên diễn đàn và phòng họp trực tuyến trên khóa học. Chuyển đổi một phần sang học trực tuyến là điều cần thiết với các trường đại học. Dù biết còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng không phải không chuyển đổi được, điều này phụ thuộc vào ý thức của các nhà trường. Để hội nhập thì không thể chờ đợi được nữa, các trường đại học cần phải nỗ lực đổi thay, lấy 4.0 làm động lực cho phát triển, kích thích năng lực tự học, tự nghiên cứu trong mỗi người. Covid-19 đã giúp các nhà trường nhận ra một cách tiếp cận mới, đó là kết hợp cả hai cách kể trên. Nếu kết hợp được tất cả ưu điểm của cả hai hình thức học truyền thống và học online sẽ hết sức ý nghĩa vì triển khai một số học phần online cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích tinh thần tự học, tự nghiên cứu là những yếu tố vô cùng cần thiết với SV. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .